Vũ khí hạng nặng rầm rập đổ ra Biển Đông

08:09, 20/12/2014
|

(VnMedia) - Vùng lãnh thổ Đài Loan sẽ triển khai các tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường, Trung Quốc tung ra các hệ thống radar, vệ tinh giám sát, trong khi Philippines đang lên kế hoạch dàn một loạt tàu chiến khủng đến Biển Đông. Tất cả những diễn biến này khiến cho khu vực Biển Đông vốn đã nóng nay lại càng trở nên nóng bỏng thêm.
 

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa


Vùng lãnh thổ (VLT) Đài Loan mua tàu khu trục, Trung Quốc giận sôi

 
Trung Quốc được cho là sẽ tung ra không ít tuyên bố giận dữ sau khi Đài Loan thông báo, vùng lãnh thổ này sẽ mua 2 tàu chiến. Đây là vụ mua bán tàu chiến đầu tiên của Đài Loan kể từ năm 2010.
 
Việc Tổng thống Mỹ Barack Obama phê chuẩn cho VLT Đài Loan mua các tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường được đánh giá là sẽ không làm thay đổi gì mấy lợi thế quân sự to lớn của Trung Quốc trước hòn đảo này. Tuy nhiên, vụ mua bán này là bước đi quân sự đáng kể đầu tiên của Đài Loan trong vòng 3 năm nay và điều đó đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ từ phía Bắc Kinh.
 
Việc ký Dự luật Chuyển giao Tàu Hải quân 2013 ở Nhà Trắng hôm 18/12 đã mở đường cho Mỹ bán 4 tàu chiến cho VLT Đài Loan và Washington đã nhận được văn bản phản đối chính thức về vụ việc này. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng yêu cầu chính phủ Mỹ từ bỏ ngay chính sách bán vũ khí cho VLT Đài Loan để giúp cho mối quan hệ giữa Bắc Kinh với cả Washington và Đài Bắc được tốt đẹp hơn.
 
Đài Loan là một phần của Trung Quốc nhưng đã bị chia tách sau cuộc nội chiến năm 1949. Bắc Kinh chưa bao giờ bác bỏ việc dùng vũ lực để thống nhất Vùng lãnh thổ Đài Loan về dưới quyền kiểm soát của họ.  Bắc Kinh lo ngại viễn cảnh cường quốc Mỹ sẽ giúp VLT Đài Loan trong bất kỳ cuộc xung đột nào với Trung Quốc. Đài Loan mua tàu chiến giữa lúc Trung Quốc đang có tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải với một loạt nước và khu vực ở Biển Đông, trong đó có Đài Loan.
 
Việc Mỹ bán vũ khí cho Vùng lãnh thổ Đài Loan là một trong những cái dằm gây khó chịu nhất trong mối quan hệ giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới. Lần nào Mỹ cung cấp vũ khí cho Vùng lãnh thổ Đài Loan thì lần đó họ đều vấp phải những phản ứng hết sức mạnh mẽ từ phía Trung Quốc. Bắc Kinh coi Đài Loan là một vùng lãnh thổ của họ. Mặc dù Washington công nhận điều này nhưng vẫn tiếp tục cung cấp vũ khí cho Đài Loan. Năm 2010, Trung Quốc từng tạm ngưng các quan hệ quân sự với Mỹ và đe dọa dùng đòn trừng phạt kinh tế để đáp trả việc Quốc hội Mỹ thông qua hợp đồng bán vũ khí trị giá 6,4 tỉ USD cho Vùng lãnh thổ Đài Loan.
 
Theo Dự luật Quan hệ Đài Loan được ban hành vào năm 1979 khi Washington cắt quan hệ chính thức với hòn đảo này để thừa nhận nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa, Mỹ phải có nghĩa vụ giúp Đài Loan trong trường hợp vùng lãnh thổ này bị tấn công.
 
Căng thẳng ở Eo biển Đài Loan đã trở nên dịu nhẹ đi kể từ sau khi chính quyền thân Trung Quốc của Nhà lãnh đạo Ma Ying-jeou lên cầm quyền năm 2008 dựa trên cương lĩnh củng cố, phát triển các mối quan hệ thương mại và du lịch với Trung Quốc đại lục. Ông Ma Ying-jeou tiếp tục tái đắc cử năm 2012.
 
Tuy nhiên, Bắc Kinh không loại trừ khả năng dùng vũ lực đối với VLT Đài Loan nếu khu vực này tìm cách đòi độc lập với Trung Quốc. Các chuyên gia của VLT Đài Loan ước tính Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa đang có hơn 1.600 tên lửa hướng về hòn đảo Đài Loan. Điều đó đã khiến Đài Loan luôn tìm cách củng cố sức mạnh quân sự của khu vực này để sẵn sàng đối phó với Trung Quốc.
 
Trung Quốc triển khai radar đến Biển Đông, Philippines dàn tàu chiến
 
Trong một động thái khác được dự báo sẽ làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông, tờ China Daily hôm qua (19/12) đưa tin, Trung Quốc sẽ thiết lập một mạng lưới giám sát gồm các hệ thống vệ tinh và radar để củng cố sức mạnh hàng hải của nước này.

Nhiều nước láng giềng của Trung Quốc như Nhật Bản, Philippines... đang cực kỳ quan ngại về những nỗ lực tăng cường sức mạnh quân sự của Trung Quốc trong nhiều năm trở lại đây cũng như lập trường ngày càng hiếu chiến của Trung Quốc trong các cuộc tranh chấp biển đảo trong khu vực trong vài năm trở lại đây.
 
Mạng lưới giám sát mà Cục Hải dương Nhà nước Trung Quốc miêu tả là có ý nghĩa “căn bản” trong việc bảo vệ các lợi ích hàng hải của Trung Quốc dự kiến sẽ được hoàn thiện vào năm 2020, tờ China Daily đưa tin.
 
Mạng lưới nói trên sẽ bao phủ các vùng lãnh hải ven biển, những khu vực biển xa và vùng nước cực, tờ China Daily cho biết đồng thời thêm rằng Trung Quốc cũng sẽ xây dựng các hệ thống giám sát dưới biển và các trung tâm cảnh báo sóng thần.
 
Trước đó, hôm 17/12, một sĩ quan hải quân cấp cao của Philippines đã tiết lộ, Philippines đang có kế hoạch mua 2 tàu khu trục, 2 trực thăng và 3 pháo hạm để triển khai tới Biển Đông. Lý do để Manila mạnh tay đầu tư mua sắm vũ khí là “do các diễn biến xảy ra ở Biển Đông” gần đây, ám chỉ đến những hành động hung hăng, quyết liệt của Trung Quốc trong các cuộc tranh chấp biển đảo trong khu vực.
 
Philippines đã khởi động chương trình hiện đại hóa lực lượng vũ trang trị giá 2 tỷ USD kéo dài trong vòng 15 năm để tăng cường sức mạnh phòng thủ trên biển của mình.
 
Hải quân Philippines còn đang ấp ủ kế hoạch mua tàu ngầm trong thời gian tới.
 
Trung Quốc đang có tranh chấp ở Biển Đông với 4 quốc gia Đông Nam Á gồm Philippines, Brunei, Việt Nam, Malaysia và vùng lãnh thổ Đài Loan. Trung Quốc đang đòi chủ quyền đối với 90% Biển Đông - khu vực biển được tin là chứa một trữ lượng lớn dầu mỏ và khí đốt cũng như nguồn hải sản dồi dào. Biển Đông cũng chứa những tuyến đường biển chiến lược quan trọng. Để thực hiện tham vọng độc chiếm Biển Đông, Trung Quốc trong thời gian gần đây đã có nhiều hành động hung hăng, hiếu chiến, khiến các nước láng giềng và cộng đồng quốc tế lo ngại. Các nước ASEAN đang tìm cách thúc đẩy Trung Quốc ký kết một Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông có tính ràng buộc.
 
Ngoài ra, Trung Quốc cũng có một cuộc tranh chấp nóng bỏng với Nhật Bản ở biển Hoa Đông.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc