(VnMedia) - Hồi cuối tuần vừa qua, Tổng thống quyền lực của Nga – ông Vladimir Putin đã bất ngờ có những phát biểu "vạch trần chân tướng" của Mỹ và NATO.
Tổng thống Nga Vladimir Putin |
Moscow không củng cố, tăng cường năng lực quân sự để phục vụ cho mục đích tấn công bên ngoài mà chỉ nhằm để đối phó, đáp trả những mối đe dọa an ninh gây ra từ việc Mỹ cùng NATO liên tiếp bành trướng quân sự đến sát biên giới của Nga, Tổng thống Vladimir Putin đã nói như vậy với tờ Corriere della Sera của Italia.
Phát biểu với tờ báo trên trước thềm chuyến thăm đến Italia, Tổng thống Putin nhấn mạnh rằng, mọi người không nên tin vào những tin đồn nhảm, gây hoảng hốt về cái gọi là “sự xâm lược” của Nga mà phương Tây đang rêu rao bởi một cuộc xung đột quân sự toàn cầu là điều không thể tưởng tượng được trong thế giới hiện đại.
“Tôi cho rằng, chỉ có kẻ điên và chỉ trong giấc mơ người ta mới tin rằng Nga sẽ đột ngột tấn công NATO. Tôi cho rằng, một số nước đơn giản là đang muốn lợi dụng nỗ sợ của mọi người liên quan đến Nga. Họ chỉ muốn đóng một vai trò của những nước ở tuyến trên để nhận được một số sự trợ giúp, viện trợ về quân sự, tài chính và kinh tế”, ông Putin thẳng thừng cho biết.
Một số nước có thể đang cố tình tìm cách nuôi dưỡng, phát triển những mối quan ngại kiểu đó, ông chủ điện Kremlin nói đồng thời thêm rằng về lý thuyết, Mỹ có thể cần có thêm một mối đe dọa từ bên ngoài để duy trì vị trí dẫn đầu trong cộng đồng Đại Tây Dương. “Iran rõ ràng là không đủ sợ và không đủ lớn” cho điều đó, ông Putin nhấn mạnh với giọng đầy mỉa mai.
Tổng thống Nga đã mời các phóng viên đến để so sánh giữa sự hiện diện quân sự toàn cầu của Nga với của Mỹ và NATO cũng như mức độ chi tiêu quân sự giữa hai bên. Ông Putin cũng kêu gọi giới phóng viên, báo chí hãy nhìn thẳng vào những bước đi của mỗi bên liên quan đến Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo kể từ sau khi Liên Xô sụp đổ.
Chính sách quân sự của Nga là “không mang tính toàn cầu, không tấn công và không gây hấn, xâm lược”, ông Putin khẳng định, nhấn mạnh thêm rằng Nga “hầu như không có các căn cứ ở bên ngoài” và một số ít căn cứ còn tồn tại ở bên ngoài lãnh thổ nước Nga là có từ thời Liên Xô.
Nhà lãnh đạo Nga giải thích rằng, có một số đơn vị thuộc Lực lượng Vũ trang Nga đang đóng tại Tajikistan, nằm ở biên giới với Afghanistan, chủ yếu là do mối đe dọa cao từ chủ nghĩa khủng bố ở khu vực. Có một căn cứ không quân ở Kyrgyzstan mà Nga mở ra theo lời đề nghị của giới chức Kyrgyz nhằm đối phó với mối đe dọa khủng bố ở đó. Nga cũng có một đơn vị quân sự đóng tại Armenia nhằm giúp duy trì sự ổn định trong khu vực, chứ không phải là để đối phó với bất kỳ mối đe dọa bên ngoài nào.
Trên thực tế, Nga đang nỗ lực giảm quy mô của sự hiện diện quân sự trên toàn cầu trong khi Mỹ lại đang làm điều ngược lại. “Chúng tôi đã giải tán các căn cứ ở nhiều khu vực khác nhau của thế giới, trong đó có ở Cuba, Việt Nam và vv...”, Tổng thống Putin cho hay. Ông này cũng cho biết: “Tôi đã mời các bạn đến để công bố một bản đồ thế giới trên tờ báo của các bạn trong đó có đánh dấu tất cả các căn cứ quân sự của Mỹ trên toàn cầu. Các bạn chắc chắn sẽ nhìn rõ được sự khác biệt”.
Trong khi đó, sẽ chỉ mất 17 phút để tên lửa được phóng đi từ các tàu ngầm Mỹ ở bờ biển Na-uy chạm tới thủ đô Moscow, ông Putin nói, nhấn mạnh rằng thực tế này lại không được báo chí coi là “hành động gây hấn”. Mỹ liên tục tiến hành các chuyến bay của máy bay ném bom chiến lược ở khu vực dọc biên giới Nga kể từ thời Xô-viết mà không hề ngừng nghỉ trong khi Nga đã ngừng hoạt động này từ đầu năm 1990 và chỉ mới bắt đầu nối lại gần đây.
Chi tiêu quân sự của các nước NATO hiện đang gấp hơn 10 lần so với Liên bang Nga, ông Putin chỉ rõ.
Mỹ đang thiết lập “các hệ thống phòng chống tên lửa, các căn cứ và radar trên khắp lãnh thổ Châu Âu và trên biển” bất chấp những cảnh báo liên tục của Nga về việc điều đó sẽ làm phương hại đến an ninh quốc tế.
Còn nữa, chính Mỹ là nước chọn rút ra khỏi Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo – một hiệp ước giới hạn kho vũ khí chống tên lửa đạn đạo mà Tổng thống Putin tin là “nền tảng cho hệ thống an ninh của toàn thế giới”. Nhà lãnh đạo Nga đã đặt câu hỏi về động thái trên của Mỹ rằng: “Liệu có ai đó mong chờ Nga tự giải giáp vũ khí một cách đơn phương?” sau khi Mỹ đã rút khỏi hiệp ước.
Theo lời ông chủ điện Kremlin, Moscow đã cố gắng thuyết phục Washington không rút ra khỏi hiệp ước và thay vào đó “cùng nhau tạo ra một hệ thống chống tên lửa đạn đạo với sự tham gia của ba bên gồm Nga, Mỹ và Châu Âu|”. Lời đề nghị này đã bị từ chối và Nga buộc phải phát triển các hệ thống “áp chế” những hệ thống phòng chống tên lửa đạn đạo của Mỹ và NATO nhằm đảm bảo sự cân bằng chiến lược. Ông Putin tự tin khẳng định, Nga đã đạt được “những bước tiến rất dài trong lĩnh vực này”.
Kiệt Linh -
(tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc