(VnMedia) - Trong khi thế giới vẫn còn rúng động trước hình ảnh thi thể một cậu bé tị nạn người Syria trôi dạt trên bờ biển thì giới chức Châu Âu tuyên bố ưu tiên hàng đầu của họ bây giờ là chiến đấu với một đội quân ước tính có đến 30.000 kẻ tình nghi buôn bán người. Đây là những kẻ được cho là phải chịu trách nhiệm về những thảm kịch kinh hoàng đối với người nhập cư trong thời gian qua.
Ảnh minh hoạ |
Giới chức Châu Âu cho hay, ngành kinh doanh vô nhân đạo của những kẻ buôn bán người đem lại cho chúng hàng tỉ USD. Chúng làm tiền dựa trên nỗi tuyệt vọng vô bờ của ngày càng nhiều người muốn thoát khỏi chiến tranh, đói nghèo ở những nơi như Syria, Afghanistan, Eritrea và Somalia.
Những kẻ buôn người thuộc các mạng lưới lỏng lẻo đang tăng cường sử dụng các trang mạng xã hội, những tuyến đường có tổ chức và những cách làm tàn nhẫn, ác độc để đưa lớp lớp người tị nạn, nhập cư bất hợp pháp sang Châu Âu.
Nhưng tính cấp thiết của vấn đề chỉ được đánh thức sau vụ việc gây rúng động là cái chết của cậu bé Syria 3 tuổi Aylan Kurdi và cái chết của 71 người trong một chiếc xe tải không có không khí ở trên một đường cao tốc của Áo. Cậu bé Kurdi được tìm thấy trong tình trạng là một thi thể bất động trên bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ sau khi con thuyền chở gia đình bé đến Hy Lạp bị chìm ở Biển Aegean. Hình ảnh một em bé nằm úp mặt trôi dạt trên bờ biển đã khiến cả thế giới bàng hoàng, rúng động. Người ta cũng không khỏi giật mình ớn lạnh trước tin phát hiện 71 thi thể đang phân huỷ trong một chiếc xe tải bị bỏ lại giữa đường ở Áo.
Nhiệm vụ truy tìm những tên buôn người vô nhân tính "chắc chắn phải là ưu tiên hàng đầu không chỉ đối với Europol - cơ quan thực thi pháp luật của Liên minh châu Âu (EU), mà còn đối với tất cả các nước thành viên”, ông Robert Crepinko – người phụ trách theo dõi mạng lưới tội phạm có tổ chức của Europol – cho biết.
"Nếu bạn nói về toàn bộ vấn đề nhập cư bất hợp pháp ở Châu Âu, không chỉ tập trung vào khu vực Địa Trung Hải, thì con số kẻ tình nghi lên tới 30.000 người", ông Crepinko cho hay.
Buôn người qua Facebook
Liên minh Châu Âu (EU) đã phát động một chiến dịch hải quân mới nhằm chống lại những kẻ buôn người ở khu vực Địa Trung Hải hồi tháng 7. Sứ mệnh này bắt đầu từ việc thu thập thông tin tình báo trước khi sẵn sàng tung ra những hành động quân sự nhằm vào các con thuyền của bọn buôn người, chủ yếu là ở ngoài khơi bờ biển Libya.
Lực lượng thực thi sứ mệnh hải quân chống bọn buôn người và Europol cho biết, họ đang hợp tác với nhau thông qua một văn phòng ở Sicily nhằm xác định, truy tìm và phá bỏ các mạng lưới của những kẻ buôn người đang tìm cách đưa người nhập cư vào khắp khu vực Địa Trung Hải.
Theo lời ông Crepinko, Europol sẽ sớm mở một nhà tù ở Piraeus, Hy Lạp, để xử lý các hành vi buôn lậu người từ Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy nhiên, vì chỉ có khoảng 3.000 người, tức là 1/10 trong số 30.000 kẻ tình nghi ở Châu Âu tham gia trực tiếp vào việc đưa người bất hợp pháp vào Địa Trung Hải nên Europol còn tập trung cả vào các tuyến đường buôn người khác, trong đó có khu vực tây Balkan đi vào Hungary. Đây là tuyến đường mà bọn buôn người đang ngày một tận dụng nhiều hơn.
Hoạt động đưa người nhập cư bất hợp pháp vào Châu Âu cùng với buôn người cho ngành công nghệ sex hay bóc lột lao động hiện tại đang đem lại nguồn lợi lớn cho các băng nhóm tội phạm hơn cả hoạt động buôn bán vũ khí và ma tuý, cơ quan kiểm soát biên giới EU Frontex cho hay. “Nó có thể là ngành kinh doanh đem lại lợi nhuận lớn nhất vào thời điểm này”, nữ phát ngôn viên Frontex - bà Izabella Cooper cho biết.
Những kẻ buôn bán người đang ngày càng biết tận dụng Facebook và các trang mạng xã hội khác để quảng bá cho hoạt động phi pháp của họ, đàm phán giá cả và sắp xếp các địa điểm đi, đến cũng như thời điểm cho người nhập cư, giới chức EU cho hay.
Công việc điều tra diễn ra rất khó khăn, phức tạp bởi theo ông Crepinko, những kẻ buôn lậu có quốc tịch và tôn giáo khác nhau hoạt động trong những nhóm “di động, lỏng lẻo” và chúng chỉ liên kết lại khi có hoạt động làm ăn.
Ông Crepinko lấy dẫn chứng về một đường dây buôn lậu người gồm 16 tên vừa bị phá vỡ ở Hy Lạp gần đây. Trong số 16 tên có hai kẻ người Rumani, 2 người Ai Cập, 2 người Pakistan, 7 người Syria, một người Ấn Độ, một người Philippine và một người Iraq. Nhóm này được cho là chủ yếu đưa người Syria từ Thổ Nhĩ Kỳ nhập cư bất hợp pháp vào Hy Lạp và đến Châu Âu qua đường biển, đường hàng không và đất liền. Chúng thường cung cấp giấy tờ giả cho những người nhập cư bất hợp pháp và kiếm được tới 7,5 triệu euro (khoảng 8,4 triệu USD) chỉ trong vài tháng hoạt động.
Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ được cho là cũng đã bắt giữ 4 kẻ tình nghi, tất cả đều là người Syria. Chúng được cho là có liên quan đến cái chết của 12 người nhập cư Syria trong đó có cậu bé 3 tuổi Aylan.
Nhiệm vụ của giới chức Châu Âu đang trở nên phức tạp hơn do mạng lưới các tuyến đường mà những người nhập cư, tị nạn dùng để thâm nhập bất hợp pháp vào khu vực.
Vân Linh -
(theo AP)
Ý kiến bạn đọc