Giật mình trước “đòn” quân sự chưa từng có của Triều Tiên

07:11, 24/08/2015
|

(VnMedia) - Triều Tiên đã huy động hàng chục tàu ngầm và tăng gấp đôi đơn vị pháo binh ở khu vực biên giới với nước láng giềng Hàn Quốc, Seoul hôm qua (23/8) cho biết. Theo Hàn Quốc, hành động của Bình Nhưỡng làm phương hại đến các cuộc đàm phán cấp cao đang diễn ra giữa hai miền liên Triều nhằm tránh viễn cảnh đối đầu quân sự.
 

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa


Một phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho hay, Triều Tiên đã huy động đến 70% số hạm đội tàu ngầm của họ - tương đương với khoảng 50 chiếc tàu. Những con tàu được huy động đã rời căn cứ và biến mất khỏi hệ thống radar quân sự của Seoul.
 
Động thái triển khai một số lượng lớn tàu ngầm như vậy là “chừng từng xảy ra”, vị phát ngôn viên của Hàn Quốc không khỏi lo ngại cho biết, nói thêm rằng Seol và Washington đang phải phối hợp tăng cường để theo dõi nhất cử nhất động của quân đội Triều Tiên nhằm có phản ứng đối phó kịp thời.
 
"Con số được huy động cao gần gấp 10 lần so với mức bình thường... Chúng tôi coi diễn biến tình hình như thế là rất đáng lo ngại”, vị phát ngôn viên của Hàn Quốc cho hay.
 
Cũng theo phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, Triều Tiên còn tăng gấp đôi số lượng đơn vị pháo bình ở dọc khu vực biên giới được quân sự hóa dày đặc với Hàn Quốc.
 
Những động thái trên được đưa ra trong bối ảnh giới chức cấp cao của hai miền liên Triều đang ngồi lại với nhau để tìm kiếm biện pháp tháo ngòi căng thẳng sau một phiên họp nhanh vào đêm hôm trước trước khi kết thúc mà không đạt được thỏa thuận cuối cùng.
 
"Triều Tiên đang thực hiện một lập trường hai mặt khi tiếp tục đàm phán”, vị phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc nhấn mạnh. Theo lời ông này, Bình Nhưỡng một mặt vẫn theo đuổi đàm phán nhưng mặt kia tiếp tục đẩy tình hình leo thang lên nữa bằng những bước đi quân sự gây giật mình.
 
Hãng tin Yonhap dẫn lời các quan chức quân sự Hàn Quốc cho hay, hoạt động triển khai tàu ngầm lần này là lớn nhất kể từ khi kết thúc cuộc chiến tranh Triều Tiên năm 1950-53.
 
"Không ai biết liệu Triều Tiên có tấn công các tàu chiến hay tàu thương mại của chúng tôi hay không.... Chúng tôi đang huy động tất cả các nguồn lực do thám, giám sát để xác định vị trí của những chiếc tàu ngầm đó”, một quan chức quân sự Hàn Quốc cho biết.
 
Bình Nhưỡng sở hữu trong tay hơn 70 chiếc tàu ngầm. Đây là một trong những hạm đội lớn nhất thế giới. Trong khi Triều Tiên có 70 chiếc tàu ngầm thì Hàn Quốc chỉ có khoảng 10 chiếc, sách trắng quốc phòng gần đây nhất của Seoul tiết lộ.
 
Seoul cáo buộc Bình Nhưỡng năm 2010 đã sử dụng một tàu ngầm để phóng ngư lôi vào một tàu chiến của Hàn Quốc, khiến 46 thủy thủ thiệt mạng. Triều Tiên kiên quyết bác bỏ cáo buộc trên. Bán đảo Triều Tiên thường xuyên rơi vào trạng thái căng thẳng vì mối quan hệ “cơm không lành, canh không ngọt” giữa hai miền liên Triều.
 
Cuộc khủng hoảng mới nhất bùng lên trên bán đảo Triều Tiên sau khi xảy ra vụ nổ mìn ở biên giới khiến hai binh lính Hàn Quốc bị thương. Seoul cũng đổ lỗi cho Bình Nhưỡng về vụ việc này và Bình Nhưỡng cũng bác bỏ mạnh mẽ cáo buộc đó.
 
Tình hình đột ngột leo thang lên đến cao trào khi xảy ra cộng hưởng hai vụ việc: một là cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc; và hai là hành động tuyên truyền chống phá Bình Nhưỡng của Seoul.
 
Bất chấp sự phản đối gay gắt của Triều Tiên, Mỹ và Hàn Quốc vẫn thực hiện kế hoạch tập trận chung. Chưa dừng lại ở đó, Seoul còn có hành động “đổ thêm dầu vào lửa” khi nối lại hoạt động tuyên truyền chống phá Triều Tiên thông qua hệ thống loa phát thanh ở khu vực biên giới. Hai động thái này cộng hưởng với nhau đã khiến Bình Nhưỡng thực sự “nổi điên”. Cao trào của loạt diễn biến trên là Bình Nhưỡng được cho đã bắn một quả rocket về hướng hệ thống loa phát thanh đang phát đi những nội dung mang tính chống lại chính quyền Triều Tiên. Hàn Quốc đã đáp trả bằng việc bắn một loạt đạn pháo về phía biên giới Triều Tiên. Cả thế giới dường như nín thở khi chứng kiến vụ nã đạn pháo dữ dội vào nhau hôm 20/8 giữa Hàn Quốc và Triều Tiên trong bối cảnh Bình Nhưỡng vừa tung ra cảnh báo viễn cảnh chiến tranh đầy ớn lạnh.
 
Ngay lập tức, Nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã ra lệnh cho quân đội Triều Tiên ở khu vực biên giới bước vào tình trạng sẵn sàng chiến tranh. Về phần mình, Seoul cũng tuyên bố sẽ đáp trả không nương tay trước Bình Nhưỡng.
 
Mặc dù Hàn Quốc và Triều Tiên đã đồng ý gặp nhau để tháo ngòi căng thẳng nhưng những diễn biến xung quanh mối quan hệ giữa nước này vẫn bị bao trùm bởi bóng ma của chiến tranh.
 
Các cuộc tập trận quân sự chung hàng năm giữa Mỹ và Hàn Quốc luôn làm leo thang căng thẳng giữa hai miền bán đảo Triều Tiên. Bình Nhưỡng lâu nay vẫn liên tục kịch liệt phản đối các cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc bởi Triều Tiên xem đó là hành động chuẩn bị cho một cuộc xâm lược nhằm vào nước họ. Năm nào, Bình Nhưỡng cũng thể hiện sự tức giận trước các cuộc tập trận chung của Mỹ, Hàn bằng một loạt những lời đe dọa đáng sợ và cảnh báo sắc lạnh, gây ra những cơn “sóng gió” dữ dội trên bán đảo Triều Tiên.
 
Mỹ và Hàn Quốc khăng khăng khẳng định, các cuộc tập trận của họ chỉ mang tính phòng vệ. Vì thế, Mỹ và Hàn Quốc luôn thực hiện mọi kế hoạch tập trận chung mà họ đặt ra bất chấp sự phản đối quyết liệt của Triều Tiên.
 
Những cuộc tập trận thường niên giữa Mỹ và  Hàn Quốc luôn là thời điểm đầy thử thách đối với mối quan hệ song phương giữa hai miền liên Triều.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc