Bỏ rơi “bạn thân” nhất, Mỹ chìa tay với địch thủ?

10:40, 15/07/2015
|

(VnMedia) - Israel đang đi từ trạng thái ngỡ ngàng, choáng váng đến cảm giác thất vọng, tức giận sau khi Mỹ và Iran cùng nhượng bộ để đi đến một thoả thuận hạt nhân mang tính lịch sử được nhiều nước hoan nghênh. Mỹ vốn là đồng minh thân nhất của Israel ở khu vực Trung Đông, trong khi Iran là "kẻ thù không đội trời chung" của Nhà nước Do Thái.
 

Ảnh minh họa

Thủ tướng Israel Netanyahu


Giới lãnh đạo Israel ở khắp mọi đảng phái chính trị đã tức giận lên tiếng chỉ trích bằng những ngôn ngữ, giọng điệu gay gắt nhất đối với thoả thuận hạt nhân Iran mà Mỹ và các cường quốc thế giới thông báo ngày hôm qua (14/7). Nhà nước Do Thái miêu tả thoả thuận hạt nhân nói trên là một sai lầm mang tính lịch sử, giúp giải phóng cho Iran để nước này “tiếp tục tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố toàn cầu” trong khi tìm cách chế tạo một quả bom hạt nhân.
 
“Iran sẽ nhận được một con đường chắc chắn để theo đuổi vũ khí hạt nhân. Nhiều giới hạn được đặt ra để ngăn chặn việc này sẽ bị dỡ bỏ”, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết.
 
Với việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt về kinh tế đối với Iran, Thru tướng Netanyahu cảnh báo, “Tehran sẽ có được rất nhiều tiền, hàng trăm tỉ USD và điều này sẽ giúp họ tiếp tục theo đuổi chính sách hiếu chiến và tài trợ cho khủng bố”.
 
Đối tác trong liên minh cầm quyền của ông Netanyahu - Bộ trưởng Giáo dục Naftali Bennett thêm vào: “Ngày hôm nay, một siêu cường hạt nhân khủng bố đã được sinh ra và đây là một trong những ngày đen tối nhất trong lịch sử thế giới”.
 
Một thành viên trong đảng Likud của Thủ tướng Netanyahu - Bộ trưởng Khoa học Danny Danon cho hay, thoả thuận hạt nhân Iran “giống như việc cung cấp diêm cho những kẻ mắc chứng cuồng phóng hoả”.
 
Những lời chỉ trích gay gắt, mạnh mẽ trên không có gì là mới. Chính quyền của Thủ tướng Netanyahu đã phát động một chiến dịch không mệt mỏi nhằm chống lại viễn cảnh các cường quốc thế giới ký kết một thoả thuận hạt nhân với Iran. Trong một nỗ lực như vậy, ông Netanyahu từng có bài phát biểu trước Quốc hội Mỹ hồi tháng 3 để bày tỏ sự lo ngại của Israel đối với Iran - nước Cộng hoà Hồi giáo lâu nay thường kêu gọi huỷ diệt, xoá sổ Nhà nước Do Thái ra khỏi bản đồ thế giới.
 
Sự chia rẽ giữa Israel với Mỹ trong các cuộc đàm phán hạt nhân Iran đã dẫn tới tình trạng căng thẳng công khai hiếm hoi giữa hai đồng minh thân thiết.
 
Vài giờ sau khi thoả thuận giữa Iran và các cường quốc được ký kết ở Vienna,  Ngoại trưởng Mỹ John F. Kerry đã nói với đài truyền hình NBC rằng, ông nghĩ là Thủ tướng Netanyahu đã sai và rằng ông này đã “đưa ra những phát biểu thổi phồng quá mức”.
 
Theo lời ông Kerry, “Israel an toàn hơn” với thoả thuận hạt nhân vừa mới đạt được. “Thoả thuận đó bị chỉ trích bởi những người không biết rõ về những điều khoản được đưa ra trong này”.
 
Trong một động thái nhằm trấn an đồng minh, Nhà Trắng ra tuyên bố trong đó cho biết, Tổng thống Obama đã gọi điện cho Thủ tướng Netanyahu để nhấn mạnh rằng thoả thuận hạt nhân vừa đạt được không làm giảm sự quan ngại của Mỹ đối với việc Nhà nước Hồi giáo Iran “hậu thuẫn cho chủ nghĩa khủng bố cũng như những mối đe doạ đối với Israel.”
 
Thoả thuận hạt nhân khiến Israel bất lực trước Iran?

Những phát biểu trấn an của ông Obama chẳng làm dịu nỗi tức giận và lo lắng của giới lãnh đạo và người dân Israel. Các trang mạng xã hội của Israel những ngày này đang tràn ngập hình ảnh ông Neville Chamberlain - một thủ tướng Anh từng thực hiện chính sách nhượng bộ đối với Adolf Hitler và phát xít trước khi xảy ra cuộc Chiến tranh Thế giới thứ II.
 
Thủ tướng Netanyahu và các nhà lãnh đạo khác của Israel thậm chí đã lên án, chỉ trích thoả thuận hạt nhân Iran ngay từ khi các cuộc đàm phán ở Vienna vẫn còn đang diễn ra.
 
“Israel sẽ bảo vệ mình”, ông Bennett cảnh báo, thề rằng hành động quân sự vẫn là một lựa chọn của Nhà nước Do Thái. Người dân Israel đều có chung cảm giác họ phải đối mặt với sự nguy hiểm từ một “kẻ thù hiếu chiến” như Iran. Tuần trước, những người biểu tình ở thủ đô Tehran đã hô to khẩu hiệu “Cái chết cho Israel!”
 
Giới chức an ninh của Israel cũng đồng loạt bác bỏ thoả thuận hạt nhân Iran, nói rằng Israel có quyền hành động để bảo vệ mình.
 
Cách đây 3 năm, người Israel còn thảo luận ở cấp cao nhất về việc liệu có khả năng nước này hoặc Mỹ, hoặc cùng phối hợp cả hai, để phát động những cuộc không kích nhằm vào các cơ sở hạt nhân của Iran.
 
Thậm chí, gần đây, Israel còn tái khẳng định quyền được hành động độc lập nếu bị đe doạ, ám chỉ đến khả năng nước này đơn phương không kích Iran.
 
Giờ đây, viễn cảnh trên là không thể bởi Mỹ đã cam kết thúc đẩy thực thi thoả thuận hạt nhân Iran và sẽ không cho phép đồng minh Israel hành động một mình, giới phân tích quốc phòng cho biết.
 
Trước khi thoả thuận hạt nhân Iran được ký kết, Thủ tướng Netanyahu từng đưa ra cảnh báo trên trang Twitter rằng, Iran “nguy hiểm hơn cả ISIS” – nhóm khủng bố khét tiếng nhất thế giới hiện nay. Ông Netanyahu cho rằng, mục đích thực sự của Iran là xâm chiếm thế giới.
 
Nhà nước Do Thái - vốn là đồng minh thân thiết nhất của Mỹ trong khu vực Trung Đông, luôn kêu gọi tăng cường sức ép trừng phạt lên Iran và thậm chí là cả tấn công quân sự vào nước này.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc