(VnMedia) - Hệ thống tên lửa phòng không tối tân Buk-M3 của Nga sở hữu một số thông số còn “vượt mặt” cả tên lửa thiện chiến hàng đầu thế giới hiện nay là S-300. Đây là thông tin vừa được một nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Nga tung ra.
Ảnh minh họa |
"Tầm bắn của tên lửa phòng không Buk-M3 là 70km - tăng hơn 25km so với phiên bản trước đó của nó và trong một số thông số, hệ thống tên lửa mới còn vượt qua cả hệ thống tên lửa phòng không tầm xa thiện chiến hàng đầu của Nga - S-300", một nguồn tin trong Bộ Quốc phòng Nga hôm qua (20/5) đã cho hãng tin Itar-Tass biết như vậy.
"Kết quả của các cuộc thử nghiệm cấp quốc gia cho thấy, một số đặc tính và thông số của tên lửa Buk-M3 đã thích hợp hoàn toàn với những yêu cầu kỹ thuật được đặt ra và ngang bằng với S-300. Và xét về một số thông số khác thì Buk-M3 thậm chí còn vượt qua cả hệ thống S-300", nguồn tin trên cho hay.
Theo nguồn tin của Bộ Quốc phòng Nga, "trước hết, hệ thống tên lửa phòng không Buk-M3 có xác suất phá hủy mục tiêu đạt mức cao lên tới 0,9999. Đây là điều mà tên lửa S-300 không có được. Điều này có nghĩa là tên lửa Buk-M3 chắc chắn có khả năng phá hủy một mục tiêu chỉ bằng một tên lửa”.
Ngoài ra, nguồn tin trong Bộ Quốc phòng Nga cũng cho biết, Buk-M3 có cùng độ cao hỏa lực tối đa là 35km. "Tầm phá hủy mục tiêu tối đa của hệ thống đã được tăng lên thêm 25km so với phiên bản trước đó của nó và đạt mức 70km".
Một nguồn tin khác trong Bộ Quốc phòng Nga trước đó đã nói với hãng tin Itar-Tass rằng, hệ thống tên lửa phòng không Buk-M3 sẽ được đưa vào hoạt động trước cuối năm nay và bắt đầu từ năm 2016 loại vũ khí này sẽ được bàn giao cho quân đội. Hệ thống tên lửa phòng không Buk-M3 được chờ đợi sẽ tiếp tục nối tiếp cho dòng hệ thống phòng không Buk. Phiên bản trước đó của nó là Buk-M2. Hiện nay, Buk-M2 đang được xem là một trong những biến thể hiệu quả nhất trong dòng vũ khí loại này.
Buk-M3 là biến thể hiện đại nhất của tổ hợp tên lửa phòng không Buk, dự kiến sẽ được đưa vào trang bị cho Lục quân Nga vào năm 2016.
Tên lửa phòng không tầm trung Buk-M3 được thiết kế để tiêu diệt các tên lửa hành trình, các loại bom chính xác, máy bay cánh quay, cánh cố định, máy bay tàng hình và máy bay không người lái. Tổ hợp tên lửa Buk-M3 được phát triển bởi Viện nghiên cứu mang tên Tihomirova.
Theo một số tài liệu, cũng giống như các biến thể Buk trước đó, cấu trúc của mỗi tổ hợp tên lửa Buk-M3 bao gồm xe chỉ huy, xe radar, xe vận chuyển-phóng tự hành và xe phóng chấp hành kiêm tiếp đạn.
Tuy nhiên, so với các biến thể tiền nhiệm và đặc biệt là so với Buk-M2 – biến thể hiện đại nhất đang được sử dụng trong lực lượng phòng không Nga và một số quốc gia thì Buk-M3 vượt trội hơn do có khả năng mang được nhiều tên lửa hơn trên bệ phóng.
Buk-M3 được trang bị loại đạn tên lửa 9M317M, biến thể hiện đại hóa của tên lửa 9M317 được Viện nghiên cứu khoa học NIIP phát triển cho cả lục quân và hải quân Nga . Tên lửa 9M317M được thiết kế để tiêu diệt các loại tên lửa hành trình, tên lửa đường đạn (chiến thuật, chiến lược); máy bay và trực thăng kể cả trong môi trường bị nhiễu mạnh.
Đạn tên lửa 9M317M sử dụng nhiên liệu rắn, có chiều dài 5,08 m, đường kính 0,36 m và sải cánh 0,82 m. Tên lửa mang đầu đạn nặng 62kg và áp dụng phương thức nổ cận đích tạo chùm mảnh định hướng để tăng xác xuất tiêu diệt mục tiêu.
Nếu đúng như lời nguồn tin Nga tiết lộ ở trên về việc khả năng Buk-M3 có thể vượt trội hơn S-300 thì đây sẽ là tin vui cho ngành công nghiệp quốc phòng của Nga. Và chắc chắn sức mạnh quân sự của Nga sẽ được củng cố thêm rất nhiều.
Để một tên lửa vượt qua được sức mạnh của S-300 không phải là dễ bởi S-300 vốn là hệ thống tên lửa di động vô cùng tinh vi, có khả năng phá hủy tên lửa hành trình và chiến đấu cơ của đối phương. Được xem là một trong những tên lửa quý giá nhất của Nga, S-300, hay SA-20 Gargoyles theo cách gọi của NATO, có thể bắn hạ máy bay và tên lửa đạn đạo ở tầm xa 150km và ở độ cao lên tới 27km.
S-300 ban đầu được thiết kế nhằm mục đích giúp Nga đảm bảo an ninh cho các cơ sở công nghiệp và hành chính lớn, các căn cứ quân sự và kiểm soát không phận nước Nga trước máy bay tấn công của kẻ thù. Khi lần đầu tiên được Liên Xô triển khai vào năm 1979, S-300 được người Nga mệnh danh là “con cưng” và hiện nó vẫn là một trong những tên lửa đất đối không mạnh nhất thế giới. Đây cũng là một trong những loại tên lửa được rất nhiều nước thèm muốn bởi nó là thứ vũ khí hiệu quả hàng đầu trong việc bảo vệ các vùng trời.
S-300 được trang bị nhiều loại ra-đa tối tân, bao gồm đài ra-đa trinh sát 36D6 phát hiện mục tiêu ở cự ly xa tới 360km, bám bắt 120 mục tiêu cùng lúc, ra-đa trinh sát bắt thấp (độ cao thấp) 76N6, ra-đa điều khiển hỏa lực 30N6 sử dụng để dẫn đường điều khiển với ra-đa dẫn đường bán chủ động giai đoạn cuối. Bệ phóng tự hành lắp ống phóng đạn tên lửa của hệ thống này sẽ bắn theo phương thẳng đứng. Hệ thống S-300 có thể phóng 6 tên lửa liền một lúc, mỗi tên lửa có khả năng phá hủy các loại máy bay như F-16 và F-22 - báu vật của Không lực Mỹ cũng như đánh chặn các mục tiêu đạn đạo.
Vân Linh -
(tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc