EU qua mặt Mỹ làm lành với Nga?

07:06, 28/07/2015
|

(VnMedia) - Các nghị sĩ Châu Âu bao gồm cái gọi là nhóm Đối thoại mới với Nga sẽ đến thăm Moscow vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau, một nghị sĩ Italia thuộc nhóm Quốc hội Châu Âu Elisabetta Gardini hôm qua (27/7) đã tiết lộ như vậy.

 

Ảnh minh họa

Bà Gardini


Hồi cuối tháng 6, ông Nadine Morano – một cựu Bộ trưởng của Pháp và hiện là thành viên của Đảng UMP đã đề xuất thành lập một nhóm làm việc quốc tế trong Quốc hội Châu Âu để tiến hành các cuộc đối thoại mới mang tính xây dựng với Nga. Được đặt tên là Nhóm Đối thoại mới với Nga, nhóm này bao gồm 15 thành viên đến từ các nước Pháp, Italia, Anh, Đức và Bồ Đào Nha.

 

“Tôi tự tin rằng vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau, một phái đoàn gồm các nghị sĩ nổi bật của Quốc hội Châu Âu sẽ đến thăm Duma Quốc gia Nga (Quốc hội) và các đối tác trong chính phủ Nga”, bà Gardini cho biết.

 

Nữ nghị sĩ Gardini bày tỏ hy vọng, chuyến thăm nói trên sẽ đem đến sự thay đổi mang tính tích cực đối với quan hệ song phương giữa Nga và Liên minh Châu Âu (EU). Mối quan hệ này đang xấu đi trầm trọng vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine .

 

Hôm 23-24/7 vừa rồi, một phái đoàn gồm 10 nghị sĩ Pháp đã đến thăm bán đảo Crimea nằm ở Biển Đen. Bán đảo Crimea đã được sáp nhập vào Nga hồi tháng 3 năm ngoái và vụ việc này đã làm cho căng thẳng trong quan hệ giữa Nga với phương Tây leo thang trầm trọng. Trong chuyến thăm vừa rồi, phái đoàn nghị sĩ Pháp đã có cuộc gặp với giới chức địa phương bất chấp việc Bộ Ngoại giao Pháp tức giận miêu tả chuyến đi là một hành động vi phạm luật pháp quốc tế.

 

Ngày càng có nhiều thành viên của Quốc hội Châu Âu sẵn sàng tham gia vào nhóm Đối thoại mới với Nga – một nhóm không chính thức vừa được thành lập, nghị sĩ Elisabetta Gardini cho hay. Nhóm này được thành lập nhằm cải thiện quan hệ giữa Nga với phương Tây – đây là một mục đích đi ngược lại với chính sách hiện giờ của Mỹ và EU.

 

“Ngày càng có nhiều nghị sĩ trong Quốc hội Châu Âu tin rằng, cần phải tăng cường các cuộc đối thoại giữa Nga và EU. Vì vậy không có gì đáng ngạc nhiên khi nhiều thành viên đến từ các đảng phái chính trị khác nhau và từ các nước khác nhau muốn tham gia vào nhóm của chúng tôi để thúc đẩy đối thoại Nga-EU”, bà Gardini – người từng là phát ngôn viên của Forza Italia, cho hay.

 

Nhóm Đối thoại mới với Nga có đại diện đến từ các nước Châu Âu khác nhau và bao gồm các nghị sĩ có những quan điểm, lập trường chính trị khác nhau. Đây là điều rất quan trọng, Đại sứ Nga tại Liên minh Châu Âu – ông Vladimir Chizhov cho hãng tin Sputnik biết trong một cuộc trả lời phỏng vấn hồi tuần trước. Ông Chizhov miêu tả nhóm Đối thoại mới với Nga là một “dấu hiệu tốt lành” cho quan hệ giữa Nga và EU.

 

“Có tin đồn cho rằng, phái đoàn Nga-EU đến từ Quốc hội Châu Âu sẽ được thành lập lại một lần nữa và đây có thể là thành công đầu tiên của nhóm Đối thoại mới với Nga”, bà Gardini cho biết.

 

Mối quan hệ giữa Nga và Liên minh Châu Âu bắt đầu xấu đi trầm trọng từ năm 2014 sau khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine bùng lên. Mỹ cùng với Liên minh Châu Âu ra sức đổ lỗi cho Nga đã gây ra cuộc khủng hoảng ở nước láng giềng, kích động cuộc xung đột ở miền đông Ukraine . Dù Moscow kiên quyết bác bỏ những cáo buộc trên, Liên minh Châu Âu và Mỹ vẫn tung ra hàng loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga, trong đó có những đòn trừng phạt gây tổn thương sâu sắc đến nền kinh tế Nga. Đáp lại, Moscow cũng tung đòn trả đũa bằng cách áp dụng lệnh cấm vận nông sản, thực phẩm đối với tất cả các nước áp dụng chính sách trừng phạt với Nga. Kết quả là cả Nga và Liên minh Châu Âu đều phải hứng chịu tổn thất nặng nề từ “cuộc chiến” trừng phạt nói trên.

 

Italia – một đối tác truyền thống của Nga không thể tiếp tục theo đuổi chính sách của EU để phá hỏng mối quan hệ với Moscow, thành viên Italia của Quốc hội Châu Âu đã thẳng thắn cho biết như vậy.

 

“Mối quan hệ giữa Italia và Nga luôn luôn rất đặc biệt không chỉ vì những lợi ích kinh tế chung mà còn bởi vì nhiều lý do văn hóa. Sự trao đổi về du lịch với hàng ngàn người Nga đến thăm Italia và ngược lại cũng như tầm quan trọng của Nga trong văn hóa của chúng tôi là hai trong số nhiều điều thể hiện mối quan hệ gắn kết giữa hai nước chúng tôi chặt chẽ như thế nào”, bà Gardini nhấn mạnh.

 

“Vì tất cả những lý do trên, chúng tôi không thể cho phép mình cô lập Nga cũng như khiến mối quan hệ giữa chúng tôi bị xa cách”, nữ nghị sĩ Italia khẳng định.

 

Những phát biểu trên của bà Gardini không chỉ phản ánh sự thay đổi lập trường của Italia mà cả nhiều nước thành viên khác thuộc Liên minh Châu Âu. Thấm đòn đau từ cuộc chiến trừng phạt Nga, ngày càng có nhiều nước EU đang muốn khôi phục lại quan hệ với Nga.

 

Tuy nhiên, không rõ là các nước EU có thể vượt qua được sức ép, áp lực từ Mỹ để khôi phục lại quan hệ với Nga hay không. Mới đây, EU đã quyết định kéo dài thời hạn trừng phạt Nga thêm 6 tháng. Đáp lại, Nga tung đòn trả đũa “gấp đôi” bằng việc kéo dài thời hạn áp dụng đòn trừng phạt của chính họ nhằm vào các nước đối thủ thêm 1 năm.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc