Phẫn nộ, dân Hy Lạp cảnh báo chiến tranh với EU

14:35, 14/07/2015
|

(VnMedia) - Trong khi giới lãnh đạo Liên minh Châu Âu (EU) thở phào nhẹ nhõm khi ký được thoả thuận với Hy Lạp, thì người dân nước này lại đang vô cùng tức giận. Sự phẫn nộ đã lên đến mức đỉnh điểm khi nhiều người dân Hy Lạp tin rằng EU đang áp đặt chế độ “thuộc địa” với họ và đã có lời cảnh báo chiến tranh được đưa ra.
 

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa


Sau nhiều giờ đàm phán đầy khó khăn kéo dài suốt từ ngày Chủ nhật (12/7) đến ngày hôm qua (13/7) với lãnh đạo các nước thuộc khu vực đồng tiền chung euro, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras cuối cùng đã phải nhượng bộ chấp nhận những điều kiện khắc nghiệt để đổi lấy gói viện trợ tài chính có thể giúp Hy Lạp tránh bị phá sản và tránh bị loại ra khỏi khu vực đồng euro.
 
Nếu như giới lãnh đạo EU có thể thở phào nhẹ nhõm vì tránh được viễn cảnh Hy Lạp rút khỏi khu vực đồng tiền chung euro, giáng đòn mạnh vào liên minh của họ, thì với Thủ tướng Hy Lạp và người dân Hy Lạp, cảm xúc là sự lo lắng, phẫn nộ và phản kháng.
 
Thủ tướng Tsipras có thể sẽ phải mất vài đêm không ngủ bởi bây giờ ông cần phải làm sao thuyết phục Quốc hội Hy Lạp thông qua tất cả các dự luật thực hiện cải cách vào đúng thời hạn mà EU đặt ra là vào ngày 15/7 tới để đổi lại gói viện trợ trị giá nhiều tỉ USD.
 
Trong khi đó, người dân Hy Lạp lo ngại, tức giận trước tin tức những tài sản quý giá của nước họ có thể sẽ bị thu giữ như khoản ký quỹ để đổi lấy gói cứu trợ tài chính.
 
"Chúng tôi đã tránh được việc rút ra khỏi khu vực đồng euro. Nhưng tôi cảnh báo các bạn, nếu các bạn định cướp thành Hy Lạp khỏi tay chúng tôi, sẽ có một cuộc chiến tranh”, một doanh nhân nghỉ hưu ăn mặc chải chuốt có tên là Michaelis Sarides đã tuyên bố như vậy khi nhấm nháp ly cà phê tại một quán bar ở trung tâm thủ đô Athens. Giọng ông này không giấu được vẻ buồn rầu.
 
Thoả thuận vừa được Hy Lạp ký kết với 19 nước thành viên của khu vực đồng tiền chung euro sau những cuộc đàm phán kéo dài và căng thẳng đòi hỏi Hy Lạp phải thúc đẩy thực hiện một loạt chương trình cải cách hà khắc để đảm bảo nhận được gói cứu trợ tài chính trị giá lên tới 86 tỉ euro (96 tỉ USD). Không có gói cứu trợ này, nền kinh tế của Hy Lạp sẽ sụp đổ và Hy Lạp có thể bị loại khỏi khu vực đồng tiền chung euro.
 
Tuy nhiên, trong số những biện pháp then chốt mà Thủ tướng Alexis Tsipras sẽ phải thuyết phục Quốc hội thông qua là việc thiếp lập một quỹ trả nợ gây tranh cãi nhằm thu về 50 tỉ euro (55 tỉ USD) bằng cách bán đi những tài sản quý giá của Hy Lạp.
 
"Họ không thể lấy đi một phần của đất nước chúng tôi”, một doanh nhân sở hữu công ty cung cấp dịch vụ hẹn hò đã thảng thốt nói như vậy. Như nhiều người Hy Lạp bình thường khác, vị doanh nhân trên tỏ ra hoài nghi về việc thoả thuận mà nước họ vừa đạt được với khu vực đồng tiền chung euro có thể đem đến bất kỳ sự cải thiện nào trong cuộc sống của họ.
 
"Thà không có thoả thuận còn hơn là có nó theo cách này bởi vì chúng tôi sẽ phải đối mặt với nhiều năm tồi tệ hơn ở phía trước. Tôi thà lựa chọn một điều khác xảy ra, giống như việc Hy Lạp rút khỏi khu vực đồng tiền chung euro. Khi đó, chúng tôi có thể sẽ phải đối mặt với sự đói kém nhưng chúng tôi sẽ tự mình giải quyết việc này”, doanh nhân 35 tuổi cho hay.
 
Ilias – một nhân viên nhà nước 26 tuổi, khăng khăng cho rằng, “điều quan trọng cho đất nước chúng ta là phải tốt hơn lên, khấm khá hơn lên và không quan trọng việc chúng ta ở lại Châu Âu hay không. Đó là điều cuối cùng chúng ta cần nghĩ đến”.
 
"Nếu chúng ta ở lại Châu Âu và đất nước đi từ tình trạng xấu đến xấu hơn nữa, tôi không thể thấy bất kỳ điều gì tích cực hơn trong viễn cảnh đó”, Ilias nói.
 
Gay gắt hơn, ông Haralambos Rouliskos – một nhà kinh tế học 60 tuổi, miêu tả thoả thuận giữa Hy Lạp với các đối tác trong khu vực đồng euro là “sự bất hạnh, sỉ nhục và nô lệ”.
 
Cảm giác của ông Rouliskos được chia sẻ bởi bà Katerina Katsaba -một phụ nữ 52 tuổi làm việc cho một công ty dược. Bà này nói: "Tôi không ủng hộ thoả thuận vừa rồi. Tôi biết các chủ nợ trong khu vực đồng euro đang cố gắng tìm cách doạ dẫm chúng tôi".

Trút giận lên Đức
 
Không chỉ người dân Hy Lạp tức giận với thoả thuận mới mà ngay cả giới chức Hy Lạp cũng có phản ứng mạnh. Một số quan chức Hy Lạp miêu tả thoả thuận mà chính phủ của họ vừa ký với các đối tác trong khu vực đồng euro là cái giá quá đắt mà họ phải trả. Cựu Đại sứ Hy Lạp Leonidas Chrysanthopoulos cho rằng, thoả thuận nói trên là “quá khắc nghiệt, quá muộn và là cái chết đối với người Hy Lạp”.
 
“Những biện pháp vớ vẩn, vô lý đó không phản ánh đúng liên minh EU mà chúng tôi đã gia nhập vào năm 1981. Nó thực chất chỉ biến Hy Lạp thành thuộc địa của Đức, nếu không nói là của Liên minh Châu Âu”, ông Chrysanthopoulos tức giận cho biết đồng thời nói thêm rằng, bất chấp những nhượng bộ mà EU đã làm với Hy Lạp, nước này còn lâu mới thoát ra khỏi được cuộc khủng hoảng.
 
Nhiều người ở Hy Lạp và cả ở các nước khác trong EU đã lên Twitter bày tỏ sự tức giận trước thoả thuận mà Hy Lạp vừa ký với các nước thuộc khu vực đồng euro. Họ coi đó là hành động bắt nạt, doạ dẫm của Đức đối với Hy Lạp.
 
Một cư dân mạng bình luận: “Đây đúng là một cuộc đảo chính bởi Hy Lạp đã bị tước bỏ chủ quyền về tài chính”. KostasKainakis – một giảng viên về marketing ở Athens thì cho rằng: “Đức đang phá huỷ Châu Âu một lần nữa”.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc