Hết tình hết nghĩa, Nga thẳng thừng ra tay với Ukraine

11:38, 11/09/2015
|

(VnMedia) - Sau khi Ukraine phũ phàng quay lưng với Nga, đuổi theo tham vọng gia nhập vào gia đình Liên minh Châu Âu (EU), Moscow cũng đã không còn ngại phải “ra tay” thẳng thừng với nước láng giềng.
 

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa


Nga đang đẩy nhanh dự án Dòng chảy Phương Bắc 2. Đây là dự án khi được thực hiện sẽ khiến Ukraine phải hứng chịu tổn thất không hề nhỏ đối với nền kinh tế.
 
Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk hôm qua (10/9) cho biết, việc xây dựng nhánh thứ hai của mạng lưới đường ống Dòng chảy Phương Bắc sẽ khiến Kiev mất đi vị trí là nước trung chuyển khí đốt của Nga sang cho Liên minh Châu Âu và điều này sẽ khiến Kiev mất đi 2 tỉ USD tiền doanh thu.
 
Hồi tháng Sáu, tập đoàn khí đốt quốc gia Nga - Gazprom đã thông báo kế hoạch xây dựng thêm hai chi nhánh của mạng lưới Dòng chảy phương Bắc, chảy từ Nga đến Đức. Đây là một dự án chung được kết hợp giữa tập đoàn Gazprom của Nga với các tập đoàn E.ON, Shell và OMV, với chi phi ước tính lên tới 9,9 tỉ euro (hơn 11 tỉ USD).

Dự án Dòng chảy phương Bắc 2 có kế hoạch sử dụng mạng đường ống dẫn khí đốt của dự án Dòng chảy Phương Bắc gốc ban đầu cho 86% tuyến đường trước khi tách nhánh. Dự án này sẽ giúp Nga cung cấp 55 tỉ mét khối khí đốt trực tiếp đến cho các khách hàng Châu Âu hàng năm.
 
“Đối với Ukraine, dự án xây dựng mạng lưới đường ống khí đốt Dòng chảy phương Bắc sẽ đồng nghĩa với việc loại quốc gia Đông Âu ra khỏi mạng lưới trung chuyển khí đốt của Nga sang cho Liên minh Châu Âu. Hậu quả là Ukraine sẽ mất 2 tỉ USD doanh thu mà chúng ta thường nhận được cho việc cung cấp khí đốt của Nga cho EU”, Thủ tướng Yatsenyuk thừa nhận trong một cuộc họp báo ngắn sau cuộc gặp với Thủ tướng Slovakia Robert Fico.
 
Mất lợi ích, Ukraine và Slovakia cùng lên án dự án khí đốt của Nga
 
Thủ tướng Ukraine và Slovakia hôm qua đã cùng lên án thoả thuận của Moscow với một số nước phương Tây về việc mở rộng một hệ thống đường ống khí đốt cung cấp khí đốt trực tiếp từ Nga sang Đức.
 
Sau cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo trên, Thủ tướng Ukraine Yatsenyuk đã miêu tả kế hoạch còn được gọi là Dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 là một “dự án chống Châu Âu và chống Ukraine”. Ông này cảnh báo, kế hoạch của Nga sẽ đe doạ nguồn cung cấp khí đốt cho các quốc gia ở phía đông nam của EU và sẽ dẫn tới việc giá cả khí đốt tăng cao.
 
Cùng góp giọng với Thủ tướng Ukraine, Thủ tướng Slovakia Robert Fico cho rằng, dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 của Nga mâu thuẫn, đi ngược lại với những gì mà Liên minh Châu Âu đã thảo luận nhằm giúp đỡ Ukraine và rằng nước ông cảm thấy bị phản bội bởi dự án của Nga với các nước EU.
 
"Họ chỉ đơn giản đang biến chúng ta thành những kẻ ngốc”, Thủ tướng Fico chỉ trích tại cuộc họp báo. Ông này tuyên bố sẽ giải quyết vấn đề tại Hội đồng EU.
 
Theo thoả thuận vừa được ký kết hồi đầu tháng 9 giữa tập đoàn Gazprom của Nga với các công ty năng lượng của phương Tây gồm E.ON, OMV, Shell và một số công ty khác, mạng lưới đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy Phương Bắc hiện nay sẽ được mở rộng. Mạng lưới đường ống của dự án Dòng chảy Phương Bắc chạy dưới biển Baltic và dẫn thẳng tới Đức, bỏ qua Ukraine. Hoạt động của hệ thống đường ống này dự kiến sẽ được đưa vào sử dụng trong năm 2019.
 
Vì mạng lưới đường ống của Dự án Dòng chảy phương Bắc bỏ qua cả Ukraine và Slovakia - hai nước trung chuyển khí đốt truyền thống của Nga, nên việc hai nước này phản đối gay gắt kế hoạch của Moscow là điều hoàn toàn dễ hiểu. Nếu như dự án của Nga khiến Ukraine mất 2 tỉ USD thì Slovakia mất 800 triệu USD tiền phí thu từ Nga cho hoạt động trung chuyển khí đốt.
 
Ngoài Ukraine và Slovakia, Ba Lan cũng chỉ trích và phản đối dự án Dòng chảy Phương Bắc của Nga.
 
Cách đây một năm, Slovakia bắt đầu cung cấp khí đốt tự nhiên cho Ukraine từ việc đảo ngược nguồn cung cấp cho Tây Âu. Điều này có nghĩa là thay vì dẫn khí đốt đến cung cấp cho Tây Âu, Slovakia lại cho khí đốt chảy ngược trở lại về Ukraine. Động thái này diễn ra trong bối cảnh Ukraine đối mặt với lời đe doạ của Nga về việc sẽ cắt đứt nguồn cung cấp khí đốt cho Ukraine vì Kiev không chịu trả những khoản nợ tiền hoá đơn khí đốt lớn cho Moscow.
 
"Nếu Slovakia không làm thế, Ukraine chắc không thể sống sót qua mùa đông vừa rồi”, Thủ tướng Yatsenyuk đã nói như vậy.

Kiev quyết định tăng tối đa nguồn cung cấp khí đốt dự trữ cho mình từ Slovakia, ông Yatsenyuk cho biết. 

Quan hệ giữa Nga và Kiev hiện nay giống như những “kẻ thù không đội trời chung”. Từ hai nước láng giềng gắn bó và khá thân thiết, Nga và Ukraine quay sang đối đầu kịch liệt với nhau. Nguyên nhân xuất phát từ việc Kiev phũ phàng quay lưng lại với Moscow để theo đuổi quyết liệt tham vọng gia nhập vào gia đình EU. Trong thời gian qua, Kiev có nhiều hành động chống đối Moscow một cách mạnh mẽ, quyết liệt, thể hiện lập trường kiên quyết muốn dứt tình với Nga.
 
Mặc dù muốn “tuyệt tình” với Nga nhưng Ukraine lại vẫn mong muốn được Moscow cho hưởng những ưu đãi như tiếp tục được mua khí đốt với giá rẻ, được hoãn trả những khoản nợ hoá đơn khí đốt lớn, được tiếp tục đóng vai trò là nước trung chuyển khí đốt cho Nga.... Tuy nhiên, có vẻ như khi đã “hết tình, hết nghĩa” với nhau, Moscow đã không còn ngại ngần trong việc "ra tay" với nước láng giềng.


Vân Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc