(VnMedia) - Triều Tiên hôm qua (15/9) vừa đưa ra tuyên bố ớn lạnh về việc nước này sẵn sàng tung đòn hạt nhân vào Mỹ bất kỳ lúc nào. Đáp lại, Mỹ cũng tuyên bố sẵn sàng nghênh chiến.
Tổ hợp hạt nhân Yongbyon nhìn từ vệ tinh |
Theo lời một quan chức Triều Tiên, nước này đã “chuẩn bị đầy đủ và đã sẵn sàng” tung vũ khí hạt nhân nhằm vào Mỹ và “các thế lực thù địch khác”.
Ngay sau khi lời đe doạ trên được đưa ra, giới chức Lầu Năm Góc đáp trả một cách đầy thách thức rằng, Mỹ cũng đã sẵn sàng "tiếp chiêu".
"Nếu Mỹ và các thế lực thù địch khác kiên quyết tìm kiếm và theo đuổi chính sách thù địch một cách bất cẩn nhằm vào CHDCND Triều Tiên thì Triều Tiên sẵn sàng đối phó với họ bằng vũ khí hạt nhân vào bất kỳ thời điểm nào”, người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Triều Tiên đã nói như vậy với hãng tin KCNA.
Tuyên bố của vị quan chức ngành năng lượng nguyên tử Triều Tiên được đưa ra chỉ khoảng 3 tuần sau khi hai miền liên Triều vừa đạt được một thoả thuận nhằm làm dịu căng thẳng ở Khu vực Phi Quân sự hoá. Đây là nơi xảy ra loạt vụ nổ mìn khiến 2 binh lính Hàn Quốc bị thương và vụ việc này đã châm ngòi cho một cuộc đọ pháo dữ dội giữa Triều Tiên và Hàn Quốc hồi tháng 8 mới đây.
Tuy nhiên, thoả thuận mới nhất vừa đạt được không đề cập gì đến chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng. Đây là điều mà giới chức Mỹ không hài lòng.
"Lời đe doạ của Triều Tiên không có gì bất thường. Nhưng nó chắc chắn sẽ làm dấy lên nỗi quan ngại về việc Nhà lãnh đạo Kim Jong Un đang chuẩn bị cho một vụ thử hạt nhân hoặc phóng tên lửa mới khi chính quyền của ông này kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Đảng Lao động Triều Tiên vào ngày 10/10 tới," nhà bình luận Michael Holtz của tờ Christian Science Monitor nhận định.
Khi binh lính Triều Tiên bắt đầu được điều động từ hồi cuối tháng 8, giới chỉ huy Mỹ ở Lầu Năm Góc đã có cuộc gặp với giới chức quân sự Hàn Quốc để xem xét lại kế hoạch quốc phòng của Hàn Quốc. Hai bên đã thảo luận về việc “lực lượng Mỹ sẽ sẵn sàng như thế nào nếu cần và hành động nào của Triều Tiên sẽ khiến Mỹ tung đòn đáp trả quân sự”, CNN đưa tin.
Giới chức Lầu Năm Góc tuyên bố, quân đội Mỹ đã chuẩn bị đầy đủ để xử lý mối đe doạ từ Triều Tiên nếu nó xảy ra và rằng họ đã thực hiện những biện pháp đề phòng để giới hạn cũng như làm dịu tình hình căng thẳng.
"Trong thời gian qua, chúng tôi đã tiến hành triển khai đáng kể năng lực phòng thủ tên lửa đến khu vực", Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc – ông Mark Lippert cho biết trong cuộc trả lời phỏng vấn CNN.
Theo lời ông Lippert, "Mỹ đã triển khai các tên lửa đánh chặn đến Alaska, điều động binh lính đến Tây Thái Bình Dương, đưa khẩu đội Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối – THAAD đến Guam và một hệ thống radar khác đến Nhật Bản. Tất cả những hệ thống vũ khí và lực lượng trên đều nhận được lệnh sẵn sàng và cảnh giác trước bất kỳ động thái nào mà Triều Tiên có thể tung ra".
Bản thân Hàn Quốc, nước láng giềng nằm sát với Triều Tiên, cũng áp dụng những biện pháp đề phòng của riêng mình, trong đó có việc mua 12 chiếc máy bay chống tàu ngầm S-3 Viking của Mỹ.
Mỹ, Hàn theo dõi nhất cử nhất động của Triều Tiên
Triều Tiên rõ ràng đang đẩy mạnh sức mạnh hạt nhân. Giới chức tình báo Mỹ và Hàn Quốc đang theo dõi, giám sát chặt chẽ tổ hợp hạt nhân Yongbyon nằm ở phía bắc thủ đô Bình Nhưỡng. Tổ hợp này đã bị đóng lại như một phần của thoả thuận giải trừ hạt nhân hồi năm 2007. Giới chức Triều Tiên sau đó tuyên bố sẽ khởi động lại tổ hợp hạt nhân Yongbyon sau khi thoả thuận nói trên đổ vỡ năm 2013, tờ New York Times đưa tin.
Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cho biết họ đã phát hiện một số hoạt động ở tổ hợp Yongbyon của Triều Tiên nhưng chưa thể xác định liệu nhà máy này đã đi vào hoạt động hết công suất hay chưa bởi các giám sát viên của IAEA kể từ năm 2009 đã không được tiếp cận với nhà máy hạt nhân của Triều Tiên.
Bản thân Triều Tiên cũng đã lên tiếng xác nhận về việc họ khởi động lại hoạt động của nhà máy Yongbyon. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin chính thức KCNA, Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Triều Tiên tuyên bố, tất cả các cơ sở thuộc tổ hợp hạt nhân Yongbyon, trong đó có lò phản ứng 5 megawatt, “đều đã bắt đầu hoạt động bình thường trở lại”.
Ngay sau thông báo trên của vị quan chức Triều Tiên, Mỹ hôm qua đã lên tiếng kêu gọi Bình Nhưỡng kiềm chế, không được có “những hành động khiêu khích vô trách nhiệm” bởi điều đó, theo phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest, chỉ làm tình hình căng thẳng thêm trầm trọng.
Ông Earnest cho rằng, thay vì có những hành động, lời nói đe doạ hoà bình và an ninh của khu vực, Triều Tiên nên “tập trung vào việc thực hiện nghiêm túc những nghĩa vụ và cam kết quốc tế của họ”.
Giới phân tích tin rằng, Bình Nhưỡng đang khuấy động căng thẳng trở lại bán đảo Triều Tiên với mục đích để vấn đề của họ được đưa vào chương trình nghị sự chính thức trong cuộc gặp thượng đỉnh giữa lãnh đạo hai nước Mỹ và Trung Quốc vào tuần tới.
Vân Linh -
(tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc