Mỹ, Nhật “khoe” tên lửa khiến Nga lo sốt vó

16:58, 08/06/2015
|

(VnMedia) - Mỹ và Nhật Bản hôm qua (7/6) đã thông báo về vụ thử nghiệm bắn đạn thật đầu tiên với siêu tên lửa Standard Missile-3 (SM-3) Block IIA của tập đoàn Raytheon Co. Tên lửa này đang được Mỹ và Nhật Bản cùng nhau phát triển trong một dự án chung có tổng chi phí khoảng 2 tỉ USD.

 

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa


Ông Rick Lehner – một phát ngôn viên của Cơ quan Phòng thủ Tên lửa Mỹ cho biết, vụ thử được tiến hành hôm 6/6 từ khu thử Point Mugu, Sea Range ở ngoài khơi bờ biển California và vụ thử đã diễn ra thành công. 
 
Tên lửa SM-3 IIA là biến thể 21-inch của tên lửa SM-3. Đây là loại tên lửa phối hợp cùng với hệ thống chiến đấu siêu tối tân Aegis của tập đoàn Lockheed Martin Corp của Mỹ nhằm phá hủy mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo trên vũ trụ.
 
Ông Riki Ellison – người đứng đầu Liên minh Ủng hộ Phòng thủ Tên lửa phi lợi nhuận, cho biết, hai nước Mỹ và Nhật Bản mỗi nước sẽ đầu tư khoảng 1 tỉ USD để thiết kế, thử nghiệm và cuối cùng là sản xuất những tên lửa mới – một phiên bản cho các chương trình phát triển vũ khí chung.
 
"Đó là ví dụ tốt nhất về mối quan hệ hợp tác giữa Bộ Quốc phòng Mỹ với một nước liên minh trong việc cùng nhau đầu tư và cùng nhau thiết kế, chế tạo và cho ra đời một hệ thống vũ khí mới có khả năng đáp ứng tốt hơn cho nhu cầu bảo vệ an ninh quốc gia của cả hai nước”, ông Ellison cho biết trong một tuyên bố.
 
Tập đoàn Raytheon cho biết, tên lửa SM-3 IIA nếu có động cơ tên lửa lớn hơn và là một phương tiện chiến đấu có độ hủy diệt cao hơn. Điều đó cho phép tên lửa này có thể đối phó với các mối đe dọa nhanh hơn và bảo vệ được những khu vực rộng lớn hơn trước những mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo tầm trung và tầm ngắn.
 
Theo ông Taylor Lawrence – Chủ tịch Tập đoàn tên lửa Raytheon, “thành công của lần thử tên lửa này sẽ giúp cho chương trình tiếp tục tiến triển và giúp vũ khí mới có thể được triển khai trên bờ và trên biển vào năm 2018”.
 
Ông Ellison cho hay, sẽ cần phải thực hiện tiến trình thử nghiệm trong 3 năm nữa trước khi đưa tên lửa SM-3 IIA vào sử dụng trên các tàu chiến mang hệ thống chiến đấu Aegis của Hải quân Mỹ, tàu Kongo của Nhật Bản và tại các địa điểm có lắp đặt hệ thống Aegis ở Ba Lan và Rumani.
 
Mỹ được cho là sẽ đầu tư hơn 2 tỉ USD nữa cho chương trình vũ khí SM-3 IIA trong khi Nhật Bản đóng góp khoảng 1 tỉ USD.
 
SM-3 là một bộ phận trong hệ thống đánh chặn tên lửa đạn đạo Aegis được Hải quân Mỹ sử dụng nhằm đánh chặn các tên lửa đạn đạo tầm xa và tầm trung.
 
Tên lửa SM-3 được sử dụng phối hợp với các radar cảnh báo sớm và thiết bị cảm biến hồng ngoại trong không gian để dò tìm mục tiêu, định hướng, xác định độ cao, bám sát quá trình bay và tiêu diệt các mục tiêu là tên lửa đạn đạo tầm xa hoặc tầm trung mang đầu đạn hóa học, sinh học hoặc hạt nhân.
 
Thế hệ tên lửa SM-3 được thiết kế dựa trên phiên bản SM-2, có tầm bắn khoảng 500 km, với độ cao khoảng 160 km. Tên lửa SM-3 được thiết kế 04 tầng, hai tầng đầu chứa nhiên liệu đẩy có chức năng đẩy tên lửa đánh chặn ra khỏi tầng khí quyển, tầng 3 đẩy tên lửa xa hơn ngoài tầng khí khuyển trái đất, sử dụng hệ thống định vị vệ tinh (GPS) để điều chỉnh hướng tiếp cận mục tiêu, tầng thứ tư chứa các thiết bị mang và có sử dụng các sensor hồng ngoại nhằm lao thẳng vào mục tiêu.
 
Tầm hoạt động của tên lửa SM-3 có thể tiêu diệt các mục tiêu ở cự ly khoảng 200 km, SM-3 có chức năng phù hợp hơn với nhiệm vụ phòng thủ tên lửa, tiêu diệt mục tiêu cả ở tầm cao và tầm trung.
 
Tên lửa đánh chặn SM-3 có thể được triển khai trên các chiến hạm trang bị hệ thống Aegis hoặc trên bộ. Mỹ dự định triển khai một loạt siêu tên lửa lửa SM-3 Block IB trên lãnh thổ Rumani trong năm nay trong khuôn khổ trận địa của hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ tại châu Âu. Vì thế, tên lửa SM-3 gây không ít lo ngại cho Nga.
                                              
Giữa Nga với NATO và Mỹ từ lâu đã đối đầu với nhau về vấn đề lá chắn tên lửa. Moscow phản đối mạnh mẽ việc Mỹ muốn dựng một hệ thống phòng thủ tên lửa ở Đông Âu vì coi hệ thống này là mối đe dọa đối với an ninh nước Nga. Đáp lại, Washington luôn khẳng định, hệ thống lá chắn tên lửa của họ chỉ nhằm vào Iran và Triều Tiên, không nhằm vào Nga.
 
Moscow muốn Mỹ và NATO đảm bảo bằng văn bản rằng hệ thống phòng thủ tên lửa mà họ định dựng lên ở Châu Âu không nhằm vào khả năng răn đe hạt nhân chiến lược của Nga. Tuy nhiên, Mỹ và NATO đã từ chối yêu cầu này. Kết quả là chính quyền Kremlin liên tục lên tiếng đe dọa, Nga sẽ triển khai một loạt tên lửa ở khu vực biên giới với các nước NATO nhằm thẳng vào hệ thống lá chắn tên lửa của Mỹ nếu Washington cứ cố tình thiết lập hệ thống này ở Đông Âu như kế hoạch. Đáp lại, Mỹ cũng tuyên bố đầy cứng rắn là sẽ không thay đổi kế hoạch bất chấp sự phản đối của Nga.


Vân Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc