(VnMedia) - Cuộc khủng hoảng nợ của Hy Lạp đã chứng kiến một cuộc đối đầu đầy bất ngờ giữa hai cường quốc hàng đầu trong Liên minh Châu Âu - Pháp và Đức.
Thủ tướng Đức (bên trái) và Tổng thống Pháp trong cuộc gặp ngày 6/6 |
Trên “mặt trận” giải quyết cuộc khủng hoảng mang tên Hy Lạp, mối quan hệ đối tác giữa Berlin và Paris đã biến thành một cuộc đối đầu công khai khi Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande chia rẽ sâu sắc về việc sẽ cần phải đi bao xa để giữ cho Hy Lạp tiếp tục ở lại khu vực đồng tiền chung euro.
Trong khi Đức đã định hình rõ ràng về khả năng Hy Lạp rút ra khỏi khu vực đồng tiền chung euro thì Pháp lại muốn tránh kịch bản này bằng mọi giá.
"Sẽ không cần phải đạt được một thoả thuận bằng mọi giá”, bà Merkel hôm qua (12/7) đã tuyên bố đầy sắc lạnh như vậy trước khi bà lên đường đến tham dự hội nghị thượng đỉnh khu vực đồng tiền chung euro. Phát biểu của bà Merkel đã thể hiện rõ một lập trường cứng rắn của Đức trong cuộc đàm phán về gói cứu trợ tài chính giữa Hy Lạp với các thành viên khác trong khu vực đồng tiền chung euro.
Nữ Thủ tướng Đức Merkel đã nói đến sự thiếu tin tưởng rất sâu sắc của khu vực với chính phủ theo đường lối cánh tả cứng rắn ở Athens đồng thời cảnh báo về “những cuộc đàm phán khó khăn” ở phía trước.
Chính quyền của Thủ tướng Merkel còn không ngại ngần đưa ra đề xuất để Hy Lạp tạm thời rút ra khỏi khu vực đồng tiền chung euro trong thời gian 5 năm.
Rất nhanh sau đó, phía Pháp đã có phản ứng, đưa ra lập trường đối ngược với Đứ. Tổng thống Pháp Hollande bác bỏ thẳng thừng kế hoạch để Hy Lạp tạm thời rút ra khỏi khu vực đồng tiền chung euro mà Berlin đề xuất lên.
"Có Hy Lạp trong khu vực đồng euro hay Hy Lạp sẽ không còn trong khu vực này. Tuy nhiên, ở thời điểm này, nếu để Hy Lạp rút ra thì đó là Châu Âu đang tự rút lui và tôi không muốn điều đó”, Tổng thống Hollande phát biểu đồng thời nhắc lại lập trường của Paris rằng Pháp sẽ làm “tất cả mọi điều” để đạt được thoả thuận nhằm giữ cho Hy Lạp tiếp tục ở lại trong khu vực đồng euro.
Sự mâu thuẫn, bất đồng sâu sắc giữa hai nhà lãnh đạo Merkel và Hollande đã ngày càng bị khoét sâu kể từ khi Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras bất ngờ đưa ra thông báo tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý hôm 5/7. Theo đó, đa số cử tri Hy Lạp bác bỏ mạnh mẽ những yêu cầu của các chủ nợ đòi họ phải tăng cường thắt lưng buộc bụng.
Kể từ sau cuộc trưng cầu dân ý nói trên, Đức đã áp dụng một lập trường cứng rắn hơn, quyết liệt hơn trong các cuộc đàm phán với Athens trong nỗ lực của nước này nhằm đạt được gói cứu trợ tài chính mới từ Liên minh Châu Âu (EU).
Sự bất đồng giữa Pháp và Đức hiện giờ còn phát triển thành một đường hướng theo đó Thủ tướng Merkel tập trung vào việc yêu cầu Hy Lạp phải tôn trọng các quy định, luật lệ của khu vực đồng tiền chung euro trong khi Pháp lại kêu gọi thoả hiệp và “sự đoàn kết” trong Châu Âu. Tuy nhiên, cả Paris và Belin vẫn kêu gọi hướng tới mục tiêu đạt được thoả thuận với Athens.
Mâu thuẫn hiện tại giữa Pháp và Đức – hai nước nằm trong số những nước có ảnh hưởng rất lớn đến các chính sách, dự án của Châu Âu, đang gây ra những quan ngại ở tầm rộng hơn.
"Nếu Đức có tham vọng loại bỏ Hy Lạp ra khỏi khu vực đồng euro thì điều đó sẽ dễ dẫn đến một cuộc xung đột sâu sắc hơn với Pháp. Điều đó sẽ là một thảm hoạ đối với Châu Âu”, Ngoại trưởng Luxembourg Jean Asselborn cho biết trong một cuộc trả lời phỏng vấn được đăng tải trên tờ nhật báo Sueddeutsche Zeitung của Đức trong ngày hôm nay (12/7).
“Kẻ gây rối”
Ở trong nước, Tổng thống Pháp Hollande và Thủ tướng Đức Merkel đang đối mặt với hoàn cảnh chính trị khác nhau.
Tổng thống Holland với uy tín thấp đang tìm cách dẫn đầu các nỗ lực nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng Hy Lạp nhằm đánh bóng cho uy tín chính trị của ông này 2 năm trước khi nhiệm kỳ của ông kết thúc.
Tuy nhiên, trong hai tuần vừa qua, Nhà lãnh đạo Pháp đã phải đối mặt với sự chỉ trích không chỉ từ các thành phần đối lập cáo buộc ông làm hỏng mối quan hệ giữa Pháp và Đức mà ông này còn bị lực lượng cánh tả cực đoan phê phán vì có lập trường nhân nhượng, mềm yếu trước Berlin.
Cựu Ngoại trưởng Pháp Francois Fillon cáo buộc Tổng thống Hollande "đóng vai kẻ gây rối khi tỏ thái độ nghiêm khắc với người bạn Angela Merkel nhưng đằng sau lại nuông chiều Alexis Tsipras" trong một nỗ lực nhằm che giấu “những thất bại kinh tế, tài chính xã hội của ông ta”.
"Chúng ta cần Tổng thống Hollande phải hành động thống nhất và khôi phục tình đoàn kết với Thủ tướng Đức Angela Merkel", cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy cũng có mặt ở Brussels để tham gia cuộc họp của Đảng Nhân dân Châu Âu (EPP) đã nói như vậy.
Ông Sarkozy cáo buộc người kế nhiệm và cũng là đối thủ của ông về việc đã chìa ra “một tấm ngân phiếu mà không đưa ra điều kiện gì” cho Thủ tướng Hy Lạp Tsipras.
Không giống như Tổng thống Hollande, Thủ tướng Merkel phải đối mặt với ít nguy cơ hơn. Bà Merkel phải đối mặt với áp lực buộc bà phải thể hiện lập trường cứng rắn đối với Hy Lạp. Nhà lãnh đạo Đức đang phải đối mặt với sự chỉ trích dữ dội từ người dân Hy Lạp về lập trường cứng rắn. Nhiều người Hy Lạp tin rằng Đức đang muốn hạ nhục họ bằng các điều kiện khó khăn hơn, hà khắc hơn để đổi lấy gói viện trợ tài chính.
Vân Linh -
(tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc