Vì Nga, nội bộ Pháp rối ren

19:36, 25/07/2015
|

(VnMedia) - " Chuyến thăm gần đây của một đoàn nghị sĩ Pháp đến Nga, cùng hàng loạt những phát biểu thể hiện sự ủng hộ dành cho Nga đã cho thấy dấu hiệu về một phương pháp tiến cận mang tính xây dựng của Paris trong việc tăng cường mối quan hệ Nga-Pháp", Chủ tịch Hạ viện Nga Sergei Naryshkin mới đây cho biết.  
 

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa


Ông Naryshkin đã có cuộc gặp với phái đoàn nghị sĩ Pháp do ông Thierry Mariani dẫn đầu. Nhóm nghị sĩ Pháp đã đến thăm bán đảo Crimea và có cuộc gặp với hàng loạt quan chức ở Yalta, Sevastopol và Simferopol.
 
"Tôi coi chuyến thăm của các nghị sĩ Pháp đến đất nước chúng tôi là một bằng chứng cho thấy phương pháp tiếp cận mang tính xây dựng - ít nhất là trong giới chính khách hàng đầu Pháp – đối với việc tăng cường mối quan hệ với Nga và thiết lập cơ chế đối thoại chính trị vì quyền lợi của mối quan hệ song phương", Chủ tịch Hạ viện Nga cho biết.
 
Đoàn nghị sĩ Pháp cho biết, họ quyết định đến thăm Crimea để tìm hiểu xem chuyện gì đang thực sự xảy ra trên bán đảo xinh đẹp ở Biển Đen. Cả chính phủ Pháp và chính phủ Ukraine đều lên án vụ sáp nhập, coi đó là một hành động vi phạm luật quốc tế.
 
Tuy nhiên, đoàn nghị sĩ Pháp đã lên tiếng bảo vệ quyết định của Tổng thống Putin trong việc sáp nhập bán đảo Crimea đồng thời không ngần ngại chỉ trích chính phủ ở Paris.
 
Nghị sĩ Pháp Nicolas Dhuicq cho rằng Pháp đang theo đuổi các đường lối chính sách đối ngoại do Mỹ chỉ đạo, đặc biệt là đối với Nga. Ông Dhuicq chỉ ra rằng, việc Nga tiến hành vụ sáp nhập bán đảo Crimea là nhằm để ngăn không cho khu vực này bị lôi vào một cuộc nội chiến.
 
"Tất cả chúng tôi đều nghĩ rằng Crimea là của Nga. Đây là nơi người dân chính thống Nga sống. Vì thế, chúng tôi tin rằng, Tổng thống Nga đã làm việc phải làm, đó là bảo vệ người dân trước một cuộc nội chiến có thể xảy ra”, ông Dhuicq thẳng thắn cho biết.
 
Vị nghị sĩ người Pháp nói thêm rằng, một cuộc chiến ở Crimea là kịch bản có thể xảy ra do ảnh hưởng mà các lực lượng cực hữu có được trong chính phủ Ukraine, trong đó có nhóm Cánh Hữu theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan.
 
“Nếu bán đảo Crimea không được sáp nhập trở lại Nga, chúng ta có thể đã phải chứng kiến một cuộc nội chiến ở đó với những thành phần cực đoan trong chính phủ Ukraine”, ông Dhuicq nói.
 
Bán đảo Crimea đã chính thức trở thành một phần của nước Nga sau khi Tổng thống Putin ký sắc lệnh hoàn tất tiến trình sáp nhập hồi tháng 3 năm ngoái. Việc Crimea sáp nhập vào Nga xuất phát từ nguyên nhân là một cuộc đảo chính vũ trang ở Kiev, trong đó Tổng thống Viktor Yanukovich bị lật đổ. Crimea - một bán đảo tự trị thuộc Ukraine, đã từ chối không thừa nhận tính hợp pháp của chính phủ lâm thời mới ở Kiev . Chính vì thế, Crimea đã tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý để quyết định tương lai của họ với Ukraine và Nga. Kết quả cuộc trưng cầu dân ý cho thấy, hơn 96% người dân trên bán đảo Crimea lựa chọn ly khai khỏi Ukraine và sáp nhập trở lại Nga - nơi họ vẫn luôn coi là “mái nhà” của mình.
 
Sự kiện Nga sáp nhập bán đảo nhận được sự ủng hộ rộng khắp của người dân xứ sở Bạch Dương nhưng lại bị Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) ra sức phản đối bất chấp thực tế là có đến hơn 96% người dân Crimea muốn điều đó. Mỹ và EU đã tung ra một loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga vì vụ sáp nhập nói trên.
 
Nghị sĩ Pháp Dhuicq chỉ ra rằng, Ngoại trưởng Laurent Fabius đã nhắm mắt theo đuổi chính sách đối ngoại do Mỹ chỉ đạo mà không chịu tập trung vào các dữ liệu lịch sử cũng như mối quan hệ truyền thống giữa hai quốc gia Nga, Pháp.
 
“Ngoại trưởng Pháp chỉ răm rắp tuân theo những đường lối chung do Mỹ chỉ đạo và trong lúc này, chúng ta hoàn toàn không có một chính sách đối ngoại độc lập thực sự của Pháp. Ngoại trưởng Pháp không hiểu biết lịch sử và rất ít người biết lịch sử giữa Nga và Ukraine”, ông Dhuicq nói.
 
Theo nghị sĩ Pháp, một số chính khách Pháp đã quên lịch sử cuộc Chiến tranh Thế giới thứ II và thực tế rằng Nga đã giúp giải phóng Châu Âu, góp phần khôi phục lại hòa bình cho toàn bộ khu vực.
 
“Chúng ta không còn có những chính khách hiểu biết lịch sử và họ đã quên lịch sử thế chiến II và thực tế về việc đất nước Nga đã mất 26 triệu dân để chúng ta có thể được tự do. Họ (giới chức Pháp) bị ám ảnh bởi Đế quốc Mỹ và họ không muốn có sự tự do. "Chúng ta, Pháp, có quyền nói không, chúng ta có quyền nghĩ rằng thế giới sẽ tốt đẹp hơn khi bao gồm nhiều cường quốc khác nhau chứ không phải là một cường quốc”, ông Dhuicq nhấn mạnh.
 
Chuyến thăm của đoàn nghị sĩ Pháp đến Crimea đã phơi bày sự chia rẽ, mâu thuẫn trong nội bộ nước Pháp vì chính sách với Nga. Paris lên án chuyến thăm của đoàn nghị sĩ Pháp. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Pháp Romain Nadal cáo buộc, chuyến thăm của phái đoàn nghị sĩ Pháp vi phạm luật quốc tế.
 
Trước đó, các nghị sĩ Pháp cũng thẳng thừng chỉ trích quyết định không bàn giao tàu chiến lớp Mistral cho Nga của chính phủ Pháp. Nghị sĩ Jacques Myard cho rằng, việc Pháp đơn phương hủy bỏ hợp đồng tàu chiến lớp Mistral với Nga là một sai lầm nghiêm trọng. Ông này cũng tin rằng, chính phủ Pháp bị buộc phải lạnh lùng ra tay với Nga vì áp lực của Mỹ và vì để thể hiện sự đoàn kết với các nước Châu Âu khác.
 
Không chỉ giới nghị sĩ Pháp, nhiều chính khách, người dân Pháp cũng lên tiếng phản đối chính sách trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga.


Vân Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc