NATO “hốt hoảng” triệu tập họp khẩn về an ninh

14:39, 28/07/2015
|

(VnMedia) - Đây mới chỉ là lần thứ 5 trong lịch sử 66 năm của mình, NATO sẽ tổ chức một cuộc họp khẩn để bàn về một mối đe doạ an ninh rất lớn.
 

Ảnh minh họa

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ


Các đại sứ NATO sẽ có phiên họp khẩn trong ngày hôm nay (28/7) để đánh giá về mối đe doạ mà nhóm khủng bố khét tiếng thế giới mang tên Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) gây ra đối với Thổ Nhĩ Kỳ cũng như những hành động gây tranh cãi mà chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đang áp dụng nhằm đáp trả IS.
 
Cuộc họp bất thường tại trụ sở NATO được triệu tập theo yêu cầu của phía Thổ Nhĩ Kỳ. Điều 4 trong Hiệp ước thành lập liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương – NATO đã quy định rõ ràng rằng, mỗi thành viên trong tổng số 28 thành viên của NATO có quyền yêu cầu liên minh này triệu tập một cuộc họp khẩn như vậy khi họ thấy “sự toàn vẹn lãnh thổ, độc lập chính trị và an ninh của mình” đang gặp nguy hiểm.
 
Cuộc họp khẩn của NATO diễn ra trong bối cảnh tình hình an ninh ở Thổ Nhĩ Kỳ đang “xấu đi một cách nghiêm trọng”, ông Bruno Lete – sĩ quan cấp cao chuyên về chính sách an ninh và đối ngoại thuộc Quỹ Marshall Đức – một tổ chức tư vấn của Brussels, cho hay.
 
"Sự nổi lên của nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng ở miền bắc Iraq và miền bắc Syria đã gây bất ổn ở khu vực biên giới phía nam Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, ở trong nước, mối đe doạ của chủ nghĩa khủng bố đã trở nên rất thật”, ông Lete cho hãng tin AP biết.
 
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg – người sẽ chủ trì cuộc họp kín, tiết lộ, Thổ Nhĩ Kỳ đã yêu cầu triệu tập cuộc họp sau khi xảy ra “những vụ tấn công khủng bố man rợ” gần đây, trong đó có vụ đánh bom tự sát của IS gần biên giới của Thổ Nhĩ Kỳ với Syria khiến 32 người thiệt mạng và một cuộc tấn công của IS vào lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ làm 1 binh lính mất mạng.
 
"Liên minh NATO theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình và đoàn kết với Thổ Nhĩ Kỳ”, Tổng thư ký NATO Stoltenberg cho biết khi thông báo về cuộc họp khẩn dự kiến diễn ra ngày hôm nay.
 
Theo ghi chép chính thức của NATO, hiện tại chỉ có 4 cuộc họp của NATO được tổ chức theo Điều khoản 4 kể từ khi liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu này được thành lập năm 1949.
 
Gần đây nhất, các đại sứ NATO tiến hành cuộc họp là vào tháng 3 năm 2014 theo yêu cầu của Ba Lan sau vụ Nga tiến hành sáp nhập bán đảo Crimea.
 
Hoang mang trước hành động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ
 
Sau nhiều tháng chần chừ, chiến đấu cơ của Thổ Nhĩ Kỳ hồi tuần trước bắt đầu tấn công vào những mục tiêu của IS ở Syria và bắt đầu thực hiện một thoả thuận được chờ đợi từ lâu, trong đó cho phép Mỹ phát động những cuộc tấn công riêng từ Căn cứ Không quân Incirlik có vị trí chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ.
 
Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ hôm qua cũng đã hoàn tất việc xây dựng kế hoạch cho một chiến dịch quân sự nhằm đánh đuổi nhóm IS ra khỏi một dải đất của Syria nằm dọc biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.
 
Tuy nhiên, trong một loạt cuộc tấn công xuyên biên giới kể từ hồi tháng Hai, Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ nhằm mục tiêu vào nhóm IS mà còn nhằm cả vào lực lượng chiến binh người Kurd có mối quan hệ với những lực lượng đang chống IS ở Syria và Iraq.
 
Người Kurd ở Syria là một trong những lực lượng mặt đất đang chiến đấu mạnh mẽ nhất và hiệu quả nhất trong cuộc chiến chống lại nhóm IS. Lực lượng này đã được hậu thuẫn bởi các cuộc không kích của Mỹ. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ lo sợ rằng, lực lượng người Kurd có thể nhân cơ hội này để phát động trở lại cuộc nổi dậy nhằm theo đuổi mục tiêu xây dựng một nhà nước độc lập.
 
Đảng Lao động người Kurd (PKK) đã chiến đấu chống lại Thổ Nhĩ Kỳ để đòi quyền tự trị cho người Kurd trong một cuộc xung đột kéo dài suốt từ năm 1984 và đã cướp đi sinh mạng của hàng chục nghìn người. Người Kurd là một nhóm dân tộc có ngôn ngữ riêng, sống ở một khu vực trải rộng từ Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay đến Iraq, Syria, Iran và Armenia.
 
Đối với một số thành viên NATO và giới quan sát độc lập, hiện vẫn chưa rõ là liệu mục tiêu số 1 của Thổ Nhĩ Kỳ có phải là IS hay là lực lượng người Kurd, ông Ian Kearns – Giám đốc của Mạng lưới Lãnh đạo Châu Âu – một nhóm tư vấn có trụ sở ở London, đã cho biết như vậy.
 
Hơn nữa, giới lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ “thực sự vẫn nghĩ rằng lực lượng người Kurd ở Syria là mối đe doạ lớn hơn đối với Thổ Nhĩ Kỳ” chứ không phải là nhóm IS, ông Kearns cho hay. Cũng theo vị chuyên gia này, các mục tiêu được lựa chọn trong các cuộc tấn công quân sự gần đây của Thổ Nhĩ Kỳ là lời xác nhận rõ ràng về những tính toán địa chính trị của nước này.
 
Ngày hôm qua, lực lượng người Kurd chính ở Syria và một nhóm hoạt động đã tố cáo rằng, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ bắn phá một ngôi làng ở Syria, gần biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ. Cuộc tấn công này là nhằm vào các chiến binh người Kurd.
 
Theo thông báo chính thức của NATO về cuộc họp ngày hôm nay của liên minh, một trong những lý do khiến Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu họp khẩn là để giải thích về “những biện pháp mà họ đang thực thi". Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu hôm qua đã cho các phóng viên biết, ông này sẽ nói rõ và chi tiết về những mối đe doạ an ninh mà nước ông đang phải đối mặt. “Chúng tôi mong chờ sự đoàn kết và ủng hộ từ các đồng minh trong NATO”, ông Cavusoglu nhấn mạnh.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc