Pháp quyết “bỏ” Nga, chạy sang “cầu cứu” Mỹ

21:18, 07/07/2015
|

(VnMedia) - Pháp đã quyết định không bàn giao hai siêu tàu chiến lớp Mistral cho Nga và quay sang “cầu cứu” Mỹ với mong muốn cường quốc số 1 thế giới sẽ giang tay cứu Paris bằng việc mua lại hai chiếc tàu chiến tối tân, đắt đỏ nói trên. Tuy nhiên, câu trả lời mà Pháp nhận được có phần phũ phàng.

 

Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian mới đây tuyên bố, Paris đã quyết định không bàn giao hai tàu chiến lớp Mistral cho Nga bất chấp việc họ nhận thức rõ rằng điều này đồng nghĩa với việc Pháp sẽ phải trả lại tiền thanh toán của Nga cũng như phải bồi thường cho Nga vì đã tự ý đơn phương hủy bỏ hợp đồng.

 

Thông tin trên được Bộ trưởng Le Drian đưa ra ngày hôm qua (6/7) trong khi ông này có bài phát biểu trước giới chuyên gia và phóng viên báo chí ở thủ đô Washington .

 

Ông Le Drian cũng cho biết, chính phủ Pháp đang tìm kiếm một đối tác để mua lại hai chiếc tàu chiến, thừa nhận rằng đây không phải là một công việc dễ dàng.

 

“Tôi sẽ rất vui nếu chính phủ Mỹ mua lại những chiếc tàu chiến lớp Mistral”, vị quan chức quốc phòng cấp cao của Pháp đã nói như vậy. Tuy nhiên, ông này nhấn mạnh, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter “không nói ông ấy muốn mua lại những chiếc tàu chiến lớp Mistral".

 

Washington không cho thấy bất kỳ dấu hiệu nào chứng tỏ họ sẽ mua lại những chiếc tàu chiến lớp Mistral từ Pháp, ông Le Drian thừa nhận.

 

Paris đã phải hủy hợp đồng bán tàu chiến lớp Mistral cho Moscow dưới sức ép mạnh mẽ của phương Tây, đặc biệt là Mỹ. Quyết định này được đưa ra vô cùng khó khăn. Chính vì thế, ông Le Drian miêu tả việc họ quyết định hủy hợp đồng với Nga là hành động “dũng cảm” và là một “sự lựa chọn chiến lược”.

 

“Hiện tại, không ai nói về những chiếc tàu chiến lớp Mistral và hợp đồng đó khiến chúng tôi mất 1,2 tỉ euro trong bối cảnh tình hình kinh tế của Pháp vốn đã đang khó khăn”, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp cho hay.

 

Vì phương Tây, Pháp bị dồn vào thế khó, phải hứng chịu hậu quả nặng nề nhưng đổi lại họ có nhận được sự giúp đỡ từ phương Tây hay không? Câu trả lời hiện tại là không. Khi được hỏi liệu hai chiếc tàu Mistral có thể kết thúc ở các cảng của Mỹ hay không, Bộ trưởng Le Drian đã nói đùa rằng: “Nếu chúng tôi có thể thỏa thuận về giá thì tại sao không?”

 

Tuy nhiên, trên thực tế, dù đặt hy vọng vào phía Mỹ nhưng ông Le Drian đã biết rõ câu trả lời của giới chức Washington .

 

Về phương án bán lại cho Trung Quốc như các nguồn tin báo chí rộ lên trong thời gian qua, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp cũng đã lên tiếng bác bỏ. Ông Le Drian hôm qua khẳng định, sẽ không có chuyện Pháp bán vũ khí cho Trung Quốc

 

“Hiện đang có lệnh cấm vận vũ khí đối với Trung Quốc và chúng tôi sẽ tôn trọng lệnh cấm vận này”, ông Le Drian đã nói như vậy với hãng tin VOA.

 

Pháp là một trong những thành viên của Liên minh Châu Âu đang thực thi lệnh cấm vận vũ khí với Trung Quốc. Đây là lệnh cấm vận đã được thực hiện từ sau khi Bắc Kinh bị cáo buộc thực hiện cuộc đàn áp sinh viên ở Quảng trường Thiên An Môn hôm 4/6/1989.

 

Hồi tháng 5 vừa rồi, Pháp đã từng đưa tàu chiến lớp Mistral đến Trung Quốc để tham gia vào cuộc tập trận hàng hải chung với Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa. Sự kiện này làm dấy lên tin đồn về việc Pháp đang cân nhắc khả năng bán lại hai chiếc siêu tàu chiến lớp Mistral cho Trung Quốc.

 

Ngay lập tức, Lầu Năm Góc lên tiếng bày tỏ quan ngại về viễn cảnh Paris bán lại những chiếc siêu tàu chiến lớp Mistral cho Trung Quốc. Đây là điều mà Mỹ còn sợ hơn là việc Nga có trong tay tàu Mistral.

 

Mặc dù không trợ giúp Pháp trong vấn đề khó khăn liên quan đến siêu tàu Mistral nhưng Mỹ đã có hành động an ủi đồng minh khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Carter hôm qua đã gọi Pháp là một trong những đồng minh mạnh nhất của Mỹ. “Đây là mối quan hệ tốt nhất trong những mối quan hệ quốc phòng mà chúng tôi có. Mối quan hệ này đã tồn tại trong thời gian rất dài và có thể là mãi mãi”, ông Carter đã nói như vậy.

 

Nga đã ký hợp đồng mua 2 siêu tàu chiến lớp Mistral của Pháp với trị giá 1,2 tỉ euro (1,5 tỉ USD) từ hồi tháng 6 năm 2011. Theo hợp đồng, Pháp phải bàn giao chiếc tàu chiến đầu tiên được đặt tên là Vladivostok cho Nga vào ngày 14/11 năm ngoái trong khi chiếc thứ hai mang tên Sevastopol sẽ được bàn giao vào mùa thu năm nay. Tuy nhiên, thời hạn bàn giao siêu tàu chiến lớp Mistral đầu tiên cho Nga đã qua đi nhiều tháng mà Pháp vẫn không thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng của mình. Lý do của sự trì hoãn này là cuộc khủng hoảng ở Ukraine .

 

Bản thân Pháp không hề muốn hủy bỏ hợp đồng bán tàu chiến Mistral cho Nga nhưng dưới sức ép quyết liệt của các đồng minh phương Tây, Paris buộc phải từ bỏ. Mỹ từng thừa nhận đã gây áp lực để Paris phải “bội ước” với Nga.

 

Trong trường hợp Pháp tự ý hủy hợp đồng thì đương nhiên nước này phải chấp nhận thanh toán một khoản tiền phạt. Giới chức ở Moscow từng tuyên bố sẵn sàng không nhận tiền phạt phá ngang hợp đồng của Paris nhưng họ vẫn đòi hỏi Pháp phải thanh toán các chi phí và tổn thất mà họ phải bỏ ra trong quá trình theo đuổi hợp đồng với Pháp.


Vân Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc