Trung Quốc có tàu Mistral - ác mộng tồi tệ nhất với Mỹ

07:20, 21/05/2015
|

(VnMedia) - Mỹ chắc chắn sẽ vô cùng lo ngại trước tin đồn rộ lên gần đây về việc Trung Quốc có thể sẽ là đối tác thay thế Nga tiếp nhận hai chiếc siêu tàu chiến lớp Mistral của Pháp, tờ The Diplomat đưa tin.
 

Ảnh minh họa

Tàu chiến lớp Mistral


Mua hai chiếc tàu tấn công là điều rất có ý nghĩa với Trung Quốc, tạp chí The Diplomat nhận định. "Trung Quốc có cả kế hoạch cụ thể lẫn cơ sở hạ tầng quân sự cần thiết để sử dụng hiệu quả hai chiếc tàu lớp Mistral”.
 
Một số người cho rằng, Mỹ có thể “loại bỏ hai chiếc siêu tàu chiến của Pháp ra khỏi thị trường để tránh trường hợp Trung Quốc có thể bổ sung thêm hai chiếc tàu chiến uy dũng vào lực lượng hải quân vốn đang được hiện đại hóa với tốc độ rất nhanh hiện nay của nước này”.
 
Thậm chí nếu Bắc Kinh thực sự khát khao muốn có được hai siêu tàu chiến lớp Mistral mà Pháp đóng cho Nga thì việc mua những con tàu này cũng không phải là điều dễ dàng. Trước hết, các thành viên của Liên minh Châu Âu (EU) bị giới hạn ở một mức độ nhất định trong khả năng bán vũ khí cho Trung Quốc do lệnh cấm vận vũ khí mà EU áp đặt lên Bắc Kinh từ năm 1989.
 
Tuy nhiên, lệnh cấm này không được thực thi một cách nghiêm túc và bản thân nó cũng được để ngỏ cho nhiều cách hiểu khác nhau. Kết quả là Trung Quốc vẫn có được một sự tiếp cận nhất định dù ở mức hạn chế đối với các công nghệ và vũ khí của Châu Âu, bao gồm máy bay, tàu chiến, đạn dược....
 
Dù vậy, vấn đề trên không phải là trở ngại duy nhất. Pháp không thể bán những chiếc siêu tàu chiến lớp Mistral cho bất kỳ bên thứ ba nào nếu không được sự cho phép công khai của Nga và Paris biết rất rõ điều này. Rõ ràng Pháp không thể bán hai tàu chiến mà họ đóng cho Nga ít nhất cho đến khi hai bên ký được một thỏa thuận về tương lai của hợp đồng trị giá 1,3 tỉ USD.
 
Bán hai siêu tàu chiến lớp Mistral - Vladivostok và Sevastopol, cho một bên thứ ba đang là một lựa chọn mà giới chức Pháp cân nhắc, ông Gilles Le Breton – một thành viên của Quốc hội Châu Âu đến từ Mặt trận Quốc gia, cho tờ Sputnik biết. Nhưng theo ông này, không có lý do gì để không bàn giao tàu Mistral cho Nga theo đúng như hợp đồng mà Pháp đã ký.
 
Ukraine không nên được dùng như là một cái cớ để không bàn giao siêu tàu chiến lớp Mistral, ông Le Breton nói thêm. Hơn nữa, việc không thực hiện các nghĩa vụ trong hợp đồng sẽ gây ra một vấn đề nghiêm trọng về hình ảnh cho Pháp.
 
"Theo ngành công nghiệp quốc phòng của chúng ta, chúng ta đang tự làm mất uy tín rất lớn trong mắt các khách hàng tương lai. Rõ ràng, chúng ta không thể hiện được sự đúng đắn trước thế gới. Nếu các nước khác muốn mua một con tàu đóng tại xưởng đóng tàu hải quân Saint-Nazaire, họ sẽ phải nghĩ hai lần trước khi đặt bút ký và họ có thể tìm một nhà thầu khác”, ông Gilles Le Breton giải thích.
 
"Tôi đã nói chuyện với các công nhân ở xưởng đóng tàu Saint-Nazaire. Tôi đảm bảo với các bạn rằng họ đang rất lo lắng về tương lai của mình”, vị chính khách Pháp kết luận.
 
Pháp đang mặc cả hợp đồng với Nga
 
Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov hôm 19/5 cho biết, Pháp nên trả lại tiền cho Nga nếu nước này từ chối bàn giao tàu chiến. "Hãy để họ trả lại chúng ta tiền”, ông Lavrov cho biết trong một cuộc trả lời phỏng vấn tờ nhật báo chính phủ Rossiyskaya Gazeta. "Các bạn thấy đấy, họ đã bắt đầu mặc cả, thương lượng”.
 
Pháp được cho là đã gửi văn bản sang Nga trong đó đề nghị “trả Nga khoản tiền khoảng 785 triệu euro và khoản tiền này chỉ được thanh toán sau khi chính phủ ở Moscow gửi văn bản chính thức cho phép Paris bán hai tàu chiến lớp Mistral cho một bên thứ ba mà không có bất kỳ điều kiện gì”, tờ Kommersant tiết lộ. Tuy nhiên, Moscow không đồng ý với phương pháp tiếp cận trên. Nga ước tính những chi phí và thiệt hại mà nước này phải hứng chịu từ việc theo đuổi hợp đồng lên tới 1.163 tỉ euro và Moscow không có ý định cấp giấy phép cho Pháp bán lại hai tàu Mistral cho đến khi các khoản tiền được thanh toán sòng phẳng.
 
Nga đã ký hợp đồng mua 2 siêu tàu chiến lớp Mistral của Pháp với trị giá 1,2 tỉ euro (1,5 tỉ USD) từ hồi tháng 6 năm 2011. Theo hợp đồng, Pháp phải bàn giao chiếc tàu chiến đầu tiên được đặt tên là Vladivostok cho Nga vào ngày 14/11 năm ngoái trong khi chiếc thứ hai mang tên Sevastopol sẽ được bàn giao vào mùa thu năm nay. Tuy nhiên, thời hạn bàn giao siêu tàu chiến lớp Mistral đầu tiên cho Nga đã qua đi nhiều tháng mà Pháp vẫn không thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng của mình. Khả năng bàn giao chiếc siêu tàu chiến lớp Mistral thứ hai vào mùa thu này cũng gần như không có.
 
Siêu tàu chiến Mistral có trọng tải tối đa 21.300 tấn; có thể chuyên chở bốn sà lan đổ quân, 16 trực thăng hạng nặng, 2 tàu đệm không khí, một tiểu đoàn 40 xe tăng hạng nặng Leclerc, 450 binh sỹ... Tàu đổ bộ trực thăng lớp Mistral dài 199m, chiều ngang 32m, độ mớn nước 6,2m. Tàu được lắp đặt hệ thống radar cảnh giới MRR3D-NG, radar dẫn đường DRBN-38A; hệ thống hỏa lực gồm 2 hệ thống tên lửa phòng không MBDA Simbad, 2 khẩu đội pháo phòng không Breda-Mauser 30 mm, 4 súng máy 12,7 mm Browing M2-HB. Các liên đội Không quân dự kiến được biên chế trên các tàu lớp Mistral của Nga, bao gồm 8 chiếc máy bay trực thăng tấn công Kamov Ka-52K và 8 chiếc máy bay trực thăng vận tải tấn công Ka-29/31 Helix. Tàu có phạm vi hoạt động 40.000km.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc