Hiện thời có vẻ nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã kiềm chế khỏi những bước đi cấp tiến, nhưng dù sao vẫn theo hướng cải cách. Điều đó thể hiện qua việc vừa hoàn thành ở Bình Nhưỡng phiên họp đầu tiên của Quốc hội CHDCND Triều Tiên khóa 13.
Phiên làm việc của Quốc hội Bắc Triều Tiên thường là sự kiện hoàn toàn hình thức: các đại biểu luôn luôn bỏ phiếu như đã được phổ biến. Tuy nhiên, chi tiết thu hút sự chú ý là thực tế trong hội nghị đã thông báo bổ nhiệm hàng loạt nhân sự cao cấp. Cụ thể, đã công bố cơ cấu của nội các mới cũng như thành phần Ủy ban Quốc phòng Nhà nước, là cơ quan quốc gia tối cao của đất nước theo Hiến pháp CHDCND Triều Tiên.
Sự quan tâm của công luận đến phiên họp này đã nóng lên ngay từ trước khi khai mạc, trong tương quan chờ đợi những thay đổi nghiêm túc ở cấp quyền lực cao nhất. Người ta cho rằng Kim Jong Un sẽ gạt khỏi quyền lực và sa thải các quan chức cao tuổi mà ông ta tiếp nhận như là di sản chính trị của người cha quá cố. Cũng chờ đợi là thay cho các vị cựu trào sẽ có những nhà lãnh đạo mới, làm trẻ hóa đáng kể giai tầng thượng lưu chính trị và quyền lực của đất nước.
Tuy nhiên, chỉ một phần những dự đoán này trở thành sự thật. Đa phần các quan chức vẫn ở lại những vị trí then chốt. Hơn nữa, hiện tại chưa thấy dấu hiệu nào về sự xuất hiện một thế hệ lãnh đạo mới và trẻ trung.
Đáng chú ý là bây giờ thậm chí cả Chủ tịch Quốc hội Kim Yong Nam cũng vẫn bảo lưu chức vụ, mặc dù khả năng rời khỏi cương vị đã được người ta đồn đoán từ lâu nay – chủ yếu là do độ tuổi cao của ông này - năm nay ông 86 tuổi. Trước phiên họp Quốc hội, nhiều người chờ đợi sự kiện thôi chức của một quan chức cao niên khác là ông Pak Pong Ju, từ mùa xuân năm 2013 đứng đầu nội các Bộ trưởng của đất nước và tương ứng là nhà lãnh đạo cao nhất phụ trách mảng kinh tế Bắc Triều Tiên. Thế nhưng ông này cũng không rời khỏi chức vụ.
Không giống như Kim Yong Nam, người chẳng bao giờ có thực quyền, Pak Pong Ju là nhân vật khá ý nghĩa về mặt chính trị. Danh tính của ông ta gắn liền với những nỗ lực tiến hành cải cách hạn chế trong nền kinh tế CHDCND Triều Tiên. Đương nhiên Pak Pong Ju không phải là một chuyên viên kinh tế cấp tiến theo hướng thị trường, mà ý tưởng của ông là là cải cách chừng mực, tương tự như ở Liên Xô và Đông Âu trong thập niên 60. Dù chỉ ở mức độ như vậy, nhưng theo thước đo của Bình Nhưỡng, chính khách cao niên này vẫn thuộc loại gần như cấp tiến. Việc ông vẫn ở lại cương vị lãnh đạo có thể được coi là một dấu hiệu cho thấy Kim Jong Un sẽ tiếp tục đường lối cải cách kinh tế thận trọng, mà ông đã áp dụng trong năm rưỡi-hai năm vừa qua.
Người biến khỏi danh sách hàng ngũ cao cấp là cựu Bộ trưởng Quốc phòng Kim Yong Chun. Khó có thể coi vị tướng này là một nhân vật chính trị thế lực, nhưng việc tên ông biến mất lại có tính biểu tượng. Như vậy có nghĩa là không một ai trong số bảy quan chức dân sự và quân sự cao cấp, những người vào tháng Chạp 2011 đã túc trực bên linh cữu ông Kim Jong Il trong lễ quốc tang còn duy trì được cương vị của mình. Họ đã biến mất khỏi nền chính trị, thậm chí một vài người còn biến khỏi cuộc sống.
Không còn thấy cả danh tính người cô ruột của nhà lãnh đạo tối cao – bà Kim Kyung Hee, tuy rằng đã khoảng một năm nay bà này không xuất hiện trước công chúng. Bà là vợ của Jang Song Thaek, người bị hành quyết hồi tháng Chạp 2013. Việc biến mất tên bà Kim là sự kiện đã được đoán trước, đồng thời cũng có nghĩa là Kim Jong Un đã tách hoàn toàn khỏi bộ ba nhân vật mà theo kế hoạch của ông Kim Jong Il quá cố, cần phải là những cố vấn trợ giúp nhà lãnh đạo trẻ tuổi Kim Jong Un trong bước đầu cai quản đất nước.
Cũng như đã chờ đợi, người được bổ nhiệm vào cương vị Phó Chủ tịch thứ nhất của Ủy ban Quốc phòng Triều Tiên là Choi Young Hae, củng cố vị thế của ông này như là yếu nhân thứ hai trong hệ thống phân cấp của Bắc Triều Tiên.
Như vậy, những phân công chỉ định mới của ban lãnh đạo CHDCND Triều Tiên tạo ra ấn tượng kép. Một mặt, Kim Jong Un gạt khỏi hệ quyền lực tất cả những nhân vật mà lẽ ra theo quan điểm của người cha quá cố phải thuộc số cộng sự thân cận nhất. Mặt khác, thay vào vị trí của số này không phải là các quan chức trẻ, mà vẫn là những người khá cao niên. Trong đó, thời Kim Jong Il những bậc lão trượng này đóng vai trò thứ yếu và do đó, số phận sự nghiệp của họ ràng buộc chặt chẽ với thành công của cá nhân Kim Jong Un.
Tất nhiên, điều đó không có nghĩa là những nhân vật này sẽ luôn quản lý đất nước: độ tuổi cao có thể cản trở. Nhưng có một điều bây giờ đã rõ – Kim Jong Un không vội cất nhắc đề bạt trao quyền lực cho những người cùng lứa tuổi để trẻ hóa đội ngũ lãnh đạo Bắc Triều Tiên.
Ý kiến bạn đọc