Nga triển khai lô tên lửa nhanh nhất thế giới

09:23, 23/07/2015
|

(VnMedia) - Thiếu Tướng Viktor Yesin – cố vấn của Tư lệnh Lực lượng Tên lửa Chiến lược Nga hôm 21/7 cho biết, tất cả các đơn vị của lực lượng này dự kiến sẽ được tái vũ trang bằng hệ thống tên lửa mặt đất di động Yars.
 
“Quá trình tái vũ trang tất cả cấc đơn vị tên lửa, hiện đang sử dụng tổ hợp tên lửa Topol bằng hệ thống tên lửa di động Yars sẽ được hoàn tất trong năm 2021. Trước thời điểm đó, hệ thống tên lửa di động Topol sẽ được rút ra khỏi biên chế”, ông Yesin cho hay.
 
Theo ông, hiện hệ thống Topol đang phục vụ trong biên chế của 7 trong số 12 đơn vị thuộc Lực lượng Tên lửa Chiến lược Nga.

Ảnh minh họa

RS-24 Yars là một trong những loại tên lửa nhanh nhất thế giới, có biệt danh là “Con trai của Satan”. Về cơ bản, đây là phiên bản nâng cấp đa đầu đạn của tổ hợp tên lửa Topol-M.
 
RS-24 Yars (NATO gọi là SS-29) được phát triển bởi Viện thiết kế công nghệ nhiệt Moskva, cũng chính là nơi thiết kế ra tên lửa Topol-M. Tên lửa thế hệ thứ 5 RS-24  là một phiên bản nâng cấp của tên lửa đạn đạo Topol-M.
 
Tên lửa đạn đạo liên lục địa RS-24 có khả năng mang nhiều đầu đạn hạt nhân có khả năng bắn mục tiêu độc lập, được thiết kế để tránh các hệ thống phòng thủ tên lửa ở tầm phóng lên tới 12.000 km.
 
Nó được thiết kế để mang tối đa 6 đầu đạn, với mỗi đầu đạn có thể bắn xuống các mục tiêu khác nhau. Tên lửa RS-24 Yars có chiều dài 23 mét, đường kính 2 mét, tầm bắn tối đa là 11.000 km. Phần đầu đạn tên lửa gồm bốn khối chiến đấu độc lập. Công suất đầu đạn từ 150 đến 300 kiloton.
 
RS-24 Yars là tên lửa đạn đạo liên lục địa thế hệ mới có tốc độ hành trình Mach 13+.  Tên lửa RS-24 Yars góp phần đáng kể để lực lượng tên lửa chiến lược Nga bảo đảm chắc chắn an ninh quốc gia trong mọi diễn biến của tình hình quốc tế.
 
Tên lửa RS-24 Yars được đánh giá có khả năng "chọc thủng mọi lá chắn tên lửa" trong vòng 15-20 năm tới nhờ tốc độ bay nhanh hơn tất cả các loại tên lửa hiện hành, khả năng thay đổi linh hoạt độ cao và hướng bay khiến cho tên lửa đánh chặn của đối phương không thể tiếp cận. Tên lửa này được thử nghiệm lần đầu tiên vào ngày 29/5/2007. Đây được đánh giá là một trong những loại tên lửa nhanh nhất thế giới. 

Nga thử tên lửa "siêu trọng" Sarmat

Trong một diễn biến liên quan, hãng tin RIA Novosti của Nga vừa trích dẫn một nguồn tin quân sự cho hay, nước này có thể sẽ tiến hành thử nghiệm quy mô đầy đủ đối với hệ thống tên lửa đạn đạo liên lục địa "siêu trọng" Sarmat mới trong vòng 18-24 tháng tới. 
 
Nguồn tin quân sự trên cho rằng: “Nếu các cuộc thử nghiệm ban đầu này được tiến hành theo kế hoạch và tên lửa vận hành tốt, thì nó sẽ được phóng thử trong vòng một hoặc một năm rưỡi sau đó”.
 
Theo nguồn tin trên, các cuộc thử nghiệm ban đầu sẽ bao gồm việc kiểm tra các tầng của tên lửa. Nguồn tin nói thêm: “Chúng tôi sẽ sử dụng một phương tiện đặc biệt để kiểm tra công suất nâng của tên lửa. Thời điểm diễn ra các cuộc kiểm tra ban đầu rất khó xác định, nhưng chúng thường được thực hiện vào cuối năm”. 
 
Bên cạnh đó, một nguồn tin trong ngành công nghiệp quốc phòng Nga nói với hãng tin RIA Novosti rằng, 7 trung đoàn tên lửa của nước này sẽ được trang bị các tổ hợp tên lửa đạn đạo Sarmat nặng 100 tấn trên.  Được biết, hiện tên lửa Sarmat đang được phát triển ở giai đoạn 3.

Trước đó, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Yuri Borisov từng tuyên bố, các cuộc thử nghiệm ban đầu của tên lửa Sarmat đã được lên kế hoạch tiến hành trong 2015. Ngoài ra, Tư lệnh lực lượng Tên lửa Chiến lược Nga - Đại tướng Sergei Karakayev cũng tiết lộ, loại tên lửa mới này sẽ được đưa vào biên chế trước năm 2020.
   
Theo kế hoạch của Bộ Quốc phòng Nga, tên lửa Sarmat sẽ thay thế cho loại tên lửa chiến lược lớn nhất thế giới Voevoda (NATO gọi là Satan) trong khoảng năm 2018-2020.
 
Đặc điểm vật lý và thông số kỹ thuật của tên lửa đạn đạo liên lục địa mới này cho đến nay vẫn được giữ bí mật, chỉ biết, tên lửa này có tầm bắn không dưới 5500 km. Tuy nhiên, Tư lệnh Lực lượng tên lửa chiến lược Nga cho biết, tên lửa Sarmat dự kiến sẽ được trang bị các hệ thống đối phó điện tử tiên tiến, một hệ thống chỉ huy và kiểm soát phức hợp và có khả năng cơ động cao, cho phép nó thâm nhập được vào các hệ thống phòng thủ tên lửa của đối phương. 


Đan Khanh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc