Tiết lộ chấn động về MH17 từ lính Ukraine

11:31, 20/12/2014
|

(VnMedia) - Một binh sĩ Ukraine thuộc biên chế của nhóm điều khiển khẩu đội tên lửa mà chính phủ Kiev tố cáo là thủ phạm bắn rơi chiếc máy bay MH17 của Malaysia đã lần đầu tiên tiết lộ một thông tin gây chấn động. Theo đó, viên binh sĩ này khẳng định, khẩu đội tên lửa bắn rơi chiếc máy bay MH17 hôm 17/7 là do quân đội Ukraine điều khiển chứ không phải là do lực lượng ly khai như những lời cáo buộc được đưa ra trước đây.
 

Ảnh minh họa

Hiện trường vụ rơi máy bay MH17


Người lính giấu tên của Ukraine thậm chí còn cho biết, anh này và những người đồng đội cũ đã cười khi nghe chính phủ của mình tố cáo rằng khẩu đội tên lửa bắn rơi chiếc máy bay của hãng hàng không Malaysia Airlines là của lực lượng ly khai.
 
Bản dịch tiếng Anh nội dung cuộc trả lời phỏng vấn của viên binh sĩ Ukraine hôm 15/12 đã được đăng tải trên trang UkraineWar.Info hôm 17/12 bởi ông Michael Collins. Ông này là một phóng viên điều tra của trang UkraineWar.Info và là người theo rất sát các cuộc điều tra đang được tiến hành để tìm hiểu về nguyên nhân của vụ máy bay MH17 bị bắn rơi ở miền đông Ukraine.
 
Lời thú nhận gây sốc của người lính Ukraine đã khẳng định thêm cho những bằng chứng ngày một thuyết phục và ngày một nhiều hơn về việc không phải lực lượng ly khai miền đông Ukraine đã bắn nhầm máy bay chở khách MH17 như chính phủ Kiev và Mỹ đã khăng khăng cáo buộc như vậy, phóng viên Collins cho biết.
 
Theo lý giải của trang UkraineWar.Infor, nguyên nhân tại sao chính phủ Ukraine làm điều đó là rất rõ ràng. Tổng thống Mỹ Barack Obama cần một sự kiện gây rúng động nhằm buộc Liên minh Châu Âu (EU) và các đồng minh của Mỹ phải cùng tham gia vào chính sách trừng phạt kinh tế đối với Nga với mục đích làm suy yếu Nga. Ngay sau khi vụ tai nạn máy bay thảm khốc xảy ra, cả chính phủ Kiev và chính quyền của Tổng thống Obama đều lên tiếng khẳng định chắc nịch rằng họ có bằng chứng thuyết phục về việc chính quân ly khai đã bắn rơi máy bay MH17. Tất cả đồng minh của Mỹ sau đó đã hưởng ứng với kết luận trên và đồng loạt tung ra các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga.
 
Ông Collins còn cho biết, ‘George Eliason – thành viên thứ ba trong nhóm của chúng tôi ở UkraineWar.Info và là một người dân ở vùng xung đột đã nói rằng vì việc xuất bản bài báo có nội dung trên, chính phủ Ukraine đã cho gỡ bức ảnh tên lửa BUK 312 xuống và rằng phóng viên thực hiện cuộc phỏng vấn đã phải đi trốn và chạy khỏi đất nước. Đây là lý do mà nhiều người dân Ukraine không dám công khai việc chính phủ của họ đã nói dối về vụ MH17”.
 
Những thông tin được đưa ra ở trên chưa được kiểm chứng và một lần nữa nó lại khiến cho tính bí ẩn quay vụ MH17 trở nên thêm kỳ bí.
 
Chiếc máy bay Boeing 777 của hãng hàng không Malaysia Airlines đang trên đường bay từ Amsterdam tới Kuala Lumpur thì bị rơi ở gần thành phố Torez thuộc khu vực Donetsk hôm 17/7, khiến toàn bộ 283 hành khách và 15 thành viên phi hành đoàn thiệt mạng.
 
Ngay sau khi xảy ra vụ việc, Kiev, Mỹ và phương Tây nhanh chóng hướng mũi chỉ trích, đổ lỗi về phía Nga và lực lượng ly khai ở miền đông Ukraine. Tổng thống Obama hôm 18/6 còn tuyên bố chắc chắn rằng, máy bay MH17 bị bắn rơi bởi một quả tên lửa được phóng đi từ khu vực nằm trong quyền kiếm soát của lực lượng ly khai miền đông và rằng Nga là nước có liên quan. Nga bác bỏ thẳng thừng cáo buộc trên đồng thời kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra quốc tế toàn diện, tỉ mỉ và khách quan.
 
Trong thời gian qua, đã có không ít những thông tin gây giật mình liên quan đến vụ MH17.
 
Hồi tháng 7, Mỹ đã gián tiếp thừa nhận về sự có mặt của các hệ thống phòng không của quân đội Ukraine gần Donetsk khi chiếc máy bay Boeing 777 chở 298 người của hãng hàng không Malaysia Airlines bị bắn rơi ở miền đông Ukraine.
 
"Trong tuyên bố của mình, Thư ký báo chí của Nhà Trắng Josh Earnest đã ngầm thừa nhận rằng, các hệ thống phòng không của Ukraine đã có mặt ở khu vực Donetsk mặc dù ông này tuyên bố những hệ thống đó không hoạt động” vào thời điểm MH17 rơi, nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Nga cho biết. Lời thừa nhận này đã khẳng định thêm cho thông tin được Bộ Quốc phòng Nga công bố hôm 21/7 về việc, Nga có các hình ảnh vệ tinh chứng tỏ lực lượng phòng không của Ukraine đã triển khai 4 hệ thống tên lửa Buk-M1 gần thành phố Donetsk. Buk là loại tên lửa bị tình nghi đã bắn rơi chiếc máy bay dân sự của hãng hàng không Malaysia Airlines.
 
Mới đây hồi tháng 9, một chuyên gia hàng không Pháp còn đưa ra phân tích rằng, đường đạn bắn vào chiếc máy bay MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines cho thấy, tên lửa đã nhằm thẳng vào chiếc máy bay từ một khu vực ở phía tây của hiện trường vụ rơi máy bay. Tướng Jean du Verdier – người từng làm việc cho Hội đồng An toàn Hàng không Thường trực của Pháp, đã cho biết trong một cuộc trả lời phỏng vấn hôm 8/9 rằng, nếu chiếc máy bay Boeing 777 của hãng hàng không Malaysia Airlines rơi gần ngôi làng Torez, cách biên giới Nga khoảng 25 dặm, thì theo tính toán của ông, “quả tên lửa đã được bắn đi từ sâu trong lãnh thổ Ukraine”.
 
Ngoài ra còn có một thông tin chưa thể giải thích được, đó là, quân đội Nga đã phát hiện một chiếc máy bay chiến đấu SU-25 của Ukraine tiếp cận lại gần chiếc máy bay MH17 trong ngày xảy ra thảm kịch.
 
Rõ ràng, cho đến thời điểm này, vụ MH17 bị bắn rơi vẫn là một ẩn số chưa có lời giải và xung quanh nó là vô vàn những thông tin, những giả thuyết và cả những cáo buộc.
 
Ủy ban An toàn bay Hà Lan (OVV) hôm 9/9 đã công bố bản báo cáo về kết quả điều tra sơ bộ vụ rơi máy bay MH17 của Malaysia ở miền đông Ukraine. Theo đó, chiếc máy bay này đã bị vỡ tan trên bầu trời có thể do kết quả của cấu trúc máy bay bị phá vỡ bởi một số lượng lớn vật thể có năng lượng cao xuyên thủng máy bay từ bên ngoài.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc