Nhật nóng mặt trước lễ diễu binh của Trung Quốc

17:36, 31/08/2015
|

(VnMedia) - Tokyo hôm nay (31/8) đã bày tỏ sự phản đối lên Liên Hợp Quốc trước việc Tổng thư ký Ban Ki-moon có kế hoạch tham dự lễ diễu binh hoành tráng của Trung Quốc nhằm kỷ niệm 70 năm ngày đánh thắng phát xít Nhật trong thế chiến II.
 

Ảnh minh họa

Ảnh minh hoạ


Phát ngôn viên hàng đầu của chính phủ Nhật Bản – ông Yoshihide Suga đã kêu gọi Liên Hợp Quốc phải giữa vai trò “trung lập” sau khi Tokyo gửi văn bản phản đối đến tổ chức gồm 193 thành viên hồi cuối tuần trước.
 
"Chúng tôi muốn khuyến khích các nước thành viên hướng tới tương lai và không nhất thiết phải tập trung vào những sự kiện cụ thể trong quá khứ”, ông Suga đã phát biểu như vậy trong cuộc họp báo diễn ra ngày hôm nay.
 
Cuộc diễu binh hoành tráng của Trung Quốc dự kiến diễn ra vào ngày thứ Năm (3/9) với sự tham gia của 12.000 binh lính và 500 vũ khí hạng nặng, trong đó có gần 200 máy bay. Cuộc diễu binh giữa Quảng trường Thiên An Môn diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đang áp dụng một lập trường ngày càng cứng rắn, quyết liệt trong khu vực.
 
Giới chức Trung Quốc đã công bố danh sách hơn hai chục nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ các nước đến tham dự, trong đó có Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-Hye và Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma...
 
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon cũng có tên trong danh sách các quan chức tham dự, trong khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe từ chối đến dự sự kiện ở thủ đô Bắc Kinh.
 
Tokyo trước đó nói rằng, Thủ tướng Abe buộc phải hoãn chuyến đi đến Trung Quốc do sự phản đối ở trong nước về nỗ lực của ông này nhằm mở rộng vai trò quân sự của Nhật Bản. Tuy nhiên, báo chí địa phương đưa tin, chính phủ ở Tyokyo lo ngại về bản chất chống Nhật trong cuộc diễu binh ở Trung Quốc. Nỗi quan ngại này là có cơ sở khi mà một nhà bình luận về các vấn đề tài chính và toàn cầu của Trung Quốc từng tuyên bố, lý do để nước này tiến hành cuộc diễu binh là “làm cho Nhật Bản khiếp sợ và tuyên bố với thế giới về quyết tâm của Trung Quốc trong việc duy trì trật tự thế giới sau chiến tranh”.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc