Mỹ đẩy thế giới đến Ngày Tận thế?

11:01, 31/08/2015
|

(VnMedia) - Phe tân bảo thủ Mỹ đang cố tình làm trầm trọng thêm mối quan hệ căng thẳng với nước Nga có vũ khí hạt nhân và đang bất cẩn đẩy thế giới đến bờ vực của một cuộc chiến tranh hạt nhân toàn diện. Đây là lời cảnh báo đáng sợ vừa được một cựu cố vấn chính sách đối ngoại kỳ cựu của Mỹ - Tiến sĩ William R. Polk đưa ra.
 

Ảnh minh họa

Ảnh minh hoạ


Washington đang quay trở lại một cuộc đối đầu kiểu Chiến tranh Lạnh với Moscow vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Mỹ rõ ràng đã quên đi thực tế rằng Nga vẫn đang sở hữu một kho vũ khí hạt nhân lớn và dễ triển khai như của Mỹ, ông Polk cũng là một tác giả và là một giáo sư về chính sách đối ngoại của Mỹ nhấn mạnh.
 
"Các quyết định về vũ khí hạt nhân đang và sẽ là phần quan trọng nhất trong con đường xây dựng và bảo vệ an ninh cho thế giới bởi bất kỳ sai sót hay hành động sai lầm nào dù là nhỏ nhất cũng sẽ có thể gây ra thảm hoạ. Chúng ta dường như đang tiến ngày một gần hơn tới điểm nguy hiểm là khiêu khích việc sử dụng vũ khí hạt nhân”, Giáo sư Polk đã viết như vậy trong bài báo được đăng tải trên tờ Consortiumnews.com.
 
Cựu cố vấn chính sách đối ngoại của Mỹ Polk nhắc đến cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962. Ông Polk từng làm việc trong Hội đồng Kế hoạch Chính sách của Bộ Ngoại giao Mỹ thời khủng hoảng tên lửa Cuba. Đây là một cuộc đối đầu kéo dài 13 ngày giữa Mỹ và Liên Xô. Cuộc đối đầu này từng đẩy thế giới vào sự nguy hiểm cao độ và từng trở thành một thách thức khủng khiếp cho cả Mỹ và Liên Xô.
 
"Tôi vẫn còn nhớ rất rõ thời khắc kinh khủng đó – may mắn là nó chỉ diễn ra trong vài phút. Khi đó, tôi nghĩ mọi việc đã chấm hết. Sau đó, tôi có cuộc gặp với những người đồng cấp Liên Xô, tôi có ấn tượng rằng không phải chỉ mình tôi có cái cảm giác đó", ông Polk nói thêm.
 
Chưa hết, những lỗi về kỹ thuật cũng sẽ làm tình hình thêm phức tạp, ông Polk cho hay, ám chỉ đến vụ việc Mỹ từng đánh rơi một quả bom hạt nhân trên đất Mỹ. May mắn là bộ phận phát nổ của bom không hoạt động.
 
"Trong nhiều năm, như cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert McNamara cho biết, chúng ta đã có ít nhất 500 quả tên lửa được trang bị vũ khí hạt nhân luôn ở trạng thái rất nhạy ở Châu Âu. Nếu các bạn nhân con số tên lửa đó với số tháng, mức độ ảnh hưởng trên một khu vực rộng và những thay đổi thường xuyên về nhân sự, rõ ràng kể cả những hệ thống điều khiển và chỉ huy tốt nhất cũng luôn mong manh”, vị giáo sư người Mỹ phân tích.
 
Tuy nhiên, dường như phe tân bảo thủ của Mỹ không nhận ra mối nguy hiểm từ vũ khí hạt nhân cũng như từ khả năng bùng phát một cuộc chiến tranh hạt nhân trên thế giới.
 
"Chúng ta đang quay trở lại một cuộc đối đầu với Nga vì tình hình Ukraine. Và trong khi Moscow không còn đáng sợ như cách đây một thế hệ thì nước này vẫn có một kho vũ khí hạt nhân lớn và dễ triển khai như của chúng ta. Được dẫn dắt bởi chúng ta, NATO đang tiến vào các khu vực cực kỳ nhạy cảm”, Giáo sư Polk cảnh báo đồng thời thêm rằng đã đến lúc nhìn nhận tình hình một cách nghiêm túc, đúng với giá trị thật của nó.
 
Cuộc khủng hoảng ở Ukraine đang chứng kiến mối quan hệ giữa Nga và Mỹ “lao dốc không phanh”, đẩy mối quan hệ này xuống thấp nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Mỹ và các đồng minh phương Tây ra sức đổ lỗi, chỉ trích Moscow về cuộc khủng hoảng ở nước láng giềng Ukraine. Mỹ tìm mọi cách dồn ép, gây áp lực với Nga. Mỹ cũng gây sức ép để các nước đồng minh Châu Âu quay sang chống Nga. Phương Tây do Mỹ dẫn đầu đã liên tiếp tung ra hàng loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga đồng thời không ngừng chỉ trích và lên án Nga trên các phương tiện truyền thông thế giới. Phương Tây cũng tìm cách thổi phồng mối đe dọa từ Nga, khiến các nước láng giềng xung quanh Nga cảm thấy bất an.
 
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov từng thẳng thắn nhận định, quan hệ giữa Nga và Mỹ đã rơi vào ngõ cụt từ rất lâu trước khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine bùng phát. “Chúng tôi đã gặp một loạt vấn đề song phương. Mối quan hệ của chúng tôi phức tạp, không chỉ trong tình trạng đóng băng, mà trong nhiều lĩnh vực nó đã chết, đã rơi vào ngõ cụt ở thời điểm rất lâu trước khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine bùng phát”.
 
Thật vậy, quan hệ giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới liên tục trong trạng thái căng thẳng vì một loạt “cái dằm” khó chịu như vấn đề con nuôi, nhân quyền hay kế hoạch lá chắn tên lửa của Mỹ.
 
Nếu như cuộc khủng hoảng Ukraine là nguyên nhân mới khiến quan hệ Nga-Mỹ xấu đi một cách nghiêm trọng và đáng lo ngại thì kế hoạch lá chắn tên lửa từ lâu đã gây nhức nhối trong quan hệ giữa hai nước này.
 
Moscow phản đối mạnh mẽ việc Mỹ muốn dựng một hệ thống phòng thủ tên lửa ở Đông Âu vì coi hệ thống này là mối đe dọa đối với an ninh nước Nga. Đáp lại, Washington luôn khẳng định, hệ thống lá chắn tên lửa của họ chỉ nhằm vào Iran và Triều Tiên, không nhằm vào Nga. 


Vân Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc