Hứng đòn choáng váng, “EU ngắc ngoải”

16:54, 07/07/2015
|

(VnMedia) - Cuộc trưng cầu dân ý ở Hy Lạp với kết quả nói “không” với Liên minh Châu Âu (EU) đã gây sốc thật sự đối với giới lãnh đạo khu vực đồng euro nhưng lại đem đến sự phấn khích, hoan hỉ cho những người vốn lâu nay chống đối EU. Những người này tin rằng, cuộc bỏ phiếu ở Hy Lạp cho thấy dự án tổng thể Châu Âu, trong đó có đồng euro đang ngắc ngoải.
 

Ảnh minh họa

Ảnh minh hoạ


Từ chối tuân theo các điều kiện, đòi hỏi được đưa ra bởi các chủ nợ Châu Âu, người Hy Lạp hôm Chủ nhật (5/7) đã bỏ phiếu chống lại các điều khoản được đưa ra trong gói cựu trợ mà EU muốn dành cho quốc gia thành viên của họ. Đây được xem là một trong những đòn giáng mạnh nhất nhằm vào nỗ lực của Châu Âu trong việc hình thành một liên minh tiền tệ tồn tại lâu dài kể từ khi đồng euro ra đời năm 1999.
 
"Dự án EU đang ngắc ngoải", ông Nigel Farage – Lãnh đạo Đảng Độc lập của Anh, đã nói như vậy. Đảng Độc lập của Anh là một đảng chống EU mạnh mẽ. Đảng này đã giành được 12,6% số phiếu nhưng chỉ được 1 ghế trong cuộc tổng tuyển cử hôm 7/5 vừa rồi ở Anh
 
"Thật là tuyệt vời khi chứng kiến sự dũng cảm của người dân Hy Lạp trong bối cảnh phải đối mặt với sự doạ dẫm về kinh tế và chính trị từ Brussels", ông Farage đã thốt lên như vậy khi một phần kết quả cuộc bỏ phiếu ở Hy Lạp cho thấy có đến 61% người dân bác bỏ những điều kiện được đưa ra trong gói cứu trợ kinh tế của EU.
 
Ông Farage hy vọng người Anh sẽ theo gương người Hy Lạp trong cuộc trưng cầu dân ý mà Thủ tướng Anh David Cameron cam kết sẽ thực hiện vào cuối năm 2017 về việc liệu Anh có nên tiếp tục ở lại EU hay không.
 
Từ Pháp đến Phần Lan và khắp các khu vực dọc đường bờ biển phía bắc và nam của Châu Âu, những người theo chủ nghĩa hoài nghi về Châu Âu đã ăn mừng và ca ngợi nền dân chủ Hy Lạp vì đã dám chối bỏ cái mà họ miêu tả như một “hệ thống đầu sỏ chính trị” nắm quyền điều hành EU với 20 thành viên – liên minh kinh tế lớn nhất thế giới hiện nay.
 
Đối với những người phản đối sự hội nhập Châu Âu, cuộc khủng hoảng ở Hy Lạp đã đưa ra một loạt bài học: từ sự yếu kém của khu vực đồng euro gồm 19 thành viên được điều khiển bởi các quyết định mang tính chính trị cho đến sự thất bại của giới lãnh đạo trong việc lắng nghe quan điểm, ý kiến của người dân cũng như của các thị trường trái phiếu.
 
Các đảng phái chỉ trích EU theo đường lối cực tả và cánh hữu cứng rắn đã gây kinh ngạc cho giới lãnh đạo chính trị của Châu Âu khi giành được hơn 1/4 số ghế trong Quốc hội Châu Âu hồi năm ngoái. Những đảng này miêu tả euro và EU với tư cách là cấu trúc của một lớp những thành phần kiêu ngạo đã dẫn dắt 500 triệu người Châu Âu rơi vào sự suy thoái và không bảo vệ tầng lớp công nhân trước xu thế toàn cầu hoá, nhập cư và suy giảm kinh tế.
 
Chia tay khu vực đồng euro?
 
Trong khi số phận của Hy Lạp đang trở thành chủ đề thống trị, bao phủ tất cả những tin tức chính hàng ngày ở Berlin, Paris và London, thì ảnh hưởng lâu dài hơn của của việc “Hy Lạp ra khỏi EU” có thể reo rắc những nghi ngờ sâu sắc hơn của công chúng đối với EU.
 
"Việc người Hy Lạp nói không trong cuộc bỏ phiếu vừa rồi chắc chắn phải dẫn đến một sự ra đi nhanh chóng của Hy Lạp ra khỏi khu vực đồng euro, càng sớm càng tốt. Hôm nay là sự khởi đầu của việc phá bỏ khu vực đồng euro", chính khách theo chủ nghĩa dân tuý của Hà Lan – ông Geert Wilders đã nói như vậy.
 
Trong khi đó, lãnh đạo đảng cực hữu của Pháp Marine Le Pen cho rằng, kết quả cuộc trưng cầu dây ý ở Hy Lạp là một chiến thắng trước “bộ máy lãnh đạo cầm quyền của Liên minh Châu Âu”.
 
"Các nước Châu Âu nên tận dụng cơ hội từ sự kiện này để tập hợp xung quanh bàn đàm phán, chú trọng, lưu tâm đến sự thất bại của đồng euro và chính sách thắt lưng buộc bụng, và tổ chức việc giải tán hệ thống đồng tiền chung thống nhất này. Đây là điều cần thiết để trở lại sự phát triển thực sự, công ăn việc làm và giảm nợ”, chính khách Le Pen của Đảng Mặt trận Quốc gia Pháp nhấn mạnh.
 
Có thể nói, cuộc bỏ phiếu ở Hy Lạp đã giáng một đòn quá mạnh vào EU, khiến liên minh này loạng choạng, điêu đứng.
 
Hy Lạp đã khiến các nước EU không khỏi kinh ngạc và sốc khi kết quả cuộc trưng cầu dân ý ở nước này diễn ra hôm 5/7 cho thấy, đa phần người dân Hy Lạp từ chối tuân theo các điều kiện được đưa ra để nhận được gói cứu trợ tài chính. Việc Hy Lạp thản nhiên nói “không” với gói cứu trợ của EU đã khiến liên minh này đi từ cảm giác sốc, choáng váng đến tức giận và đang có ngày càng nhiều lời kêu gọi về việc cắt đứt sợi dây lỏng lẻo giữa Athens với khu vực đồng tiền chung châu Âu.
 
Ủy ban Châu Âu hôm qua (6/7) đã ra tuyên bố trong đó bày tỏ sự ghi nhận và tôn trọng kết quả của cuộc trưng cầu dân ý ở Hy Lạp hôm Chủ nhật.
 
Theo tuyên bố của Uỷ ban Châu Âu, Chủ tịch Uỷ ban Châu Âu Juncker hiện đang tham vấn với các nhà lãnh đạo được bầu một cách dân chủ của 18 quốc gia thành viên trong khối sử dụng đồng tiền chung châu Âu euro và các nhà lãnh đạo của các Cơ quan Châu Âu. Chủ tịch Juncker sẽ có một cuộc hội đàm qua điện thoại với các nhà lãnh đạo các cơ quan trong khu vực đồng euro (gồm Chủ tịch Hội nghị thượng đỉnh đồng euro, Chủ tịch nhóm các nước sử dụng đồng euro và Chủ tịch của Ngân hàng Trung ương châu Âu) vào sáng thứ 2 giờ Châu Âu. Chủ tịch Juncker dự định sẽ phát biểu tại Nghị viện Châu Âu ở Strasbourg vào ngày thứ Ba.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc