“Cuộc chiến” Biển Đông chính thức bắt đầu

14:51, 08/07/2015
|

(VnMedia) - “Cuộc chiến” pháp lý ở Biển Đông đã chính thức bắt đầu trong ngày hôm qua (7/7) khi vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc về tranh chấp ở Biển Đông được đưa ra xét xử tại toà án quốc tế.
 

Ảnh minh họa

Ảnh minh hoạ


Tại phiên toà kín diễn ra ngày hôm qua, Manila đã đưa ra lý lẽ rằng, toà án quốc tế nên can thiệp vào cuộc tranh chấp giữa nước họ với Trung Quốc liên quan đến quyền khai thác các nguồn lực tự nhiên và hải sản ở Biển Đông.
 
Mặc dù Trung Quốc từ chối tham gia nhưng vụ kiện của Philippines tại toà án quốc tế ở The Hague đang được theo dõi chặt chẽ bởi các chính phủ Châu Á và Washington. Vụ việc này khiến căng thẳng trong khu vực gia tăng.
 
Một hội đồng gồm 5 thẩm phán tuần này sẽ lắng nghe các lập luận, lý lẽ của Philippines và sẽ đưa ra quyết định về việc liệu toà án dựa vào Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển có thẩm quyền giải quyết vụ việc hay không.
 
Manila đã chính thức phát đơn kiện nước láng giềng Trung Quốc lên toà án quốc tế hồi năm 2013 để tìm kiếm quyền được khai thác ở những vùng biển thuộc phạm vi “vùng đặc quyền kinh tế” 200 hải lý của nước này như được quy định theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển.
 
Philippines tin rằng, toà án trọng tài là nơi thích hợp để giải quyết cuộc tranh chấp có liên quan đến Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển. Đây là công ước mà cả Manila và Bắc Kinh đều đã ký kết tham gia.
 
"Manila tin rằng, toà án trọng tài quốc tế có thẩm quyền giải quyết tất cả những vấn đề mà họ đưa ra trong vụ kiện”, luật sư Paul Reichler đại diện cho phía Philippines cho biết.
 
Cũng theo ông Reichler, ông này tin tưởng rằng, toà án cuối cùng sẽ ra phán quyết có lợi cho Manila.
 
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hua Chunying tuyên bố, Bắc Kinh không chấp nhận phán quyết của toà án và sẽ không tham gia vào vụ kiện này. "Trung Quốc phản đối bất kỳ hình thức giải quyết bằng tiến trình pháp lý nào mà Philippines đề xuất và thực hiện”, bà Hua gay gắt cho biết tại cuộc họp báo định kỳ diễn ra ngày hôm qua ở thủ đô Bắc Kinh.
 
Trong một văn bản bày tỏ lập trường được đưa ra hồi tháng 12 năm ngoái, Trung Quốc đã lập luận rằng, cuộc tranh chấp ở Biển Đông giữa họ với Philippines không thuộc phạm vi giải quyết của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển mà hoàn toàn là vấn đề thuộc chủ quyền, không thuộc quyền khai thác.
 
Trong khi phiên toà diễn ra kín, không để mở đối với công chúng thì toà án cho biết trong một tuyên bố rằng họ cho phép các phái đoàn nhỏ đến từ các nước như Việt Nam, Malaysia, Nhật Bản, Indonesia và Thái Lan đến tham dự với tư cách quan sát viên sau khi toà án nhận được lời đề nghị từ những nước nói trên.
 
Manila cáo buộc Trung Quốc đã ngăn cản một cách phi lý việc Philippines tiếp cận với các bãi đá và bãi cạn thuộc quyền quản lý của quốc gia Đông Nam Á này ở Biển Đông.
 
Luật sư Reichler cho hay, vụ xét xử của toà án quốc tế có thể tiếp tục thậm chí nếu Trung Quốc từ chối tham gia. Các phán quyết của toà án có tính ràng buộc mặc dù toà án không có quyền bắt các nước khác thực hiện theo phán quyết của mình. Trong quá khứ, đã có những nước phớt lờ phán quyết của toà án quốc tế.
 
Ông Reichler từ chối thảo luận về chi tiết của những luận cứ và lý lẽ mà Philippines đưa ra ngày hôm qua tại phiên toà trong vụ kiện Trung Quốc. Toà án cũng không đưa ra lời bình luận gì về tiến trình pháp lý nói trên.
 
Luật sư Reichler cho biết, ông mong đợi quyết định về thẩm quyền của toà án sẽ được đưa ra trong vòng 90 ngày. Trong khi đó, để đưa ra được phán quyết về vụ kiện có thể sẽ phải mất nhiều năm.
 
Biển Đông đang là nơi chứng kiến những cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải gay gắt giữa Trung Quốc với 4 quốc gia Đông Nam Á gồm Philippines, Việt Nam, Brunei, Malaysia, và Vùng lãnh thổ Đài Loan.
 
Biển Đông là một trong những vùng biển quan trọng nhất thế giới bởi nó chứa các tuyến đường hàng hải sống còn. Đồng thời Biển Đông còn được cho là chứa đựng một trữ lượng tài nguyên thiên nhiên hấp dẫn, đặc biệt là dầu mỏ. Chính vì thế, Trung Quốc có tham vọng độc chiếm Biển Đông. Trong những năm gần đây, Trung Quốc có nhiều hành động quyết liệt và hung hăng nhằm thực hiện giành quyền kiểm soát gần như toàn bộ Biển Đông.
 
Manila bắt đầu ra đòn pháp lý với Trung Quốc ở Biển Đông sau khi hai nước xảy ra một cuộc tranh chấp nóng bỏng ở bãi cạn Scarborough. Bãi cạn Scarborough nằm cách đảo chính Luzon của Philippines chỉ khoảng 230km. Trong khi đó, khu vực đất liền gần nhất của Trung Quốc là tỉnh Hải Nam cũng cách bãi cạn Scarborough đến 1.200km. Bãi cạn này là nơi chứng kiến cuộc đối đầu vô cùng căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc được châm ngòi từ một vụ va chạm giữa tàu chiến lớn nhất của Philippines với hai tàu hải giám Trung Quốc hồi tháng 4 năm 2012.
 
Sau vụ va chạm trên, Trung Quốc trên thực tế đã chiếm quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough vốn là ngư trường đánh cá truyền thống của Philippines.
 
Trước diễn biến trên, vào tháng 1 năm 2013, Manila đã quyết định đưa vụ tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông ra tòa án quốc tế với lý do họ đã “dùng mọi biện pháp hòa bình” có thể để giải quyết tranh chấp với Bắc Kinh nhưng không có tác dụng.
 
Bắc Kinh luôn chủ trương giải quyết các cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải ở Biển Đông trong khuôn khổ song phương, với từng nước một để dễ bề gây sức ép với các nước nhỏ hơn. Hành động quốc tế hóa cuộc tranh chấp ở Biển Đông của phía Manila đương nhiên không được Trung Quốc chấp nhận. Bắc Kinh đã tìm mọi cách để ngăn chặn vụ kiện của Philippines nhưng không thành công.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc