Bị NATO “đánh thọc sườn”, Nga phản công

17:13, 27/07/2015
|

(VnMedia) - Nga vừa vạch ra một chiến lược hải quân mới, trong đó có một loạt “đòn phản công” nhằm vào sự bành trướng được Moscow miêu tả là “không thể chấp nhận được” của Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương.
 

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa


Theo học thuyết hải quân mới nhất vừa được Nga sửa đổi và công bố, Moscow đang hướng tới mục tiêu tăng cường các cứ điểm chiến lược của Lực lượng Hải quân ở Biển Đen và tìm cách duy trì sự hiện diện quân sự ở Địa Trung Hải và Đại Tây Dương. Học thuyết này được tuyên bố sửa đổi vì sự bành trướng “không thể chấp nhận được” của NATO, cụ thể ở đây là “sự bành trướng về hướng đông” của liên minh quân sự phương Tây. Đây rõ ràng là “đòn đánh thọc sườn” nhằm vào Nga.
 
Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin cho biết, Tổng thống Vladimir Putin đã phê chuẩn học thuyết hải quân mới - một học thuyết được xây dựng xuất phát từ “sự bành trướng về hướng đông” của NATO. Ông này cũng nói thêm rằng, học thuyết mới tập trung vào sự hiện diện hải quân của Nga ở bán đảo Crimea và Đại Tây Dương.
 
Nguyên nhân dẫn đến việc Nga thông qua những sửa đổi cho học thuyết hàng hải năm 2001 là do “hàng loạt thay đổi trong các vấn đề quốc tế” và do Nga đang củng cố vị thế như một cường quốc hàng hải, ông Rogozin đã nói như vậy tại một cuộc họp với giới lãnh đạo quân sự hàng đầu của Nga ngay trên con tàu khu trục mang tên Đô đốc Gorshkov ở Baltyisk vào ngày hôm qua (26/7).
 
Bản học thuyết sửa đổi được công bố ngày hôm qua đã nhấn mạnh đến sự hiện diện hải quân của Nga ở Đại Tây Dương và Bắc Cực, ông Rogozin cho hay. “Sự chú ý vào Đại Tây Dương xuất phát từ sự phát triển mạnh mẽ của NATO và từ việc liên minh này ngày càng lấn sát vào các đường biên giới của chúng tôi”, ông Rogozin giải thích.
 
“Trọng tâm thứ hai là bản đảo Crimea và Sevastopol – hai khu vực vừa được sáp nhập vào Nga. Và tất nhiên, chúng ta phải xây dựng lại sự hiện diện của hạm đội của chúng ta ở Địa Trung Hải”, Phó Thủ tướng Nga nhấn mạnh.
 
Ông Rogozin cũng nêu bật tầm quan trọng đối với vai trò của Nga ở Bắc Cực cũng như “tầm quan trọng ngày càng tăng của tuyến đường biển phía Bắc”. Vì tầm quan trọng này mà Nga cần phải nâng cấp hạm đội tàu phá băng chạy bằng năng lượng hạt nhân.
 
Theo lời ông Rogozin, Nga đã bắt đầu xây dựng một hạm đội tàu phá băng chạy bằng năng lượng hạt nhân mới. 3 con tàu mới loại này sẽ bắt đầu được đưa vào hoạt động lần lượt trong các năm 2017, 2019, 2020.
 
“Ngoài ra, đối với Nga, Bắc Cực giúp đem lại sự tiếp cận dễ dàng, không giới hạn với biển Đại Tây Dương và Thái Bình Dương. Tất nhiên, chính sự giàu có, phong phú của thềm lục địa ở nơi đây đòi hỏi Nga phải có sự chú ý cao để phát triển lợi ích ở khu vực”.
 
Học thuyết Hàng hải mới của Nga đề cập đến 4 chức năng và 6 khu vực. Bốn chức năng bao gồm hoạt động hải quân, vận tải đường biển, khoa học hàng hải và phát triển các nguồn lực khoáng sản. Sáu khu vực bao gồm Đại Tây Dương, Bắc Cực, Thái Bình Dương, Biển Caspian, Ấn Độ Dương và Nam Cực.
 
Tổng thống Putin đã thông qua bản sửa đổi chiến lược hàng hải trong ngày hôm qua ở Baltyisk – nơi ông tham gia vào các sự kiện để chào mừng Ngày Hải quân của Nga. Ông chủ điện Kremlin miêu tả những sửa đổi trong bản học thuyết hàng hải mới là “một sự kiện mang tính bước ngoặt vì tương lai của Hải quân”.
 
Theo lời ông Putin, đây là lần đầu tiên học thuyết hàng hải có bao gồm cả những vấn đề liên quan đến xã hội đơn thuần như y tế hàng hải, các biện pháp chăm sóc, tăng cường sức khỏe cho thủy thủ, các chuyên gia của lĩnh vực hải quân. “Điều này thực sự rất quan trọng. Mọi người phải chắc chắn rằng, trong chiến lược hàng hải mới nhằm phát triển Hải quân và các lĩnh vực liên quan đến Hải quân, Nhà nước không bao giờ được quên đi các yếu tố, lĩnh vực xã hội và cần phải thực hiện những gì mọi người mong chờ khi họ phục vụ đóng góp cho một lĩnh vực quan trọng và cực kỳ khó khăn”, Tổng thống Putin nhấn mạnh.
 
Những nội dung sửa đổi trong học thuyết hải quân mới của Nga phản ánh rõ nét mối quan hệ đang xấu đi giữa nước này với phương Tây.
 
NATO được xem là một mối đe dọa lớn đối với Nga trong bản học thuyết mới của Nga bởi học thuyết này nhấn mạnh “đặc điểm không thể chấp nhận được của những kế hoạch của NATO trong việc đưa vũ khí quân sự đến sát biên giới Nga. Vì thế, Nga buộc phải đáp trả bằng việc đặt mục tiêu “phát triển cơ sở hạ tầng” cho các hạm đội của họ ở Biển Đen và Crimea.
 
Những thay đổi trong học thuyết quân sự mới của Nga cũng cho thấy Moscow đặc biện chú ý tăng cường tiềm lực của hải quân ở Bắc Cực và Đại Tây Dương để đối phó với NATO.
 
Mối quan hệ giữa Nga và NATO đang rơi vào một cuộc đối đầu nghiêm trọng nhất từ trước đến nay kể từ khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine bùng phát. Sau khi Nga tiến hành sáp nhập bán đảo Crimea, NATO đã tuyên bố cắt đứt mối quan hệ với Moscow. Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương ra sức cáo buộc Nga can thiệp vào tình hình ở Ukraine. Bất chấp việc Nga kiên quyết bác bỏ cáo buộc trên, NATO vẫn đẩy mạnh sự hiện diện quân sự của mình tại các quốc gia nằm sát biên giới với Nga như Ba Lan, một số quốc gia vùng Baltic thuộc Liên xô cũ như Latvia, Lithuania và Estonia.
 
Việc NATO tiến sát đến biên giới Nga đi ngược lại những cam kết mà liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương đưa ra trong Dự luật Nga-NATO. Dự luật này quy định liên minh quân sự phương Tây không được phép triển khai một số lượng binh lính đáng kể đến lãnh thổ của các nước thành viên NATO mới nằm sát Nga. Những bước đi của NATO khiến Nga không thể ngồi yên.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc