Kiev bị bao vây, Tổng thống Ukraine gặp nguy

08:18, 22/07/2015
|

(VnMedia) - Có tới 6.000 người thuộc phong trào Cánh Hữu cực đoan của Ukraine đã rầm rập tiến đến thủ đô Kiev trong ngày hôm qua (21/7) và có nhiều hành động khiến chính quyền mới phải hoảng sợ. Cuộc biểu tình này đánh dấu “một giai đoạn mới trong cuộc cách mạng Ukraine”, Lãnh đọa của nhóm Cánh Hữu – ông Dmitry Yarosh đã tuyên bố như vậy.
 

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa


Các thành phần cực đoan đã diễu hành rầm rộ khắp trung tâm thủ đô Ukraine trong buổi tối ngày hôm qua và cuối cùng tập trung tại Maidan (Quảng trường Độc lập). Đây chính là nơi chứng kiến làn sóng biểu tình dữ dội, đẫm máu dẫn đến cuộc lật đổ cựu Tổng thống Yanukovych hồi tháng 2 năm ngoái và hiện giờ người ta gọi những diễn biến đó là “Cuộc cách mạng Maidan”.
 
Phần lớn những người tham dự cuộc biểu tình ngày hôm qua là những người mặc quần áo ngụy trang, vẫy những lá cờ màu đen, đỏ của Quân đội Nổi dậy Ukraine (UPA). Họ gào lên những khẩu hiệu “Cái chết cho kẻ thù”, hãng tin Itar Tass đưa tin.
 
Phát biểu tại Quảng trường Maidan, Lãnh đạo nhóm Cánh Hữu (Pravy Sektor) Dmitry Yarosh tuyên bố, nhóm này “đang thể hiện rằng chúng ta là một lực lượng cách mạng có kỷ luật”, mở ra “một giai đoạn mới trong cuộc cách mạng ở Ukraine” bằng cuộc biểu tình ngày hôm qua.
 
Trước khi diễn ra cuộc biểu tình, ông Yarosh đã khẳng định, sự kiện lần này sẽ diễn ra theo bản chất “hòa bình”.
 
Nhóm Cánh Hữu cực đoan muốn chính quyền Kiev rút ra khỏi thỏa thuận hòa bình Minsk – thứ duy nhất hiện giờ đang được cộng đồng quốc tế đặt hy vọng cho việc giải quyết cuộc khủng hoảng đẫm máu kéo dài đã hơn 15 tháng qua và cướp đi sinh mạng của hơn 6.500 người ở Ukraine.
 
Lực lượng Cánh Hữu cũng muốn tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý để luận tội tất cả các cơ quan cầm quyền – Quốc hội, Chính phủ và Tổng thống Petro Poroshenko.
 
Ngoài ra, nhóm Cánh Hữu còn đòi Bộ trưởng Nội vụ Arsen Avakov từ chức và đòi chính thức hợp pháp hóa lực lượng chiến đấu của họ ở Donbass.
 
Theo tuyên bố của ông Yarosh, nhóm Cánh Hữu sẽ lập ra các văn phòng ngay tại thực địa ở tất cả các khu vực của Ukraine để tiến hành cuộc trưng cầu dân ý bắt đầu từ ngày hôm nay (22/7). Ông Yarosh cho biết, các trung tâm được dựng lên bởi nhóm Cánh Hữu nói trên cũng sẽ hành động như là “những ủy ban cách mạng”. Trong quá trình diễn ra cuộc trưng cầu dân ý, Ukraine sẽ được đặt trong tình trạng thiết quân luật, lãnh đạo của nhóm Cánh Hữu đã nói như vậy.
 
“Người dân cần phải nói lên tiếng nói, thể hiện thái độ của họ đối với những gì đang xảy ra ở đất nước của mình... chính phủ nên biết liệu người dân có hài lòng với họ hay không, nếu không họ nên ra đi”, ông Yarosh phát biểu. Nhóm Cánh Hữu khẳng định, nếu họ không được trao quyền tiến hành cuộc trưng cầu dân ý, thì họ sẽ tổ chức ủy ban bầu cử của riêng mình và sẽ “bỏ phiếu độc lập trên toàn bộ lãnh thổ Ukraine”.
 
Ngoài những người của nhóm Cánh Hữu theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan, nhiều người dân ở tầng lớp lao động ở Ukraine cũng đã tham gia vào cuộc biểu tình ở thủ đô Kiev ngày hôm qua bởi họ không hài lòng với mức sống nghèo khổ ở đất nước dưới thời của chính quyền Tổng thống Poroshenko.
 
"Ukraine đang trong tình trạng thực sự hỗn loạn và khủng khiếp. Tình hình kinh tế tồi hơn rất nhiều so với cách đây hai năm dưới thời ông Yanukovich. Vì thế, sẽ hoàn toàn là điều dễ hiểu khi người dân đổ ra đường biểu tình”, phóng viên kiêm phát thanh viên từ London – Neil Clark nói với hãng RT.
 
"Tình hình sẽ còn tiếp tục tồi tệ hơn nữa, bởi những người dân thường đang nói với nhau: ‘Tất cả những chuyện này là về điều gì?’”, ông Clark cho biết, nói thêm rằng những thành phần theo chủ nghĩa cực đoan có thể góp phần khiến tình hình Ukraine thêm bất ổn bởi Tổng thống Poroshenko hiện “đang tấn công chính những người giúp ông ta lên cầm quyền”.
 
Nhóm Cánh Hữu nổi lên là một liên minh của những thành phần chủ nghĩa dân tộc quá khích, cực đoan được thành lập năm 2013. Nhóm này đóng vai trò chủ chốt trong lực lượng thực hiện cuộc nổi dậy Maidan hồi đầu năm ngoái đồng thời cũng nổi danh là một trong những thành phần hung hăng nhất trong các cuộc giao tranh đường phố dẫn đến sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Yanukovych. Sau đó, nhóm Cánh Hữu cũng là thành phần chiến đấu ác liệt nhất ở miền đông Ukraine.
 
Tuy nhiên, nhóm này lại đang phải vật lộn để tìm chỗ đứng chính trị ở Ukraine sau sự kiện Maidan. Trong các cuộc biểu tình ở Maidan hay các cuộc giao tranh, đụng độ ở miền đông Ukraine, nhóm Cánh Hữu tỏ ra hữu dụng với chính quyền Kiev nhưng vào thời điểm hiện nay, khi Tổng thống Poroshenko củng cố chính quyền thì nhóm Cánh Hữu trở thành “cái gai” nhức nhối mà chính quyền đang muốn nhổ bỏ.
 
Hồi tháng 11 năm ngoái, Tòa án Tối cao Nga đã đưa nhóm Cánh Hữu vào danh sách các tổ chức cực đoan và bị cấm hoạt động ở Nga. Trước đó, Moscow cũng mở một cuộc điều tra hình sự nhằm vào lãnh đạo của nhóm Cánh Hữu – Yarosh với tội danh kích động chủ nghĩa khủng bố.
 
Nhóm Cánh Hữu theo tư tưởng chủ nghĩa dân tộc cực đoan khét tiếng bởi hàng loạt vụ thảm sát như thiêu sống và giết chết 48 người ở Odessa. Các chiến binh của nhóm này tham gia vào cuộc chiến ở Donbass, tấn công các thợ mỏ, bắt giữ những nhân chứng biết tội ác của chúng và đe dọa phá vỡ thỏa thuận hòa bình Minsk.
 
Từng là công cụ then chốt để Kiev chống lại lực lượng ly khai miền đông Ukraine nhưng nhóm Cánh Hữu giờ đây đang trở thành mối đe dọa lớn đối với chính quyền Kiev và cả với đất nước Ukraine, một tạp chí của Đức đã nhận định như vậy.
 
"Nhóm Cánh Hữu theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan đang đe dọa Kiev bằng một cuộc cách mạng Maidan mới, sự hỗn loạn và bạo lực đẫm máu mới", tạp chí Focus cho biết trong bài báo nhan đề “Diễu hành tới Kiev: Những người cực đoan Ukraine muốn lật đổ Poroshenko."


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc