(VnMedia) - Dài 8 mét, nặng 25 tấn, một bản sao y như thật của cái gọi là Tsar Bomb - quả bom hạt nhân mạnh nhất thế giới từng được cho phát nổ, đã lần đầu tiên được đưa ra trưng bày ở Nga. Động thái này diễn ra trong bối cảnh Nga và phương Tây đang có cuộc đối đầu vô cùng căng thẳng vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Ảnh minh hoạ |
Được Liên Xô đưa vào thử nghiệm năm 1961, loại bom hydro (bom khinh khí) còn được biết đến dưới cái tên AN602 đã đem lại cả niềm tự hào, hãnh diện xen lẫn sợ hãi cho phi công quân sự nghỉ hưu Nikolay Krylov, khi ông đến ngắm lại bản sao của loại Tsar Bomb tại trung tâm triển lãm gần điện Kremlin.
"Khi tôi đến gần nó, tôi vẫn còn cảm thấy không thoải mái bởi tôi nghĩ đến tất cả sự tàn phá, huỷ diện mà nó có thể gây ra”, người phi công già 62 tuổi cho biết.
Bom khinh khí Tsar Bomb là biểu tượng của cuộc chạy đua vũ trang thời Chiến tranh Lạnh. Biểu tượng này đang được trưng bày để đánh dấu kỷ niệm 70 năm ngày lịch sử hạt nhân của Nga. Động thái “khoe” vũ khí huỷ diệt mạnh nhất thế giới của Moscow diễn ra khi quan hệ giữa nước này với phương Tây vẫn còn căng thẳng bởi vụ sáp nhập báo đảo Crimea vào Nga, và việc Nga bị phương Tây cáo buộc hậu thuẫn cho lực lượng ly khai miền đông Ukraine.
Hồi tháng Năm, NATO đã lên án cái mà họ gọi là “hành động doạ dẫm hạt nhân” của Nga, sau khi Moscow thông báo kế hoạch triển khai các tên lửa hạt nhân ở Kaliningrad - vùng đất Châu Âu của Nga nằm kẹp giữa Ba Lan và Lithuania. Tổng thống Nga Vladimir Putin còn thẳng thừng cảnh báo, ông sẵn sàng đưa lực lượng hạt nhân vào tình trạng báo động, nếu phương Tây nhăm nhe ý định chiếm lại bán đảo Crimea xinh đẹp vừa được sáp nhập vào Nga hồi tháng Ba năm ngoái.
"Sẽ tốt hơn nếu quả bom đó chưa bao giờ tồn tại”, bà Galina Ivanova, 72 tuổi từng làm việc cho chương trình năng lượng hạt nhân dân sự của Nga trong hơn 3 thập kỷ, cho biết tại cuộc triển lãm.
"Tuy nhiên, vào thời điểm đó, quả bom đã đóng một vai trò quan trọng. Nó có thể là lý do tại sao chúng ta vẫn có mặt ở đây ngày hôm nay”, bà Ivanova nhấn mạnh.
“Người bảo vệ hoà bình”
Vào ngày 30/10/1961, quả bom Tsar Bomb do các nhà khoa học Nga phát triển, trong đó có nhà khoa học đạt giải Nobel Andrei Sakharov, đã được cho phát nổ ở quần đảo Novaya Zemlya của Liên Xô ở trên vòng Bắc Cực.
Vụ nổ có sức công phá bằng 50 triệu tấn thuốc nổ đã tạo ra một quả cầu lửa khổng lồ có thể được nhìn thấy từ hàng trăm km, và gây ra những cơn địa chấn rung chuyển khắp các khu vực xung quanh.
Trước đó một năm, nhà lãnh đạo Xô viết Nikita Khrushchev từng cảnh báo Mỹ trong cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc năm 1960 rằng, Liên Xô nên cho Mỹ thấy "Kuzkina mat" (mẹ của Kuzka) - một từ được dùng để chỉ bom Tsar Bomb.
Vụ nổ bom Tsar Bomb là kết quả của cả một chương trình nghiên cứu hạt nhân sâu rộng do Nhà lãnh đạo Xô viết Joseph Stalin ra lệnh tiến hành ngay trước khi Chiến tranh Thế giới thứ II kết thúc. Mục tiêu của chương trình này là phát triển bom hạt nhân giống như Mỹ có.
Liên Xô và Mỹ đã cùng nhau chiến đấu chống lại phát xít Đức. Tuy nhiên, hai nước này sau đó đã bị mắc kẹt trong một cuộc chiến nhằm tranh giành ảnh hưởng toàn cầu, châm ngòi cho cuộc đua vũ khí hạt nhân bất chấp việc họ đều hiểu rằng bất kỳ cuộc tấn công nào có dính dáng đến vũ khí hạt nhân đều sẽ gây ra những hậu quả vô cùng thảm khốc cho cả hai bên.
"Quả bom hạt nhân mạnh nhất thế giới này đã giúp các nước phấn đấu cho mục tiêu bảo vệ hoà bình", ông Mikhail Bayaskhalanov - một hướng dẫn viên tại cuộc triển lãm phát biểu.
Ông Bayaskhalanov nhấn mạnh, việc đưa quả bom khinh khí khổng lồ Tsar Bomb ra trưng bày không nhằm để “đe doạ hay làm bất kỳ ai sợ hãi”.
"Năng lượng hạt nhân không chỉ là bom hạt nhân và tên lửa hạt nhân mà còn là những chương trình hạt nhân dân sự, sản xuất điện năng, phá băng hay các lĩnh vực mà ở đó Nga có trình độ công nghệ rất cao", ông Bayaskhalanov cho hay.
Bom khinh khí Tsar Bomb được xem là loại vũ khí hạt nhân lớn nhất, mạnh nhất từng được cho nổ, và hiện vẫn là thiết bị mạnh nhất con người từng cho nổ trong lịch sử nhân loại. Quả bom này được mệnh danh là Vua của các loại bom.
Quả bom được Liên Xô cũ thiết kế trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Ban đầu, quả bom được thiết kế với công suất là 100 triệu tấn TNT, sau rút xuống còn 1 nửa để giới hạn khối lượng phóng xạ bị phát tán. Tsar Bomb là một quả bom khinh khí, sử dụng phản ứng nhiệt hạch ba giai đoạn với một lượng thuốc nổ 50 triệu tấn thuốc nổ. Nó tương đương 10 lần lượng thuốc nổ được sử dụng trong Chiến tranh Thế giới thứ II, gồm cả bom Little Boy và Fat Man, những quả bom đã tàn phá hai thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản.
Dù Nga nhấn mạnh việc họ cho trưng bày loại vũ khí huỷ diệt mạnh nhất thế giới không nhằm đe doạ ai, nhưng rõ ràng phương Tây tin rằng đó là một thông điệp cứng rắn mà Moscow muốn nhắn gửi đến họ.
Vân Linh -
(tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc