Thụy Điển nổi giận đùng đùng triệu tập Đại sứ Nga

08:39, 12/09/2015
|

(VnMedia) - Bộ Ngoại giao Thụy Điển hôm qua (11/9) đã nổi giận triệu tập Đại sứ Nga đến, sau khi Moscow tung ra lời đe dọa trả đũa nếu quốc gia Scandinavia này gia nhập liên minh quân sự NATO.
 

Ảnh minh họa

Thụy Điển lâu nay vẫn duy trì chính sách không liên kết về mặt quân sự, có nghĩa là không liên minh với bất kỳ khối quân sự nào.


Đại sứ Nga Viktor Tatarintsev "được cho là sẽ đến Bộ Ngoại giao Thụy Điển trong ngày hôm nay" theo yêu cầu của Ngoại trưởng Thụy Điển Margot Wallstrom, một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Thụy Điển cho hay.
 
"Chúng tôi là một quốc gia độc lập và chúng tôi đưa ra những quyết định về chính sách an ninh của riêng mình một cách độc lập ... Chúng tôi không chấp nhận những lời đe dọa, và tôi đã triệu tập Đại sứ Nga đến để đặt ra những câu hỏi và cần một lời giải thích”, Ngoại trưởng Thụy Điển Wallstrom cho các phóng viên biết.
 
Bà Wallstrom đã có phản ứng gay gắt như vậy sau khi nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova mới đây đưa ra lời đe dọa, Moscow sẽ áp dụng “các biện pháp trả đũa” nếu Thụy Điển tham gia vào liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương - NATO.
 
"Việc Thụy Điển trở thành thành viên của NATO sẽ gây ra những hậu quả về chính sách đối ngoại cũng như quân sự và chính trị. Nó sẽ dẫn đến các biện pháp trả đũa từ Nga”, nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Zakharova hôm 10/9 tuyên bố.

Bà này cũng nói thêm rằng, "chiến lược quốc phòng và an ninh quốc gia là do các nước có chủ quyền tự quyết định. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn coi chính sách không tham gia vào các liên minh quân sự của Thụy Điển là một nhân tố quan trọng tạo nên sự ổn định ở Bắc Âu”.
 
Thụy Điển từ lâu nay vẫn theo đuổi chính sách không liên kết về mặt quân sự. Điều này có nghĩa là Thụy Điển không có mối quan hệ ràng buộc với bất kỳ liên minh nào, và nước này chỉ lựa chọn tham gia vào các chiến dịch quân sự tùy vào từng hoàn cảnh, trường hợp cụ thể. Ví dụ như Thụy Điển đang là một phần của chương trình Đối tác Hòa bình của NATO, và đóng góp quân cho chiến dịch quân sự ở Afghanistan.
 
Dân chúng Thụy Điển luôn phản đối việc nước họ gia nhập NATO. Mặc dù vậy, kết quả các cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy, đang có xu hướng gia tăng tỉ lệ người ủng hộ cho việc Thụy Điển trở thành một thành viên của NATO. Điều này được cho là xuất phát từ mối quan ngại về Nga, sau khi xảy ra cuộc khủng hoảng Ukraine.
 
Mối quan hệ giữa Nga với NATO đang rơi vào một cuộc đối đầu nghiêm trọng nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Sau khi Nga tiến hành sáp nhập bán đảo Crimea, NATO đã tuyên bố cắt đứt mối quan hệ với Moscow. Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương ra sức cáo buộc Nga can thiệp vào tình hình ở Ukraine .
 
Bất chấp việc Nga kiên quyết bác bỏ cáo buộc trên, NATO vẫn đẩy mạnh sự hiện diện quân sự của mình tại các quốc gia nằm sát biên giới với Nga như Ba Lan, một số quốc gia vùng Baltic thuộc Liên xô cũ như Latvia, Lithuania và Estonia. NATO còn tăng cường tiến hành các cuộc tập trận quân sự và đang đối phó với Nga bằng cách tăng cường phòng thủ ở sườn phía đông của Châu Âu.
 
Điều đáng nói là NATO đang thực hiện một chính sách tuyên truyền mạnh mẽ về mối đe doạ mang tên Nga ở trong khu vực. Moscow tin rằng NATO đang cố tình làm toáng lên, phóng đại lên về mối đe doạ từ Nga, về khả năng Nga xâm lược các nước láng giềng nhằm làm cái cớ tăng cường sự hiện quân sự trong khu vực cũng như kích động các nước xung quanh chống lại Nga.
 
Chiến dịch tuyên truyền của NATO đang phát huy tác dụng khi các nước láng giềng của Nga không chỉ vận động mạnh mẽ cho việc NATO triển khai quân và vũ khí đến lãnh thổ của họ mà bản thân những nước này còn tích cực tìm cách tăng cường năng lực quân sự và thiết lập liên minh để đối phó với Nga.
 
Về phần mình, Nga cũng chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với mối đe doạ từ NATO và các nước thân NATO ở xung quanh họ.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc