Trung Quốc choáng váng trước “đối thủ lạ” ở Biển Đông

11:07, 09/06/2015
|

(VnMedia) - Trong bối cảnh bị “dồn vây” bốn bề vì những hành động trái phép và hung hăng ở Biển Đông, Trung Quốc đã không khỏi choáng váng, bất ngờ khi vấp thêm phải một “đối thủ” mới ở Biển Đông.
 

Ảnh minh họa

Malaysia đã công khai lên tiếng phản đối Trung Quốc


Malaysia ngày hôm qua (8/6) đã công khai lên tiếng phản đối cái mà nước này miêu tả là hành động xâm phạm của một tàu thuộc Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Trung Quốc vào vùng lãnh hải của Malaysia ở phía bắc Borneo. Đây là một bước đi mạnh mẽ, cứng rắn một cách bất ngờ của Malaysia đối với Trung Quốc trong bối cảnh tình hình căng thẳng ở Biển Đông đang leo thang một cách đầy lo ngại.
 
“Đây không phải là một khu vực có cuộc tranh chấp liên quan đến sự chồng lấn. Trong trường hợp này, chúng tôi phải có hành động về mặt ngoại giao”, Bộ trưởng An ninh Quốc gia Malaysia Shahidan Kassim cho biết trong một cuộc trả lời phỏng vấn. Ông này cũng nói thêm rằng, vấn đề trên sẽ được nêu ra một cách trực tiếp khi Thủ tướng Malaysia Najib Tun Razak có cuộc gặp mặt đối mặt với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
 
Malaysia lâu nay vốn thường duy trì một phương pháp tiếp cận “ẩn mình”, không quyết liệt và mạnh mẽ như các nước khác trong các cuộc tranh chấp ở Biển Đông. Trong khi Philippines và Việt Nam lên án mạnh mẽ những hành động trái phép, hung hăng cũng như tham vọng của Trung Quốc trong việc độc chiếm Biển Đông thì Malaysia dường như lại lặng thinh. Malaysia cùng với Brunei, Philippines, Việt Nam và Vùng lãnh thổ Đài Loan đều đang có tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải với Trung Quốc ở Biển Đông.
 
Tuần trước, ông Kassim đã cho đăng lên trên trang Facebook cá nhân của mình những hình ảnh mà ông nói là cho thấy rõ ràng tàu thực thi pháp luật của Trung Quốc neo đậu tại bãi cạn Luconia – một khu vực gồm những đảo nhỏ và bãi đá nằm cách phía bắc Borneo của Malaysia khoảng 150km. Đây là khu vực nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế 400km của Malaysia. Bãi cạn Luconia cách đại lục Trung Quốc khoảng 2.000km.
 
Trước phản ứng công khai và đầy bất ngờ của Malaysia, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi hôm qua đã nói rằng, ông cảm thấy không quen với cáo buộc của Malaysia về việc một tàu Trung Quốc neo đâu ở bãi cạn Luconia.
 
Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc bị tố cáo xâm phạm chủ quyền của Malaysia. Hồi tháng 3 năm 2013, một đội gồm 4 tàu chiến và các tàu hỗ trợ do tàu đổ bộ Jinggangshan của Trung Quốc dẫn đầu đã tiến hành một chuyến đi biển kéo dài tới 8.000km ở khu vực Biển Đông và Tây Thái Bình Dương. Nhóm tàu trên đã đi đến các khu vực theo “đường lưỡi bò” nhằm thể hiện một cách trắng trợn tham vọng chiếm Biển Đông của Trung Quốc. Cụ thể, đội tàu chiến của Trung Quốc đã ngang nhiên đi vào bãi cạn James – nơi cách Trung Quốc tới 1.800km và chỉ cách bờ biển Malaysia có 80km. Bãi cạn James rõ ràng nằm trong thềm lục địa của Malaysia.
 
Tại bãi cạn James, Trung Quốc còn để các thủy thủ thực hiện lễ tuyên thệ trung thành với đất nước, “bảo vệ Biển Đông, duy trì chủ quyền quốc gia và phấn đấu xây dựng một đất nước Trung Quốc hùng mạnh”.
 
Các tàu của Trung Quốc còn tiến tới Đá Vành Khăn – khu vực nằm cách Trung Quốc cũng tới tận 1.800km và nằm hoàn toàn trong chủ quyền của Việt Nam.
 
Việc tàu Trung Quốc đi xa quá phạm vi của nước này và xâm phạm vào các khu vực thuộc vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của các nước khác là chuyện thường xuyên xảy ra.
 
Trước đó, vào tháng 4 năm 2012, tàu hải giám Trung Quốc từng có cuộc va chạm với tàu chiến của Philippines ở khu vực bãi cạn Scarborough. Sau vụ va chạm trên, hai nước Philippines và Trung Quốc rơi vào một cuộc khủng hoảng trầm trọng. Sau đó, tàu Trung Quốc nhất quyết không chịu rút khỏi bãi cạn Scarborough, bất chấp nước này có thỏa thuận với Philippines về việc rút toàn bộ tàu thuyền hai bên ra khỏi khu vực sau cuộc đối đầu căng thẳng nói trên.
 
Điều đáng nói là, Trung Quốc hiện giờ đang kiểm soát bãi cạn Scarborough, khiến ngư dân Philippines lao đao, khốn khổ vì mất đi ngư trường đánh cá truyền thống. Bãi cạn Scarborough nằm cách đảo chính Luzon của Philippines chỉ khoảng 230km. Trong khi đó, khu vực đất liền gần nhất của Trung Quốc là tỉnh Hải Nam cũng cách bãi cạn Scarborough đến 1.200km.
 
Trung Quốc đang ngang ngược đòi chủ quyền đến 90% Biển Đông - một khu vực biển chiến lược giàu tài nguyên. Để thực hiện tham vọng của mình, Trung Quốc quyết liệt tranh giành chủ quyền với các nước láng giềng xung quanh như Philippines, Việt Nam, Brunei, Malaysia và cả Vùng lãnh thổ Đài Loan.
 
Những hình ảnh thu được từ vệ tinh gần đây cho thấy Trung Quốc đang tích cực đẩy mạnh các hoạt động xây dựng, cải tạo và bồi đắp trái phép ở một loạt bãi đá ở Biển Đông, trong đó có quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Động thái trên của Trung Quốc đang vấp phải làn sóng chỉ trích, lên án vô cùng dữ dội của cộng đồng quốc tế.
 
Mặc dù không có tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải trực tiếp ở Biển Đông nhưng hàng loạt nước đã lên tiếng bày tỏ sự quan ngại thực sự về viễn cảnh sự thống trị của Bắc Kinh đối với Biển Đông có thể khiến nước này chiếm quyền kiểm soát những tuyến đường biển quốc tế chiến lược có ý nghĩa sống còn với hoạt động vận chuyển, giao dịch thương mại của nhiều nước.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc