Kim Jong Un cũng phải “ngán” nữ Tổng thống Hàn Quốc

06:45, 25/08/2015
|

(VnMedia) - Chủ tịch trẻ của Triền Tiên – ông Kim Jong Un vốn được cho là “không biết sợ ai”. Tuy nhiên, ông này có lẽ sẽ phải chùn bước trước sự cứng rắn bất ngờ của nữ Tổng thống Hàn Quốc.

 

Ảnh minh họa

Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-Hye (ngồi giữa)


Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-Hye hôm qua (24/8) đã thề sẽ “không lùi bước” trong cuộc đối đầu căng thẳng với nước láng giềng Triều Tiên. Thậm chí, bà Park Geun-Hye còn khăng khăng đòi Bình Nhưỡng phải xin lỗi khi hai miền liên Triều đang chật vật, khó khăn tìm lối thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng đáng sợ trong quan hệ song phương của họ.

 

Khi các cuộc đàm phán “nóng bỏng” giữa lãnh đạo cấp cao của Triều Tiên và Hàn Quốc bước sang ngày thứ ba ở ngôi làng đình chiến Panmunjom nằm ở khu vực biên giới, lập trường cứng rắn của nữ Tổng thống Park Geun-Hye đã cho thấy thách thức và sự khó khăn mà Bình Nhưỡng và Seoul phải đối mặt trong việc ký kết một thỏa thuận được cả hai bên chấp nhận.

 

Bình Nhưỡng phải có “lời xin lỗi rõ ràng” cho những vụ nổ mìn khiến 2 binh lính Hàn Quốc bị thương, bà Park đã tuyên bố như vậy trong cuộc họp giữa các cố vấn cấp cao và cuộc họp này được phát trên truyền hình.

 

Nếu không, nữ Tổng thống Hàn Quốc tuyên bố, Seoul sẽ tiếp tục thực hiện chiến dịch tuyên truyền chống phá Triều Tiên qua hệ thống loa phát thanh cỡ đại ở khu vực biên giới – một chiến dịch khiến Triều Tiên nổi điên, liên tiếp tung ra những lời cảnh báo đầy ớn lạnh.

 

Cuộc đối đầu mới nhất giữa hai miền liên Triều đã châm ngòi cho một cuộc đọ pháo ác liệt ở khu vực biên giới, khiến cả Seoul và Bình Nhưỡng giờ đây đều tăng cường các động thái quân sự cũng như đưa ra những phát biểu khiến cộng đồng thế giới “toát mồ hôi” vì lo ngại.

 

"Sẽ không có bất kỳ hành động rút lui nào trước mối đe dọa Triều Tiên”, nữ Tổng thống Park khẳng định đồng thời nhấn mạnh rằng họ sẽ “trả đũa khốc liệt” cho bất kỳ hành động khiêu khích nào thêm nữa.

 

Bà Park luôn duy trì một lập trường cứng rắn và nhất định không chịu nhân nhượng, ve vuốt nước láng giềng Triều Tiên kể từ khi bà này lên cầm quyền.

 

Các cuộc đàm phán liên Triều ở Panmunjom bắt đầu từ hôm thứ Bảy (22/8) và kéo dài suốt hai đêm vừa qua nhưng cho đến nay đại diện của hai nước Hàn Quốc và Triều Tiên vẫn chưa thể đạt được bất kỳ thỏa thuận nào mà các bên có thể chấp nhận được.

 

Tìm thế thượng phong

 

Bình Nhưỡng kiên quyết bác bỏ cáo buộc cho rằng họ là thủ phạm đứng đằng sau loạt vụ nổ mìn gần đây. Giới phân tích cho rằng, Triều Tiên sẽ không bao giờ chấp nhận yêu cầu xin lỗi.

 

"Và tất nhiên, Tổng thống Park biết rõ điều đó”, ông Yang Moo-Jin – một giáo sư ở trường Đại học Nghiên cứu Triều Tiên ở thủ đô Seoul cho hay. Theo ông này, “cả hai thực sự đều đang cố gắng gây áp lực với nhau, tìm thế thượng phong trong cái mà chúng ta đang thấy là những cuộc đàm phán hết sức khó khăn”.

 

Bình Nhưỡng dường như đang tìm kiếm lợi thế lớn hơn trước Seoul bằng việc tăng gấp đôi số lượng đơn vị pháo binh và 2/3 trong số hạm đội gồm 70 tàu ngầm đến khu vực biên giới.

 

Tuy nhiên, rõ ràng, chính quyền của ông Kim Jong Un cũng phải “chờn” trước lập trường cứng rắn của Seoul . Đặc biệt, khi mà Hàn Quốc lại có sự hậu thuẫn tích cực từ phía Mỹ. Một tướng hàng đầu của siêu cường số 1 thế giới mới đây đã tiếp tục khẳng định cam kết bảo vệ Hàn Quốc – một đồng minh then chốt của Mỹ trong khu vực.

 

Seoul Washington đang cân nhắc khả năng “triển khai những vũ khí quân sự chiến lược của Mỹ trên bán đảo Triều Tiên, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc cho biết. Hôm qua (24/8), có tin, Mỹ sẽ tung máy bay ném bom chiến lược B-52 để răn đe Triều Tiên.

 

Bất chấp sự bất ổn, cuộc khủng hoảng mới nhất nổ ra trên bán đảo Triều Tiên trên thực tế không gây ra bất kỳ sự hoảng loạn thực sự nào ở phía Hàn Quốc bởi người dân nước này vốn đã quen với tình trạng lên xuống thất thường trong quan hệ liên Triều. Người dân hai bên cũng quá quen thuộc với những lời dọa dẫm, cảnh báo về chiến tranh.

 

Tuy nhiên, hàng ngàn người dân Hàn Quốc ở khu vực biên giới và gần các đơn vị thực hiện chiến dịch tuyên truyền chống phá Bình Nhưỡng trong suốt 3 ngày qua vẫn phải phần lớn sống trong những khu hầm trú ẩm ngầm dưới lòng đất để đề phòng mọi diễn biến không hay.

 

Đại sứ quán Hàn Quốc ở thủ đô Bắc Kinh đã ra một cảnh báo đi lại hiếm hoi, trong đó khuyên người dân không đến các khu vực ở Trung Quốc gần với biên giới Triều Tiên.

 

Cuộc khủng hoảng mới nhất bùng lên trên bán đảo Triều Tiên sau khi xảy ra vụ nổ mìn ở biên giới khiến hai binh lính Hàn Quốc bị thương. Seoul cũng đổ lỗi cho Bình Nhưỡng về vụ việc này và Bình Nhưỡng cũng bác bỏ mạnh mẽ cáo buộc đó.

 

Tình hình đột ngột leo thang lên đến cao trào khi xảy ra cộng hưởng hai vụ việc: một là cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc; và hai là hành động tuyên truyền chống phá Bình Nhưỡng của Seoul qua hệ thống loa phát thanh cỡ đại ở khu vực biên giới. Đỉnh điểm của vụ việc là vụ Hàn Quốc nã pháo dữ dội vào biên giới Triều Tiên và Chủ tịch trẻ Kim Jong Un ra lệnh cho quân đội bước vào tình trạng chiến tranh.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc