(VnMedia) - Một đô đốc hàng đầu của Mỹ đang muốn đưa Hạm đội Số 3 hùng mạnh của Mỹ từ trụ sở ở San Diego đến hoạt động ở Tây Thái Bình Dương.
Lực lượng này sẽ phối hợp chặt chẽ với Hạm đội 7 của Mỹ đang đóng tại những khu vực “có sự bất ổn lớn nhất” ở Thái Bình Dương. Việc Mỹ tăng cường sức mạnh cho lực lượng Hải quân ở khu vực được cho là sẽ khiến Trung Quốc “đứng ngồi không yên”.
Ảnh minh hoạ |
Trong hai bài phát biểu ít được báo giới chú ý gần đây, Chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ - Đô đốc Scott Swift bày tỏ sự hoài nghi về sự cần thiết của một ranh giới hành chính phân chia địa bàn hoạt động giữa Hạm đội 7 ở Tây Thái Bình Dương với Hạm đội 3 ở phía đông.
Trong một dấu hiện đầu tiên cho thấy sự biến chuyển về chiến lược của Mỹ, giới chức hải quân nước này cho hay, thay vì Chỉ huy Hạm đội số 7 như thông thường, Chỉ huy Hạm đội Số 3 của Mỹ - Phó Đô đốc Nora Tyson sẽ đại diện cho Lực lượng Hải quân Mỹ đến tham dự buổi lễ Duyệt Hạm đội Nhật Bản vào ngày 18/10 tới. Đây là sự kiện phô diễn sức mạnh hải quân diễn ra 3 năm một lần của Nhật Bản.
"Tôi sẽ không ngạc nhiên khi chứng kiến nhiều hoạt động hơn của Phó Đô đốc Tyson trong khu vực như một phần của tiến trình chuyển đổi”, Đô đốc Swift đã nói như vậy trong bài phát biểu hôm 7/9 khi ông này đến thăm trụ sở của Hạm đội 7 ở Yokosuka, Nhật Bản.
Bất kỳ sự thay đổi nào cũng sẽ không có nghĩa là có sự điều chuyển trụ sở hay các cảng căn cứ của những hạm đội nói trên. Tuy nhiên, sự thay đổi mới cho phép hai hạm đội hợp tác, phối hợp với nhau “ở những khu vực có tính bất ổn cao”, Đô đốc Swift cho biết.
Những phát biểu trên được ông Swift đưa ra trùng vào thời điểm căng thẳng đang leo thang vì những tham vọng lãnh thổ, lãnh hải của Trung Quốc ở các khu vực biển tranh chấp ở Châu Á, đặc biệt là Biển Đông. Trung Quốc đã và đang xây dựng 7 đảo nhân tạo ở nơi này cùng với 3 đường băng.
Một quan chức của Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ tiết lộ, ý tưởng được đưa ra là huỷ bỏ đường ranh giới hành chính giữa hai Hạm đội 7 và Hạm đội 3. Tuy nhiên, ý tưởng này vẫn đang còn ở giai đoạn sơ khai. Theo vị quan chức trên, kế hoạch hiện tại đang xoay quanh việc đưa Hạm đội 3 ra "tác chiến tuyến đầu” – thuật ngữ hải quân dùng để chỉ việc đưa hạm đội ra thực hiện những nhiệm vụ và các cuộc tuần tra ở khu vực tác chiến xa xôi.
Kế hoạch nói trên sẽ chính thức hoá và mở rộng vai trò của Hạm đội 3 ở Tây Thái Bình Dương.
Sức mạnh Hạm đội 3
Hạm đội 7 có một nhóm tấn công bằng tàu sân bay được triển khai tác chiến ở tuyến đầu cùng với 80 chiếc tàu, 140 máy bay và 40.000 thuỷ thủ.
Trong khi đó, Hạm đội Số 3 có hơn 100 tàu, trong đó có 4 tàu sân bay. Đây là một trong 6 hạm đội lớn của Hải quân. Hạm đội này phụ trách khu vực kéo dài từ khu vực miền đông đến miền bắc Thái Bình Dương bao gồm Biển Bering thuộc Alaska, Quần đảo Aleut và một phần Bắc Cực. Các đường lưu thông thương mại và dầu hỏa trong vùng này cực kỳ quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế Mỹ và các nước đồng minh của Mỹ trong vùng Vành đai Thái Bình Dương. Vì thế, sẽ là dễ hiểu khi Mỹ điều lực lượng mạnh đến quản lý khu vực này.
Hạm đội 3 được thành lập năm 1943 dưới sự chỉ huy của Đô đốc William Halsey để chiến đấu chống lại đế quốc Nhật Bản trong cuộc Chiến tranh Thế giới thứ II ở Châu Á. Giới chức của đế quốc Nhật Bản đã chính thức đầu hàng trên con tàu chỉ huy của Hạm đội 3 khi đó là tàu USS Missouri cách đây hơn 70 năm.
Trong bài phát biểu hôm 24/7 tại trụ sở của Hạm đội 3 ở San Diego, California, Đô đốc Swift đã nói về sự kiện lịch sử nói trên. "Ý định của tôi là nhấn mạnh đến di sản của Hạm đội do Đô đốc Halsey dẫn đầu ... bằng cách để cho Phó Đô đốc Tyson được phát huy hết năng lực của hạm đội của bà trong các chiến dịch ở những khu vực xa".
"Tôi tự hỏi tại sao chúng ta phải quá nhất nhất tuân theo đường ranh giới giữa hai hạm đội đánh số mạnh nhất thế giới" - Đô đốc Swift nói.
Nỗ lực của Đô đốc Swift trong việc phối hợp hành động giữa Hạm đội 7 và Hạm đội 3 ở Thái Bình Dương diễn ra trong bối cảnh Nhật Bản vừa thay đổi hiến pháp hoà bình được duy trì 7 thập kỷ, cho phép Hải quân nước này hợp tác chặt chẽ hơn với phía đối tác Mỹ.
Bước đi mới nhất của Mỹ chắc chắn sẽ khiến Trung Quốc không tránh khỏi cảm giác lo ngại, bất an.
Mọi hành động của Mỹ ở Châu Á-Thái Bình Dương hiện giờ được cho là đều nhằm kiềm chế tham vọng của Trung Quốc, đặc biệt là tham vọng trên biển, tham vọng độc chiếm Biển Đông.
Biển Đông là một trong những vùng biển quan trọng nhất thế giới bởi nó chứa các tuyến đường hàng hải sống còn. Đồng thời Biển Đông còn được cho là chứa đựng một trữ lượng tài nguyên thiên nhiên hấp dẫn, đặc biệt là dầu mỏ. Chính vì thế, Trung Quốc có tham vọng độc chiếm Biển Đông.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc có nhiều hành động quyết liệt và hung hăng nhằm thực hiện giành quyền kiểm soát gần như toàn bộ Biển Đông. Hành động của Trung Quốc khiến không chỉ các nước trong khu vực “phát sốt” mà còn gây quan ngại sâu sắc với cộng đồng thế giới.
Ý kiến bạn đọc