Mỹ phá bí mật sau uy tín chót vót của Putin

17:32, 22/07/2015
|

(VnMedia) - Bởi vì Tổng thống Nga Vladimir Putin chưa bao giờ được Mỹ và phương Tây yêu thích nên họ không tránh khỏi cảm giác nghi ngờ cũng như đố kỵ, ghen tị trước uy tín luôn ở mức cao chót vót của Nhà lãnh đạo Nga ở trong nước.
 

Ảnh minh họa

Tổng thống Nga Vladimir Putin


Có vẻ như nó là điều hiển nhiên nhưng gần như đa số người dân Nga ủng hộ cho Tổng thống Putin của họ. Một cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy, uy tín của Tổng thống Putin đã đạt mức cao kỷ lục với 89% người dân Nga được hỏi đã bày tỏ sự ủng hộ đối với những gì ông Putin đang làm.
 
Con số trên có thể gây sốc đối với giới lãnh đạo phương Tây đang chật vật với tỉ lệ ủng hộ sụt giảm mạnh của họ ở trong nước cũng như trên truyền thông. Điều đó khiến một số nhà lãnh đạo phương Tây cáo buộc điện Kremlin “làm trò” với kết quả thăm dò dư luận. Tuy nhiên, những lời cáo buộc như vậy chẳng có chút giá trị nào bởi cuộc thăm dò dư luận được tiến hành với 1.600 người từ khắp 46 khu vực trên nước Nga. Hơn nữa, nó lại được tiến hành bởi một công ty nghiên cứu độc lập mang tên Trung tâm Levada.
 
Nhà phân tích chính sách đối ngoại Dimitri A. Simes miêu tả Trung tâm Levada là một “cơ quan thăm dò dư luận có y tín và đáng tin bởi bộ máy lãnh đạo của cơ quan này có lịch sử bất đồng với chính phủ. Những người đi thăm dò ý kiến của Levada không có động lực gì để làm giả tỉ lệ ủng hộ cho Tổng thống Putin nhằm tăng cường hình ảnh của điện Kremlin trước công chúng".
 
Người Nga ủng hộ vị lãnh đạo của họ bởi những chính sách thông minh, mạnh mẽ. Ví dụ như, uy tín của ông Putin tăng vọt lên trong thời điểm ông xử lý cuộc khủng hoảng ở Ukraine và sau đó là trong thời gian quan hệ giữa Nga với Mỹ và Châu Âu rơi vào băng giá. Tỉ lệ ủng hộ ông chủ điện Kremlin đã tăng từ 65% hồi tháng 1 năm ngoái lên mức 80% vào tháng 3 cùng năm.
 
Ông Simes – người từng là một cố vấn chính sách không chính thức của cựu Tổng thống Mỹ Richard Nixon, tin rằng uy tín của Tổng thống Putin tăng cao còn nhờ một phần vào việc nhiều thành phần đối lập cũng đã ủng hộ lập trường của ông Putin trong vấn đề Ukraine và sau đó là trong quan hệ với phương Tây. Nhà phân tích Simes đã chỉ ra một vài cái tên chính khách đối lập nổi bật ở Nga như Sergei Udaltsov, Eduard Limonov, Alexei Navalny và Mikhail Khodorkovsky trong số những người ủng hộ một vài chính sách của ông Putin liên quan đến Ukraine.
 
Ngoài ra, những khó khăn về kinh tế của Nga do các biện pháp trừng phạt của phương Tây gây ra đã không làm ảnh hưởng gì đến thái độ, lập trường của người dân đối với Tổng thống Putin. Hơn 30% người dân Nga cho biết, họ bị ảnh hưởng bởi các đòn trừng phạt của phương Tây nhưng tỉ lệ ủng hộ Tổng thống Putin vẫn tiếp tục tăng cao.
 
"Với 66% người dân Nga tin rằng chính sách trừng phạt của phương Tây là nhằm để làm suy yếu và hạ nhục nước Nga, nhiều người đã tập hợp lại quanh lá cờ và ủng hộ ông Putin như là một ‘người bảo vệ tổ quốc’, bảo vệ đất nước trước cuộc tấn công từ bên ngoài”, nhà phân tích Simes nhấn mạnh.
 
Phần lớn người Nga tin rằng, những đòn trừng phạt hiện nay của phương Tây không chỉ nhằm vào giới lãnh đạo mà còn nhằm vào cả những người dân thường. "Nhiều người vì vậy coi các biện pháp trừng phạt là hành động tấn công vào họ và gia đình họ, xa hơn nữa là tấn công vào đất nước họ”, ông Simes phân tích thêm.
 
Vì thế, người Nga không thể kêu gọi Tổng thống Putin thay đổi lập trường của mình trong quan hệ với phương Tây. Hơn nữa, họ có thể cũng không sẵn sàng để ủng hộ việc nối lại một mối quan hệ hữu nghị với Mỹ nếu ông Putin có những bước đi nhằm làm dịu căng thẳng trong quan hệ giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới.
 
"Xét tất cả những yếu tố trên, thậm chí nếu phương Tây có thành công trong việc làm suy yếu ông Putin hơn nữa trong lĩnh vực kinh tế thì điều đó cuối cùng kết cục cũng chỉ giúp ông này tăng cao vị thế ở trong nước”, nhà phân tích Simes nói thêm.
 
Cũng theo ông Simes, uy tín của Tổng thống Putin không bao gồm cả giới lãnh đạo chính phủ Nga. Một số lượng lớn người Nga (58%) có xu hướng tin rằng, giới chức cầm quyền chỉ tìm cách bảo vệ và củng cố quyền lực của riêng mình. Khoảng 60% người tham gia cuộc thăm dò dư luận nghĩ rằng các công nhân viên chức nhà nước thiếu tinh thần trách nhiệm.
 
Kể từ khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine bùng lên, Tổng thống Putin nhanh chóng trở thành “mục tiêu” đổ lỗi, chỉ trích và lên của phương Tây. Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) cho rằng, chính Nga đã kích động, gây ra cuộc khủng hoảng ở nước láng giềng và cuộc chiến ở khu vực miền đông Ukraine. Phương Tây đã dùng đủ mọi cách để thuyết phục, dọa nạt ông Putin phải thay đổi lập trường đối với tình hình Ukraine . Tuy nhiên, bất chấp áp lực dồn vây tứ phía, ông chủ điện Kremlin vẫn kiên quyết giữ vững lập trường của mình.
 
Trong cuộc đối đầu không khoan nhượng với phương Tây, Tổng thống Putin được tiếp thêm sức mạnh bởi sự ủng hộ, đoàn kết của người dân Nga.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc