Kiev bẽ bàng vì bị Mỹ bất ngờ bỏ rơi?

15:02, 16/04/2014
|

(VnMedia) - Chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama được cho là đã rút cả viện trợ quân sự không gây sát thương cho Ukraine vì sợ có thể làm leo thang căng thẳng. Trong khi đó, NATO tuyên bố không bàn chuyện đưa quân vào Ukraine. Diễn biến này có thể sẽ khiến chính quyền lâm thời mới ở Kiev cảm thấy bẽ bàng khi họ đang hy vọng có thể dựa được vào phương Tây trong cuộc đối đầu với Nga. 
 

Ảnh minh họa

Chính quyền lâm thời ở Kiev đang phát động chiến dịch đàn áp người biểu tình


Theo tờ Washington Free Beacon, Tướng nghỉ hưu Wesley Clark và cựu quan chức quốc phòng Phillip Karber đã trình lên Quốc hội và Nhà Trắng một bản báo cáo quan trọng.
 
Sau khi trở về từ chuyến đi đến Ukraine, ông Clark và Karber được cho là đã viết rằng, chính phủ Mỹ đã từ chối mọi lời đề nghị của Ukraine, từ cung cấp áo giáp, kính nhìn ban đêm đến các thiết bị liên lạc. Chính quyền Tổng thống Barack Obama rõ ràng lo ngại rằng, những kiểu viện trợ như thế sẽ được xem là “hành động khiêu khích”.
 
Hai vị cựu quan chức Mỹ đã kêu gọi chính quyền thay đổi quyết định trên, miêu tả đó là cách tiếp cận “hoàn toàn sai lầm”, tờ Free Beacon cho hay.
 
Thông tin trên được tung ra trong bối cảnh một số chính khách ở Đồi Capital (Quốc hội) kêu gọi chính quyền của Tổng thống Obama tăng cường sự hậu thuẫn cho chính phủ lâm thời ở Ukraine dựa trên cáo buộc cho rằng Moscow đang gây bất ổn ở phía đông nước này.
 
Chính phủ Ukraine hôm qua (15/4) đã chính thức khởi động chiến dịch quân sự nhằm đàn áp người biểu tình ở khu vực đông nam theo lệnh của Tổng thống tạm quyền Oleksandr Turchynov. Hai bên đã có cuộc đụng độ tại một sân bay nhỏ và quân đội Ukraine được cho là đã giành quyền kiểm soát khu vực sân bay này.
 
Thượng nghị sĩ John McCain trước đó hồi cuối tuần đã kêu gọi: “Chúng ta ít nhất, vì chúa, hãy giúp họ một số vũ khí hạng nhẹ để họ bảo vệ mình”.
 
Đáp lại, phát ngôn viên Nhà Trắng Jay Carney nhấn mạnh, chính quyền “không tính đến chuyện cung cấp viện trợ có tính sát thương cho Ukraine” nhưng cũng chẳng đề cập trực tiếp đến viện trợ không gây sát thương.
 
"Chúng tôi đang xem xét, đánh giá các yêu cầu và đang tìm cách nào đó để có thể giúp đỡ chính phủ Ukraine, nhưng chúng tôi đang tập trung vào việc tiếp tục gây áp lực với Nga để họ hiểu rằng cộng đồng quốc tế đang đoàn kết ủng hộ chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine và rằng Nga chỉ có con đường là làm dịu căng thẳng, đảm bảo bạo lực không xảy ra”, ông Carney nói.
 
Mỹ luôn cáo buộc và đổ lỗi cho Nga đã gây ra tình hình bất ổn ở Ukraine bất chấp việc Moscow liên tiếp bác bỏ cáo buộc này. Tình hình bất ổn hiện nay ở Ukraine trên thực tế được châm ngòi từ sự bất an của người dân gốc Nga chiếm đa số ở miền đông Ukraine. Sau khi lên cầm quyền, chính phủ lâm thời mới ở Kiev có những phát biểu, hành động và chính sách thể hiện thái độ bài Nga, phân biệt đối xử với người gốc Nga ở Ukraine. Đây là lý do khiến những người ở miền đông nam Ukraine quyết không công nhận tính hợp pháp của chính quyền lâm thời ở Kiev và đứng lên biểu tình.
 
NATO không bàn chuyện đưa quân vào Ukraine
 
Không chỉ trông chờ vào viện trợ quân sự từ Mỹ, Ukraine được cho là còn muốn NATO đưa quân vào nước này. Tuy nhiên, ngày hôm qua, Tổng thư ký NATO Ander Fogh Rasmussen đã thẳng thừng tuyên bố, liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương không bàn đến chuyện tung ra một phản ứng quân sự trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine mà chỉ tập trung vào những quyết định về chính trị, ngoại giao để tháo gỡ cuộc khủng hoản ở quốc gia Đông Âu.
 
"Chúng tôi không bàn bạc về các lực chọn quân sự. Chúng tôi tin rằng, con đường đúng đắn để tiến lên phía trước là tìm một giải pháp ngoại giao, chính trị. Tuy nhiên, chúng tôi đang tập trung vào việc củng cố khả năng phòng thủ cho các đồng minh. Đó là nhiệm vụ then chốt của chúng tôi”, ông Rasmussen cho biết trước cuộc họp của Bộ trưởng Quốc phòng các nước EU.
 
"Ngay bây giờ, chúng tôi đang cân nhắc tiến hành các bước đi thêm nữa để củng cố khả năng phòng thủ tập thể. Như tôi đã chỉ ra, việc đó bao gồm cái mà chúng tôi gọi là hoạt động triển khai thích hợp”, Tổng thư ký NATO nói thêm.
 
"Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để nói chi tiết về việc chúng ta sẽ có hành động cụ thể nào để củng cố khả năng phòng thủ tập thể. Tuy nhiên, không ai được nghi ngờ về quyết tâm của chúng tôi trong việc đảm bảo sự bảo vệ mạnh mẽ đối với các đồng minh của mình”, ông Rasmussen nhấn mạnh.
 
Tổng thư ký NATO cũng không quên bày tỏ lo ngại về những cuộc đụng độ đang bùng lên ở phía đông Ukraine giữa lực lượng an ninh với những người biểu tình ủng hộ chế độ liên bang. Ông này kêu gọi Nga làm dịu tình hình và rút quân ra khỏi biên giới Ukraine đồng thời cảnh báo Nga sẽ phải đối mặt thêm với sự cô lập quốc tế nếu có bất kỳ hành động can thiệp quân sự nào vào miền đông Ukraine.
 
Ngoại trưởng Sergei Lavrov bác bỏ cáo buộc của phương Tây về việc Nga đứng sau cuộc khủng hoảng ở miền đông nam Ukraine, nói rằng không có nhân viên an ninh hay binh lính nào của Nga được triển khai đến khu vực bất ổn đó.
 
Bộ Ngoại giao Nga cáo buộc NATO đang tìm cách biến cuộc khủng hoảng ở Ukraine trở thành mối đe doạ tưởng tượng để tăng cường sự đoàn kết giữa các thành viên trong liên minh, cô lập hơn nữa Nga.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc