(VnMedia) - Hơn 100 nhân viên an ninh, chủ yếu là cảnh sát Ukraine, đã bị thương trong những cuộc đụng độ ác liệt diễn ra ngày hôm qua (31/8) ở bên ngoài tòa nhà Quốc hội, giữa thủ đô Kiev. Bạo lực xảy ra ngay sau khi Quốc hội Ukraine thông qua những đề xuất thay đổi hiến pháp của Tổng thống Petro Poroshenko theo hướng phân quyền, mở đường cho việc trao quy chế tự trị cho các khu vực miền đông.
Thủ đô Kiev lại chứng kiến những cuộc đụng độ ác liệt |
Người ta có thể nghe thấy một tiếng nổ lớn bên ngoài tòa nhà Quốc hội và sau đó là những cột khói đen kịt bốc lên trời. Trước đó, đã có hàng loạt tiếng nổ vang lên. Lực lượng an ninh Ukraine cho biết, lực lượng biểu tình đã ném lựu đạn sau khi các nghị sĩ thuộc Verkhovna Rada (Quốc hội Ukraine) thông qua việc sửa đổi hiến pháp mà Tổng thống Poroshenko đề nghị.
Đây là vụ bạo lực tồi tệ nhất xảy ra ở thủ đô Kiev kể từ sau làn sóng biểu tình đẫm máu dẫn đến cuộc đảo chính lật đổ cựu Tổng thống Viktor Yanukovych hồi đầu năm ngoái – một sự kiện dẫn đến cuộc chiến ở miền đông Ukraine.
Bộ trưởng Nội vụ Arsen Avakov viết trên trang Facebook cá nhân rằng, những người biểu tình đã cho phát nổ “nhiều” thiết bị nổ và rằng có hơn 100 người bị thương, trong đó có một số nạn nhân đang trong tình trạng nguy kịch.
Cảnh sát bạo động được trang bị mũ sắt và dùi cui đã đụng độ ác liệt với lực lượng biểu tình. Cố vấn Bộ Nội vụ cũng là nghị sĩ hàng đầu Ukraine – ông Anton Gerashchenko cho hay, những kẻ tấn công đã ném một quả lựu đạn bằng tay vào binh lính của Lực lượng Bảo vệ Quốc gia và ông này tin rằng đó là “một hành động khiêu khích ".
"Những binh sĩ bảo vệ tòa nhà Quốc hội vừa bị ném một quả lựu đạn. Nhiều thành viên của Lực lượng Bảo vệ Quốc gia bị thương nghiêm trọng. Mạng sống của họ đang gặp nguy hiểm”, ông Gerashchenko viết như vậy trên trang Facebook.
Theo ông Gerashchenko, một binh lính của Lực lượng Bảo vệ Quốc gia Ukraine đã thiệt mạng vì một mảnh đạn găm trong tim. Bộ trưởng Nội vụ xác nhận thông tin trên qua tài khoản Twitter của ông này.
Một số nạn nhân bị thương đang chảy máu và nằm trên mặt đất ngay trước tòa nhà Quốc hội. Nhiều người bị thương ở tay và chân. Hầu hết đều mặc quân phục. Ít nhất một phóng viên ảnh bị thương nhẹ. Trong số các nạn nhân bị thương hầu hết là người của lực lượng an ninh. Có 10 người được cho là đang trong tình trạng nguy kịch. Con số bị thương bên lực lượng biểu tình chưa được xác định.
Những người biểu tình còn ném ít nhất một quả lựu đạn khói, khiến xung quanh tòa nhà Quốc hội bị bao trùm bởi một màn khói dày đặc. Cả lực lượng an ninh và người biểu tình đều dùng hơi cay tấn công nhau, một phóng viên nước ngoài thuật lại.
Tình trạng bạo lực, bất ổn leo thang một cách đột ngột như trên sau khi Quốc hội Ukraine ủng hộ những cải cách cho phép trao quyền tự trị lớn hơn cho các khu vực ly khai miền đông như một phần của thỏa thuận hòa bình được ký kết hồi tháng Hai.
Thay đổi hiến pháp – nguyên nhân bùng nổ xung đột
Thay đổi hiến pháp là một trong những điều khoản được quy định rõ ràng trong thỏa thuận Minsk được Kiev ký kết với lực lượng ly khai hồi tháng 2 ở thủ đô Minsk của Belarus. Thỏa thuận này kêu gọi chính quyền Kiev thực thi chế độ “phân quyền” vào cuối năm nay. Tuy nhiên, những người chỉ trích cho rằng, động thái trên là chống lại người Ukraine.
Có tất cả 265 nghị sĩ bỏ phiếu ủng hộ những sửa đổi hiến pháp tại phiên họp Quốc hội đầy “bão tố” ở thủ đô Kiev ngày hôm qua.
Những thay đổi hiến pháp mà Tổng thống Poroshenko đề xuất là điều mà các đồng minh phương Tây của Kiev đang mong muốn có được bởi họ xem đó là một lối thoát nhằm tháo ngòi cuộc khủng hoảng ở Ukraine, chấm dứt cuộc xung đột vũ trang đẫm máu đã cướp đi sinh mạng của gần 7.000 người ở miền đông.
Dự luật sửa đổi hiến pháp đã gây ra một cuộc tranh cãi nóng bỏng ở Ukraine. Những người phản đối cho rằng, đó là một nỗ lực nhằm hợp pháp hóa quyền kiểm soát một phần lãnh thổ Ukraine của lực lượng ly khai.
Dự luật cải cách hiến pháp sẽ trao quyền nhiều hơn cho các nghị sĩ khu vực và địa phương, trong đó có các khu vực miền đông đang nằm trong quyền kiểm soát của lực lượng ly khai.
Tuy nhiên, ngược lại với mong đợi của lực lượng ly khai, họ không được trao vị thế bán tự trị mãi mãi như yêu cầu. Những khu vực nói tiếng Nga ở miền đông Ukraine muốn quy chế đặc biệt của họ được quy định rõ ràng trong dự luật sửa đổi hiến pháp nhưng đây được xem là điều vô cùng khó khăn. Trước khi diễn ra cuộc bỏ phiếu trong Quốc hội, một nhóm nghị sĩ Ukraine đã ngăn cản Quốc hội không thông qua những sửa đổi hiến pháp mà họ cho là “chống lại Ukraine”, “ủng hộ ông Vladimir Putin. Một số còn hét lên “Thật đáng hổ thẹn!"
Các nghị sĩ đến từ Đảng Cấp tiến – một phần của liên minh thân phương Tây đứng sau Tổng thống Petro Poroshenko, cũng đã phong tỏa bục diễn đàn để ngăn chặn không cho diễn ra phiên họp Quốc hội.
Các thành viên của nhóm Pravy Sektor cực đoan còn phong tỏa giao thông đi lại bên ngoài tòa nhà Quốc hội trong khi hàng trăm nhà hoạt động đến từ đảng Svoboda theo chủ nghĩa dân tộc tụ tập ở trước cửa tòa nhà Quốc hội để phản đối cải cách hiến pháp.
Ý kiến bạn đọc