Nga sẽ không tha cho hành động thù địch của Mỹ

19:26, 20/12/2014
|

(VnMedia) - Nga tuyên bố sẽ không để yên cho các hành động thù địch của Mỹ. Lời cảnh báo đầy cứng rắn này được Moscow đưa ra trong bối cảnh phương Tây do Mỹ dẫn đầu đang đồng loạt gây thêm sức ép với Nga vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine.

 

Ảnh minh họa

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga – ông Alexander Lukashevich


Nga sẽ không để yên cho Mỹ


Nga sẽ không để yên cho các hành động thù địch của Washington mà không tung ra đòn đáp trả. Mỹ sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về những hậu quả mà họ gây ra, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga – ông Alexander Lukashevich hôm qua (19/12) tuyên bố. Đây là phản ứng của Moscow đối với việc Tổng thống Barack Obama vừa ký phê chuẩn Dự luật Hỗ trợ Tự do cho Ukraine .

 

Theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga, nước này sẽ đáp trả thích đáng đối với Dự luật Hỗ trợ Tự do cho Ukraine . "Nội dung của dự luật này chẳng có liên quan gì đến việc ‘ủng hộ tự do’ cho Ukraine hay cho bất kỳ nơi nào khác”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Lukashevich cho biết đồng thời thêm rằng dự luật của Mỹ phản ảnh nỗ lực của giới chính khách có ảnh hưởng ở Washington trong việc muốn tạo một nền tảng pháp lý cho tiến trình phá hoại mối quan hệ với Nga.

 

“Chúng tôi rõ ràng sẽ loại bỏ di sản đó. Phía Mỹ sẽ chịu trách nhiệm hoàn toàn về những hậu quả mà họ gây ra”, ông Lukashevich cảnh báo.

 

“Chúng tôi sẽ không để cho Mỹ yên với các hành động thù địch của họ. Chúng tôi sẽ đáp trả. Chúng tôi sẽ đưa ra quyết định về những đòn đáp trả dựa vào việc phía Mỹ sẽ áp dụng dự luật mới như thế nào”, phát ngôn viên Lukashevich cho biết.

 

“Phía Nga sẵn sàng đối thoại và hợp tác nhưng chỉ trên nguyên tắc bình đẳng, quan tâm thực sự đến lợi ích của chúng tôi. Những nỗ lực nhằm gây sức ép lên chúng tôi rồi cuối cùng sẽ phải thất bại”, ông Lukashevich cho hay.

 

Tổng thống Obama hôm 18/12 đã ký phê chuẩn Dự luật Hỗ trợ Tự do Ukraine được Quốc hội thông qua hồi tuần trước. Dự luật Hỗ trợ Tự cho cho Ukraine cho phép nhưng không bắt buộc về mặt pháp lý việc Tổng thống Obama có thể cung cấp viện trợ quân sự gây sát thương và không gây sát thương cho Ukraine , trong đó có các vũ khí chống tăng, đạn dược và các máy bay do thám không người lái. Cụ thể, dự luật này có thể mở đường cho việc Mỹ cung cấp vũ khí hạng nặng có trị giá 350 triệu USD cho chính quyền Ukraine .

 

Ngoài vấn đề cung cấp vũ khí cho Ukraine , dự luật vừa được Quốc hội Mỹ thông qua còn cho phép áp dụng thêm các biện pháp trừng phạt nhằm vào các ngành công nghiệp quốc phòng và năng lượng của Nga.

 

Mặc dù khi ký Dự luật Hỗ trợ Tự do cho Ukraine, Tổng thống Obama tuyên bố chính quyền Mỹ chưa có ý định thực thi luật này nhưng điều đó vẫn khiến Moscow nổi giận.

 

Trong một động thái khác thách thức Nga, Mỹ hôm qua (19/12) đã quyết định áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào bán đảo Crimea . Cụ thể, Tổng thống Obama đã cấm các hoạt động xuất khẩu hoặc dịch vụ sang cho Crimea – một bán đảo chiến lược và là một địa điểm du lịch mà Nga vừa sáp nhập vào nước này hồi tháng Ba.

 

Những biện pháp tương tự cũng đã được Liên minh Châu Âu (EU) áp đặt lên bán đảo Crimea . Đây rõ ràng là những động thái nhằm gia tăng sức ép đối với Nga, khiến cuộc đối đầu Đông-Tây thêm căng thẳng.

 

Ngoài Mỹ và EU, Canada cũng áp đặt thêm các biện pháp từng phạt mới nhằm vào ngành dầu mỏ và khí đốt của Nga.

 

Phương Tây o ép Nga khi tiến trình hòa bình đang được nối lại

 

Các nước phương Tây do Mỹ đồng loạt o ép, gây thêm áp lực với Nga khi mà chính quyền Kiev và lực lượng ly khai miền đông Ukraine đang chuẩn bị tiến hành các cuộc đàm phán để khôi phục lại tiến trình hòa bình đang bị bế tắc.

 

Tuy nhiên, quân đội Ukraine hôm qua thông báo về cái chết của 5 binh lính nước này. Đây là con số thương vong lớn nhất kể từ khi Kiev và lực lượng ly khai miền đông Ukraine thực hiện một lệnh ngừng bắn mới từ hôm 9/12 với mục đích nhằm tiến tới một lệnh ngừng bắn vĩnh viễn.

 

Giai đoạn tiếp theo sẽ là những cuộc đàm phán toàn diện. Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko mới đây đã bày tỏ hy vọng, những cuộc đàm phán sẽ được khởi động vào ngày mai (21/12) với sự giúp đỡ của các đại diện đến từ Nga và Châu Âu ở thủ đô Minsk của Belarus. Tuy nhiên, một lãnh đạo của lực lượng lykhai miền đông cho biết, các cuộc đàm phán chỉ sẵn sàng vào ngày thứ Hai (22/12).

 

"Chúng tôi đã nhất trí về một danh sách tổng quát các vấn đề mà chúng tôi cần thảo luận. Nhưng chúng tôi chưa thống nhất được ngày gặp gỡ ở Minsk ”, nhà đàm phán đại diện cho lực lượng ly khai miền đông Ukraine – ông Vladislav Deynego cho biết.

 

Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande đang nỗ lực thúc đẩy tiến trình nối lại các cuộc đàm phán hòa bình ở Minsk .

 

Mức độ giao tranh, bạo lực ở miền đông Ukraine đã lắng dịu đi rất nhiều kể từ khi quốc gia Đông Âu này bước vào một mùa đông băng giá. Tất cả các bên hiện giờ đều đang bận rộn tìm cách bảo đảm rằng hàng triệu dân thường không thể trốn chạy những vụ bắn phá ở miền đông có thể an toàn sống sót qua mùa đông giá rét ở những căn hộ không có hoặc có rất ít nước cũng như nhiệt.

 

Liên Hợp Quốc tin rằng, các cuộc giao tranh, đụng độ hàng ngày giữa quân đội trung thành với Kiev và lực lượng ly khai miền đông trong nhiều tháng qua đã cướp đi sinh mạng của hơn 4.700 người và khiến hàng triệu người rơi vào cuộc sống khốn cùng.


Vân Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc