(VnMedia) - Các công ty Pháp muốn tiếp tục làm ăn ở Nga bất chấp các biện pháp trừng phạt mà phương Tây đang áp đặt với Moscow, cựu Bộ trưởng Giao thông Pháp và hiện là thành viên Quốc hội – ông Thierry Mariani hôm nay (23/7) đã thừa nhận như vậy.
Ảnh minh hoạ |
Ông Mariani đang dẫn đầu một phái đoàn nghị sĩ Pháp đến Crimea trong ngày hôm nay. Các nghị sĩ của Pháp dự kiến sẽ đến thăm một loạt thành phố gồm Yalta, Simferopol, Sevastopol, và gặp gỡ giới chức địa phương trong chuyến thăm kéo dài 3 ngày.
"Từ khi các biện pháp trừng phạt được áp đặt, không ai (không doanh nghiệp nào của Pháp) rời Nga. Điều đó có nghĩa rằng nhiều công ty muốn ở lại đây và đặt niềm tin vào tương lai”, ông Mariani cho hay.
Vị cựu Bộ trưởng Giao thông Pháp thừa nhận chính sách của Châu Âu đối với Nga, cụ thể là chính sách trừng phạt, đã gây ra những cản trở cho hoạt động kinh doanh, làm ăn ở cả hai nước. "Tuy nhiên, tôi cho rằng, việc tiếp tục duy trì mối quan hệ giữa hai nước sẽ đem lại lợi ích chung”, nghị sĩ Mariani nhấn mạnh.
Ông Mariani nhấn mạnh, có rất nhiều chính khách và người dân thường ở Pháp không ủng hộ chính sách trừng phạt mà Liên minh Châu Âu (EU) đang áp đặt lên Nga.
Theo lời vị chính khách pháp, trong chuyến thăm của phái đoàn nghị sĩ đến bán đảo Crimea lần này, quan chức hai bên sẽ thảo luận về các cách thức thúc đẩy hợp tác giữa các công ty của Nga và Pháp trong giai đoạn các biện pháp trừng phạt của phương Tây đang được áp đặt lên Nga.
Phái đoàn Pháp sẽ là nhóm quan chức phương Tây cấp cao đầu tiên đến thăm bán đảo Crimea kể từ khi nó được sáp nhập trở lại Nga sau cuộc trưng cầu dân ý hồi tháng 3 năm ngoái.
Không chỉ các doanh nhân Pháp mà những người nông dân Pháp cũng đang mong muốn được trở lại làm ăn với Nga.
Những người nông dân trong ngành sữa và thịt đang đấu tranh đòi tăng giá cả thu mua nông sản của họ và đang đàm phán với Nga về việc dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu nông phẩm đối với họ.
Nông dân Pháp đang phàn nàn về giá cả sản phẩm của họ bị hạ thấp quá mức, khiến họ thậm chí còn không thu về đủ tiền chi phí sản xuất. Để phản đối tình trạng này, những người nông dân ở Pháp đang dựng các rào chắn, chướng ngại vật ở những khu du lịch, đài phát thanh RTL hôm qua (22/7) đưa tin.
Phản ứng trước các cuộc biểu tình phản đối của nông dân diễn ra trong nhiều tuần nay, giới chức Pháp nói rằng,họ không thể điều chỉnh giá mua đối với các sản phẩm nông sản.
Cựu Bộ trưởng Nông nghiệp Pháp Bruno Le Maire tin rằng, việc tìm kiếm các thị trường xuất khẩu mới cho những mặt hàng của Pháp có thể giúp giải quyết vấn đề và rằng Nga là đối tác thương mại không thể thiếu của Pháp.
Ông Le Maire – người từng là Bộ trưởng Lương thực, Nông nghiệp và Nghề cá của Pháp từ năm 2009 đến 2012, đã đổ lỗi tình cảnh hiện nay của người nông dân Pháp là do “cuộc chiến qua lại vì những vấn đề ngoại giao” gây ra, ám chỉ đến cuộc đối đầu Đông-Tây vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Chính phủ Pháp đã đề xuất một chương trình nhằm giúp ngành nông nghiệp đang vật lộn trong khó khăn. Tuy nhiên, những người nông dân Pháp lo ngại sự giúp đỡ mà giới chức Pháp hứa hon đó sẽ chẳng bao giờ trở thành sự thực.
Quan hệ giữa Nga với Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) đang rơi vào cuộc đối đầu căng thẳng chưa từng có kể từ sau Chiến tranh Lạnh vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Mỹ, EU cùng với các đồng minh liên tục đổ lỗi, cáo buộc cho Moscow đã gây ra cuộc khủng hoảng ở Ukraine, kích động cuộc xung đột ở miền đông nam Ukraine. Bất chấp việc Nga liên tục lên tiếng bác bỏ những cáo buộc trên, phương Tây do Mỹ dẫn đầu đã tung ra hàng loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Cuộc chiến trừng phạt leo lên cao trào sau khi xảy ra vụ một chiếc máy bay dân sự của hãng hàng không Malaysia Airlines bị bắn rơi ở miền đông Ukraine hồi tháng 7 năm ngoái. Phương Tây nhanh chóng đổ lỗi cho Nga và lực lượng ly khai miền đông Ukraine đã gây ra thảm họa hàng không khủng khiếp trên. Kết quả là phương Tây tung ra thêm các biện pháp trừng phạt Nga và đây đều là những biện pháp trừng phạt nghiêm khắc, gây tổn hại nghiêm trọng đến nền kinh tế Nga khi nó nhằm vào các ngành then chốt như ngân hàng, năng lượng và quốc phòng.
Đáp lại, Moscow cũng tung đòn trả đũa bằng cách áp dụng lệnh cấm nhập khẩu thực phẩm và nông sản từ các nước đang trừng phạt Nga.
Cuộc chiến trừng phạt giữa Nga và phương Tây đang khiến cả hai bên đầu chịu tổn thương và thiệt thòi. Nhiều nước EU vì phải hứng chịu hậu quả “gậy ông đập lưng ông” quá lớn từ chính những biện pháp trừng phạt mà họ áp dụng lên Nga nên đang kêu gọi huỷ bỏ chính sách trừng phạt.
Tuy vậy, mới đây hồi tháng 6, EU vẫn quyết định tiếp tục kéo dài thời hạn áp dụng các biện pháp trừng phạt lên Nga thêm 6 tháng nữa, tức là kéo dài đến ngày 31/1 năm tới.
Đáp lại, Nga cũng kéo dài thời hạn áp dụng đòn trả đũa của mình lên các nước phương Tây thêm 1 năm nữa.
Kiệt Linh -
(tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc