Nga triển khai lữ đoàn tên lửa hiện đại nhất thế giới

13:26, 16/09/2015
|

(VnMedia) - Hãng tin RIA Novosti hôm qua (15/9) đưa tin, Bộ Quốc phòng Nga vừa triển khai đơn vị tên lửa đối không S-400 Triumph thứ 9 tại vùng Astrakhan.
 
Lữ đoàn tên lửa này đã trải qua các đợt thử nghiệm trong một cuộc tập trận bắn đạn thật vừa được tổ chức gần đây. Qua đó, hệ thống vũ khí này đã chứng tỏ được khả năng của mình và sẽ được đưa vào biên chế của vùng Viễn Đông của Nga.

Ảnh minh họa

Điểm vượt trội của S-400 là nằm ở hệ thống radar tình báo, có khả năng “nhìn” thấy mọi thứ cả trên không lẫn dưới mặt đất, đồng thời có thể dễ dàng phát hiện được cả những chiếc máy bay, xe tải nhỏ xíu đang di chuyển. Trong cuộc tập trận, hệ thống này đã bắn hạ thành công một mục tiêu tên lửa đang bay với tốc độ 2800 mét/giây, và một mục tiêu khác ở độ cao 56 km.
 
Thêm vào đó, Giám đốc Điều hành của Tổ chức Jan Novikov cũng cho biết, đến cuối năm nay, quân đội nước này sẽ tiếp nhận thêm 2 lữ đoàn tên lửa này nữa.
 
Hệ thống tên lửa Triumph này đã được đặt hàng cách đây nhiều năm. Để đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu của quân đội, S-400 và hệ thống tên lửa tối tân hơn là S-500 đều được trang bị những kỹ thuật công nghệ thông tin hiện đại nhất. 

Đặc biệt, nhà máy chế tạo vũ khí ở thành phố Omsk còn chế tạo ra một dây chuyền chế tạo bằng robot để lắp đặt các thiết bị điện tử cho hệ thống S-400.
 
S-400 Triumf là hệ thống tên lửa đất - đối - không tầm trung đến tầm xa, có thể tham gia tấn công hiệu quả tất cả các mục tiêu ở trên không trong tương lai. Loại tên lửa tối tân này do Tập đoàn NPO Almaz-Antey thiết kế và phát triển. Nó được thiết kế để bảo vệ các mục tiêu quân sự và dân sự khỏi sự tấn công của máy bay, tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo.  S-400 Triumf được đánh giá là một trong những loại tên lửa hiện đại nhất thế giới.  
 
S-400 có khả năng tiêu diệt mục tiêu ở độ cao từ 5m đến 30km trong phạm vi 400km. Những mục tiêu mà tên lửa S-400 có thể tiêu diệt là các thiết bị bay, máy bay không người lái, tên lửa đạn đạo chiến thuật, tên lửa hành trình, máy bay do thám, máy bay chiến lược và chiến thuật có tầm hoạt động không quá 3.500km và tốc độ bay tối đa 4,8 km/s. S-400 Triumph có thể tác chiến trong mọi điều kiện địa hình, thời tiết, trong môi trường có nhiễu cường độ mạnh và chế áp điện tử cao.
 
Thông thường, một tiểu đoàn S-400 thường biên chế: xe radar trinh sát, xe đài điều khiển hỏa lực và 8-12 xe mang bệ phóng tên lửa.
 
Mỗi xe mang bệ phóng mang theo 4 quả đạn tên lửa đặt trong ống bảo quản (thời hạn tới 15 năm). S-400 thiết kế để phóng nhiều loại tên lửa có tầm bắn khác nhau, bao gồm đạn 48N6E (150km), 48N6E2 (200km), 9M96E (40km), 9M96E2 (120km) và 9M38M/9M82M (400km).
 
Một trong những đặc tính khiến S-400 trở thành hệ thống tên lửa độc nhất vô nhị trên thế giới là nó có khả năng cùng lúc giám sát 300 mục tiêu khác nhau và bắn hạ 36 mục tiêu chỉ bằng một lần phóng.
 
Ngoài ra, S-400 cũng nổi trội ở khả năng cơ động. Đây là một hệ thống phòng không toàn diện có thể được thiết lập ngay trên mặt đất, ở bất cứ đâu chỉ trong vòng vài phút.
  
Mỗi hệ thống S-400 đều có một số thiết bị trọng yếu. Ngoài bệ phóng còn có một trạm chỉ huy và 2 radar. Trong đó, một radar giám sát bầu trời, tìm kiếm mục tiêu. Sau khi mục tiêu rơi vào tầm ngắm, chiếc radar thứ hai sẽ bắt đầu bám theo hành trình của nó. Lúc này, bộ phận chỉ huy sẽ xin lệnh có loại bỏ mục tiêu hay không.
 
Hiện nay, lực lượng phòng không Nga đã triển khai được tất cả 4 trung đoàn, trong đó 2 trung đoàn đầu tiên được bố trí ở ngoại ô thủ đô Moscow. Trung đoàn S-400 thứ ba được triển khai ở vùng Baltic (Leningrad) và trung đoàn thứ tư vừa được triển khai ở khu vực Nakhodka (vùng lãnh thổ Primorsky Krai), gần sát với phần lãnh thổ phía Đông Bắc của Trung Quốc và phía Bắc của Triều Tiên.
 
S-400 Triumph được kỳ vọng sẽ trở thành xương sống của lực lượng tên lửa phòng không của Nga trước năm 2020. 
 
Nhiều nước rất muốn sở hữu S-400 của Nga. Hiện giá mỗi tổ hợp tên lửa phòng không tối tân này là khoảng 500 triệu USD. Nga ban đầu khẳng định, nước này chưa có kế hoạch xuất khẩu S-400. Tổ hợp tên lửa phòng không hiện đại này chỉ được sản xuất để phục vụ cho Lực lượng Vũ trang Nga.
 
Tuy nhiên, theo dự kiến, tới khi nào S-400 đáp ứng đầy đủ nhu cầu của Quân đội Nga thì nước này sẽ bắt đầu xuất khẩu (khoảng từ năm 2015) loại tên lửa tối tân này. Trong đó, các khách hàng tiềm năng sẽ được mua hệ thống S-400 là Trung Quốc, Belarus, Kazakhstan và có thể cả Việt Nam. Hiện trong biên chế, lực lượng phòng không Việt Nam có 2 tiểu đoàn S-300PMU1 hiện đại.


Đan Khanh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc