(VnMedia) - Quân đội Anh sẽ đầu tư mạnh hơn vào việc đào tạo, huấn luyện cho quân đội Ukraine bằng cách tăng số lượng binh lính tham gia vào chương trình này lên con số 2.000, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon hôm qua (11/8) đã thông báo như vậy sau khi miêu tả cuộc xung đột ở miền đông Ukraine là một “cuộc chiến nóng đỏ” chứ không phải là xung đột lạnh. Bước đi trên của Anh khiến người ta tự hỏi phải chăng cường quốc Châu Âu này đang nóng lòng muốn qua mặt Mỹ để can thiệp sâu hơn vào tình hình Ukraine.
Ảnh minh họa |
Bộ trưởng Quốc phòng Anh Fallon đã thực hiện chuyến công du đến Ukraine trong bối cảnh tình hình miền đông Ukraine đang nguy cấp trở lại khi giao tranh bùng phát ác liệt nhất trong vòng 6 tháng trở lại đây. Có mặt tại thủ đô Kiev, ông Fallon đã cam kết sẽ tăng cường sự giúp đỡ, hậu thuẫn cho quân đội Ukraine trong cuộc chiến chống lại lực lượng ly khai miền đông Ukraine được Nga ủng hộ. Cụ thể, Anh hứa sẽ “tăng gấp đôi số lượng binh lính Ukraine” được họ đào tạo từ con số hơn 1.000 lên 2.000 vào cuối năm nay.
Bộ trưởng Quốc phòng Anh đã nói với Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk rằng, chuyến thăm của ông là nhằm mục đích “tái khẳng định” sự ủng hộ của London dành cho Kiev. “7.000 người đã thiệt mạng ở Ukraine, ngay trên ngưỡng cửa Châu Âu... Đây không phải là một cuộc xung đột lạnh mà là một cuộc xung đột nóng đỏ”, ông Fallon phát biểu đồng thời thêm rằng: “Chúng tôi sẽ không quay lưng với Ukraine.”
Hiện tại, đang có 75 huấn luyện viên quân sự của Anh đang có mặt tại Ukraine, được chia thành 13 đội ở 6 khu vực. Lực lượng của Anh tổ chức các khóa học kéo dài 10 ngày về tình báo, bộ binh và các kỹ năng quân y cũng như hậu cần. Hoạt động đào tạo mới còn bao gồm cả việc nhận biết các mối đe dọa mặt đất, các cách thức để tổ chức cứ điểm phòng thủ ở môi trường thành phố, những bài học về lên kế hoạch và vạch ra chiến thuật.
Các cường quốc phương Tây đang tăng cường hậu thuẫn cho quân đội Ukraine bằng cách tăng viện trợ về tài chính cũng như hoạt động đào tạo, huấn luyện trong những tháng gần đây. Quân đội Ukraine cũng đang nhận được sự giúp đỡ về huấn luyện từ Mỹ và Canada.
Vào cuối tháng 7, NATO đã phát động cuộc tập trận lớn nhất từ trước đến nay ở ngay trên lãnh thổ Ukraine, tập hợp đến 1.800 quân từ 18 quốc gia. “Sẽ là an toàn để nói rằng, đây là cuộc tập trận đa quốc gia lớn nhất từng được tổ chức ở Ukraine”, ông Don Wrenn – phát ngôn viên của Quân đội M ỹ ở Châu Âu, cho hay.
Bộ Ngoại giao Nga cảnh báo rằng các cuộc tập trận của NATO ở tây Ukraine đe dọa tiến trình giải quyết hòa bình cuộc xung đột ở miền đông Ukraine.
Những hành động của NATO đang kích động “tâm lý trả thù trong phe chiến tranh ở Kiev. Điều này gây nguy hiểm cho những tiến bộ trong tiến trình giải quyết hòa bình cuộc xung đột nội bộ sâu sắc ở đất nước Ukraine”, Bộ Ngoại giao Nga cho hay.
Moscow miêu tả các cuộc tập trận ở Ukraine “là minh chứng rõ ràng về sự ủng hộ vô điều kiện của NATO cho chính sách hiện nay của chính quyền Kiev ở miền đông nam Ukraine. Điều này dẫn đến việc dân thường tiếp tục thiệt mạng hàng ngày ở khu vực”.
Sau các cuộc tập trận của NATO, quân đội Mỹ đã thông báo ý định mở rộng sứ mệnh ở Ukraine bằng việc không chỉ dừng lại ở việc huấn luyện cho Lực lượng Bảo vệ Quốc gia Ukraine mà còn tăng cường “năng lực phòng thủ” cho quân đội Ukraine, Bộ Quốc phòng Mỹ hồi cuối tháng 7 đã cho biết như vậy.
Việc phương Tây tăng cường hoạt động huấn luyện, đào tạo cho quân đội Ukraine diễn ra sau khi Tổng thống Petro Poroshenko thông báo, số lượng quân chính phủ được triển khai ở vùng xung đột đã vượt quá con số 60.000 người. Nhà lãnh đạo Poroshenko kêu gọi giới chức quân sự nỗ lực để đảm bảo quân đội có thể có thêm nhiều thiết bị quân sự mới cũng như sự giúp đỡ về tài chính và sự giúp đỡ về hoạt động huấn luyện từ phương Tây cho các binh lính Ukraine.
Kiev cũng đang thúc đẩy Washington cung cấp cho họ vũ khí sát thương. Tuy nhiên, cho đến nay, chính quyền của Tổng thống Barack Obama vẫn từ chối làm điều này.
“Chúng tôi mong đợi sẽ nhận được thêm sự giúp đỡ, hậu thuẫn từ Mỹ”, Thủ tướng Yatsenyuk hồi đầu tháng này đã bày tỏ như vậy. “Chúng tôi hiểu rõ rằng, các đồng minh NATO đang có chút chần chừ, lưỡng lự trong quyết định cung cấp vũ khí phòng thủ cho Ukraine. Nhưng đây không chỉ là vì Ukraine mà điều này còn là vì an ninh của thế giới”, ông Yatsenyuk nói. Kiev luôn rêu rao rằng Nga là mối đe dọa đối với an ninh thế giới và vì thế Kiev cho rằng Mỹ cũng như Liên minh Châu Âu (EU) cần phải can thiệp vào cuộc khủng hoảng ở Ukraine để ngăn chặn cái mà họ gọi là mối đe dọa mang tên Nga.
Kiev đã phát động một chiến dịch quân sự ở vùng Donbass (từ dùng chỉ hai khu vực miền đông Donetsk và Luhansk) từ hồi tháng Tư năm ngoái sau khi những người dân địa phương kiên quyết không chịu thừa nhận tính hợp pháp của chính quyền mới được dựng lên ở Kiev sau cuộc đảo chính lật đổ cựu Tổng thống Yanukovych. Cuộc xung đột kéo dài 16 tháng qua ở miền đông Ukraine đã cướp đi sinh mạng của gần 7.000 người và đến nay vẫn chưa có bất kỳ “ánh sáng nào lóe lên ở cuối đường hầm” trong cuộc khủng hoảng ở quốc gia Đông Âu.
Ý kiến bạn đọc