Bất lực, Mỹ quay ra bấu víu kẻ thù?

16:37, 11/09/2015
|

(VnMedia) - Mối quan hệ giữa chính phủ Mỹ với Tổng thống Syria Bashar al-Assad đang dần trở thành một nghịch lý. Một mặt, Washington muốn lật đổ Tổng thống Syria Bashar al-Assad, mặt khác, Mỹ và các đồng minh hiện tại lại sợ người sẽ thay thế ông này hơn, tờ La Repubblica của Italia đã nhận định như vậy.
 

Ảnh minh họa

Chiến dịch không kích tiêu diệt IS của liên minh do Mỹ dẫn đầu dường như không hiệu quả


Thay vì hợp tác với Nga và Châu Âu để tìm cách ngăn chặn cuộc xung đột ở Syria, Mỹ tiếp tục làm cho tình hình trở nên ngày một tồi tệ, tờ báo của Italia cho biết.
 
"Ở Syria, mọi việc chưa hoàn toàn là lạc lối, nhưng chỉ khi nếu các nước có liên quan mở to mắt và rút lại những yêu cầu mà bản thân họ cũng nhận thấy là vô ích và thiếu thực tế. Hiện tại, Syria giống như sân khấu của những điều phi lý. Họ tiếp tục tuân thủ các yêu cầu đó trong khi cuộc khủng hoảng trở nên tồi tệ hơn từng ngày”, ông Joshua Landis -một chuyên gia về Syria, đã đưa ra nhận xét như vậy trên tờ La Repubblica.
 
Chỉ có một giải pháp cho vấn đề hiện nay - một thoả thuận ngừng bắn. Nhưng cả Mỹ và Ả-rập Xê-út đều không đồng ý với việc này bởi với họ, một lệnh ngừng bắn đồng nghĩa với việc Tổng thống Assad tiếp tục cầm quyền. Washington rõ ràng không muốn điều đó, chuyên gia Landis cho hay.
 
Ít nhất là Washington không muốn điều đó xảy ra trên giấy. Nhưng sự thực là trên thực tế, phương Tây không muốn Tổng thống Assad ra đi bởi không ai biết ai sẽ lên cầm quyền ở Damascus. Nếu ông Assad phải ra đi, Syria sẽ trở thành một cuộc đấu của tất cả các phe phái khác nhau, nhà phân tích Landis khẳng định.
 
"Al-Nusra? Nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS)? Hay các chiến binh Hồi giáo có mối quan hệ với Al-Qaeda? Tất cả những lựa chọn này đều kinh hoàng, đó là lý do tại sao không ai muốn Tổng thống Assad ra đi" vào lúc này, ông Landis cho biết.
 
Đồng thời, Châu Âu có thể đóng một vai trò then chốt trong tình hình hiện nay, đứng ra như một người trung gian giữa Mỹ và Nga để thực hiện một thoả thuận ngừng bắn ở Syria. Theo ông Landis, người Châu Âu sẽ sớm phải trả một cái giá rất lớn cho việc thiếu hành động bởi chẳng bao lâu nữa sẽ có thêm những làn sóng nhập cư ồ ạt từ Syria chạy vào Châu Âu ở cấp độ số nhân.
 
Phương Tây thừa nhận sự thật phũ phàng
 
Có thể nói, sau thời gian dài chống phá quyết liệt Tổng thống Assad với mục tiêu lật đổ cho bằng được chính quyền của ông này, phương Tây giờ đây lại phải bẽ bàng thừa nhận họ không thể thiếu Nhà lãnh đạo Syria trong cuộc chiến chống khủng bố, cụ thể là chống IS.
 
Mỹ và phương Tây ban đầu tin rằng, họ có thể tự mình chống lại được nhóm khủng bố IS mới nổi nhưng khét tiếng và tàn bạo không kém gì Al-Qaeda. Mỹ đã dẫn đầu một liên minh hùng hậu phát động chiến dịch không kích tiêu diệt IS nhưng đến nay kết quả hoàn toàn gây thất vọng.
 
Tỉ lệ thành công trong chiến dịch chống IS của liên minh do Mỹ dẫn đầu “thực sự nghèo nàn dù rất tốn kém", tờ Strategist - một trang chính thức của Viện Chính sách Chiến lược Australia, cho biết.
 
Thật đáng kinh ngạc là Washington lại chú ý rất ít đến lễ kỷ niệm 1 năm ngày họ phát động chiến dịch không kích nhằm vào IS - một chiến dịch mà Nhà Trắng phải trả giá rất cao, chuyên gia Claude Rakisits - một cố vấn cấp cao của trường Đại học Georgetown, đã cho biết như vậy.
 
Rất khó để tin nhưng tính đến ngày 31/8/2015, Bộ Tài chính Mỹ đã phải chi ra hơn 3 tỉ USD cho chiến dịch không kích nhằm vào IS, tương đương khoảng 9,4 triệu USD/ngày
 
Theo ông Rakisits, kể từ khi chiến dịch không kích được khởi động, liên minh do Mỹ dẫn đầu đã phóng đi gần 20.000 quả bom và tên lửa nhằm vào các cứ điểm của IS, tiêu diệt khoảng 15.000 chiến binh IS.
 
"Tỉ lệ thành công đó là rất nghèo nàn và tốn kém. Và dường như IS có thể dễ dàng thay thế đội quân mất mát của chúng bằng lực lượng mới tuyển từ nước ngoài”, chuyên gia Rakisits chỉ ra.
 
Giới lãnh đạo phương Tây thừa nhận, chiến dịch của họ sẽ phải kéo dài.
 
Trong khi giới chính khách ở thủ đô Washington thậm chí không thể xác định chiến dịch không kích nhằm vào IS của họ là một cuộc chiến tranh, một cuộc xung đột vũ trang, một hành động thù địch hay là cuộc chiến chống khủng bố thì điều duy nhất họ hiểu được là cuộc chiến chống IS thực sự là “một bãi mìn chính trị".
 
Pháp mới đây cũng quyết định thực hiện chiến dịch không kích IS ở Syria. Dấu hiệu này cho thấy, chính phủ Pháp đã quyết định ủng hộ, hậu thuẫn cho chính quyền của Tổng thống Assad trong cuộc chiến chống nhóm IS, ông Thomas Flichy de la Neuville - một nhà nghiên cứu ở Trung tâm Roland Mousnier nhận định.
 
Tổng thống Francois Hollande hồi đầu tuần thông báo, Pháp sẽ bắt đầu tiến hành các chuyến bay trinh sát ở Syria trước khi thực hiện những cuộc không kích tiêu diệt IS.
 
"Tôi cho rằng, ông Francois Hollande không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc thay đổi chính sách và quay sang ủng hộ cho Tổng thống Bashar Assad…”, vị chuyên gia người Pháp cho biết đồng thời thêm rằng phương Tây cũng cần phải hợp tác với Nga thì mới có thể thành công trong chiến dịch chống IS và tháo gỡ được cuộc khủng hoảng ở Syria.
 
Nếu Pháp và các nước phương Tây khác không ủng hộ cho chính quyền của ông Assad thì IS có thể sớm sẽ chiếm toàn bộ lãnh thổ Syria. Mục đích của ông Hollande là ngăn chặn khả năng IS chiếm được Syria và mở rộng sang Lebanon.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc