Bị thách thức cao độ, Nga không để Ukraine yên

18:35, 21/05/2015
|

(VnMedia) - Chính quyền Kiev vừa có một hành động được cho là thách thức Nga ở mức cao nhất. Đáp lại, Moscow cũng tuyên bố sẽ không để Ukraine yên bằng đòn đáp trả thích đáng.
 

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa


Ukraine để ngỏ khả năng cho phép Mỹ đặt các hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo trên lãnh thổ của nước này để đối phó với nguy cơ xảy ra những cuộc tấn công từ Nga, một quan chức quốc phòng cấp cao của Ukraine hôm qua (20/5) đã tiết lộ như vậy. Cho đến hiện tại, chưa ai đưa ra đề nghị triển khai hệ thống lá chắn tên lửa trên đất Ukraine.
 
Ông Oleksandr Turchynov – người đứng đầu Hội đồng An ninh Quốc gia Ukraine, đã nói với hãng tin Ukrinform trong một cuộc trả lời phỏng vấn rằng, Nga đang trở thành một mối đe dọa ngày càng cao kể từ sau khi xảy ra vụ sáp nhập bán đảo Crimea ở Biển Đen vào Nga và việc nước này tăng cường sự hiện diện quân sự ở khu vực. Vì thế, ông Turchynov cho hay, Kiev có thể cân nhắc khả năng cho phép triển khai các hệ thống lá chắn tên lửa trên lãnh thổ của Ukraine sau những cuộc tham vấn.
 
Phản ứng trước thông tin trên, Nga tỏ ra rất tức giận trước sự thách thức ngày một lớn từ chính quyền Kiev.
 
Các hãng tin Nga dẫn lời phát ngôn viên của điện Kremlin – ông Dmitry Peskov hôm qua cho biết, việc triển khai một hệ thống lá chắn tên lửa ở trên đất Ukraine sẽ buộc Nga phải thực thi các biện pháp đối phó và đáp trả.
 
Nếu Kiev để cho Mỹ lắp đặt các bộ phận của những hệ thống phòng thủ tên lửa trên lãnh thổ của Ukraine thì Nga sẽ cần phải đáp trả để đảm bảo an ninh cho mình, ông Peskov tuyên bố đầy cứng rắn. Theo lời ông Peskov, một hệ thống lá chắn tên lửa được đặt trên đất Ukraine có thể được coi là một vấn đề hoàn toàn tiêu cực bởi nó sẽ gây ra một mối đe dọa cho Liên bang Nga. Trước tình thế như vậy, Moscow buộc phải phản ứng.
 
Trong khi đó, ở thủ đô Washington, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ - bà Marie Harf cho hay, "không có bất kỳ lời đề nghị hay kế hoạch nào về việc Mỹ hay NATO sẽ triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo ở Ukraine. Tôi không nghĩ chúng ta biết chắc về ý nghĩa của những phát biểu từ Kiev”.
 
Chính phủ của Tổng thống Petro Poroshenko liên tục bày tỏ sự quan ngại sâu sắc về cái mà họ gọi là “lập trường quân sự hiếu chiến” của Nga. Kiev cáo buộc Moscow tích cực hậu thuẫn cho lực lượng ly khai miền đông Ukraine bằng cách cung cấp vũ khí, binh sĩ và rằng Moscow thường xuyên củng cố năng lực tấn công ở phía tây nước này.
 
Chính quyền Kiev lo sợ Nga đang tiến tới việc đưa vũ khí hạt nhân đến bán đảo Crimea – nơi vừa được sáp nhập vào Nga hồi tháng 3 năm ngoái sau một cuộc trưng cầu dân ý với kết quả là hầu hết người dân ủng hộ trở về Nga.
 
"Chính vụ sáp nhập bán đảo Crimea đã nâng cao đáng kể năng lực quân sự cho Nga và làm thay đổi cán cân sức mạnh quân sự ở Biển Đen và Địa Trung Hải. Thực tế này được tất cả các đối tác của chúng tôi hiểu rất rõ. Nhưng không ai đi xa hơn việc đưa ra những tuyên bố và bày tỏ sự quan ngại sâu sắc”, ông Turchynov đã nói như vậy.
 
"Tên lửa chiến thuật Iskander-M đã được triển khai trên bán đảo Crimea, gần ngôi làng Shcholkine và Krasnoperekopsk", ông Turchynov cho hãng tin Ukrinform biết.
 
Giới chức Bộ Quốc phòng Nga cũng tuyên bố họ sẽ triển khai những chiếc máy bay ném bom hạt nhân tầm xa Tu-22M3 đến bán đảo Crimea.
 
Ông Turchynov cho rằng, phương Tây nên cân nhắc việc tăng cường an ninh của mình bằng cách cấm các tàu chiến Nga đi qua Eo biển Bosporus — eo biển hẹp nằm giữa phần Châu Âu của Thổ Nhĩ Kỳ và các khu vực Châu Á đồng thời nối tới Biển Đen và Địa Trung Hải.
 
Nếu Mỹ nhăm nhe ý định “dàn” các hệ thống lá chắn tên lửa ở Ukraine thì động thái này sẽ khiến cuộc đối đầu giữa Nga với Mỹ và phương Tây trở nên nghiêm trọng hơn rất nhiều.
 
Giữa Nga với Mỹ và NATO từ lâu đã đối đầu với nhau về vấn đề lá chắn tên lửa. Moscow phản đối mạnh mẽ việc Mỹ muốn dựng một hệ thống phòng thủ tên lửa ở Đông Âu vì coi hệ thống này là mối đe dọa đối với an ninh nước Nga. Đáp lại, Washington luôn khẳng định, hệ thống lá chắn tên lửa của họ chỉ nhằm vào Iran và Triều Tiên, không nhằm vào Nga.
 
Moscow muốn Mỹ và NATO đảm bảo bằng văn bản rằng hệ thống phòng thủ tên lửa mà họ định dựng lên ở Châu Âu không nhằm vào khả năng răn đe hạt nhân chiến lược của Nga. Tuy nhiên, Mỹ và NATO đã từ chối yêu cầu này. Chính vì lẽ đó, Nga nhiều lần cảnh báo sẽ có biện pháp đáp trả hệ thống lá chắn tên lửa của Mỹ. Nga tuyên bố sẽ triển khai một loạt tên lửa ở khu vực biên giới với các nước NATO nhằm thẳng vào hệ thống lá chắn tên lửa của liên minh này nếu Washington cứ cố tình thiết lập hệ thống đó. Đáp lại, Mỹ cũng tuyên bố đầy cứng rắn là sẽ không thay đổi kế hoạch bất chấp sự phản đối của Nga.
 
Căng thẳng giữa Nga và phương Tây đang leo thang nghiêm trọng kể từ sau khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine bùng lên. Phương Tây do Mỹ dẫn đầu đổ lỗi cho Moscow đã châm ngòi cho cuộc khủng hoảng ở Ukraine, gây ra cuộc xung đột vũ trang đẫm máu ở miền đông nước này. Vì lý do đó, Phương Tây đã tung ra hàng loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Cuộc đối đầu Đông-Tây hiện nay đã chứng kiến những màn phô trương sức mạnh thị uy lẫn nhau gia tăng chóng mặt giữa Nga và NATO.


Vân Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc