(VnMedia) - Tổng thống Mỹ Barack Obama đang có chuyến công du đến Châu Á với mục đích được cho là nhằm để phát đi một thông điệp mạnh mẽ đối với Trung Quốc.
Tổng thống Obama |
Tại Nhật Bản – điểm đến đầu tiên trong chuyến công du 4 nước Châu Á, ông chủ Nhà Trắng đã nhanh chóng lên tiếng cảnh báo Trung Quốc rằng, Mỹ sẽ bảo vệ những quần đảo ở biển Hoa Đông đang nằm trong sự quản lý của Tokyo. Đây là một thông điệp đầy lạnh lùng và cứng rắn mà Tổng thống Obama gửi đến Trung Quốc trong bối cảnh nước này đang có tranh chấp quyết liệt với Nhật Bản một quần đảo ở biển Hoa Đông được Tokyo gọi là Senkaku và Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư.
Phát biểu sau cuộc gặp ở thủ đô Tokyo với Thủ tướng Shinzo Abe, Tổng thống Obama hôm nay (24/4) cho biết, hiệp ước phòng thủ chung giữa Mỹ và Nhật Bản được áp dụng với “tất cả các vùng lãnh thổ nằm trong sự quản lý của Nhật Bản”. Cam kết bảo vệ khu vực đó là lâu dài. Theo hiệp ước phòng thủ chung nói trên, Mỹ có nghĩa vụ phải bảo vệ Nhật Bản trong trường hợp quốc gia Châu Á này bị tấn công bởi một nước thứ ba.
Tuyên bố trên gây chú ý lớn bởi đây là lần đầu tiên một tổng thống đương nhiệm của Mỹ đưa ra lời khẳng định chắc chắn như vậy về một quần đảo đang nằm trong sự tranh chấp nóng bỏng.
"Chúng tôi phản đối bất kỳ nỗ lực đơn phương nào nhằm làm phương hại đế quyền quản lý hành chính của Nhật Bản đối với quần đảo đó”, Tổng thống Obama nhấn mạnh khi trả lời câu hỏi của phóng viên tờ Yomiuri Shimbun.
Những phát biểu của ông Obama về quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư được đưa ra vào thời điểm khi mà Trung Quốc đang quyết liệt theo đuổi các cuộc tranh chấp với các đồng minh của Mỹ trong khu vực và trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ với Nga đang leo thang vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Không nước nào nên lấy trường hợp sáp nhập Crimea vào Nga làm động lực để tiến lên, ông Obama cảnh báo.
Một trong những mục đích quan trọng trong chuyến công du Châu Á lần này của ông Obama là trấn an các đồng minh trong khu vực, tái đảm bảo về cam kết an ninh của Mỹ với các nước và tái khẳng định chiến lược chuyển hướng trọng tâm vào Châu Á của Washington.
Những phát biểu cứng rắn của ông Obama nói trên được cho là đã giúp đồng minh thân thiết hàng đầu của Mỹ là Nhật Bản cảm thấy yên tâm ít nhiều. Tokyo đang đối mặt với sự thách thức ngày càng lớn từ Trung Quốc trong việc duy trì quyền kiểm soát quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông.
Ông Tomohiko Taniguchi – một giáo sư thuộc trường Đại học Keio cũng là một cố vấn đặc biệt của nội các Thủ tướng Shinzo Abe, nhận xét, tuyên bố của Tổng thống Obama có ý nghĩa về mặt lịch sử. "Đó là lời bảo đảm nhất từ trước đến nay mà Nhật Bản nghe được từ một nhà lãnh đạo hàng đầu của nền kinh tế lớn nhất thế giới và là cường quốc quân sự lớn nhất thế giới, vì thế không có gì có thể đảm bảo hơn".
Trung Quốc nổi giận phản bác Obama
Trong khi bài phát biểu của ông chủ Nhà Trắng được Nhật Bản hoan nghênh nhiệt liệt thì ở thủ đô Bắc Kinh, nó đã được đón nhận với thái độ tức giận.
Trung Quốc đã ngay lập tức lên tiếng phản đối kịch liệt tuyên bố của Tổng thống Obama về việc quần đảo tranh chấp ở biển Hoa Đông nằm trong sự điều chỉnh của hiệp ước phòng thủ chung giữa Mỹ và Nhật Bản.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Qin Gang tuyên bố, Bắc Kinh “phản đối mạnh mẽ việc đưa quần đảo Điếu Ngư vào hiệp ước phòng thủ chung giữa Mỹ và Nhật Bản”. Ông Qin cho rằng, “Mỹ nên tôn trọng sự thực và có thái độ có trách nhiệm, thận trọng trong lời nói và hành động đồng thời đóng một vai trò mang tính xây dựng đối với việc duy trì hoà bình trong khu vực”.
Mỹ không nên đứng về bên nào trong các cuộc tranh chấp quần đảo. “Không ai có thể lay chuyển được quyết tâm và ý chí của chúng tôi trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, các lợi ích và quyền lợi hàng hải của chúng tôi”, phát ngôn viên Qin nhấn mạnh.
Mỹ đã chuyển giao quyền quản lý quần đảo Senkaku/Điếu Ngư cho Nhật Bản vào năm 1972. Tokyo và Bắc Kinh đã rơi vào một cuộc tranh chấp quần đảo này trong suốt nhiều năm qua. Năm 2012, khi chính phủ Nhật Bản mua lại 3 trong số 5 hòn đảo thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, căng thẳng giữa hai nước Trung, Nhật bắt đầu leo thang chóng mặt.
Mỹ đã liên tục khẳng định không đứng về bên nào trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải trong khu vực. Tuy nhiên, gần đây, giới chức Mỹ bắt đầu công khai thể hiện lập trường bênh vực Nhật Bản trong cuộc tranh chấp với Trung Quốc ở biển Hoa Đông. Trong cuộc trả lời phỏng vấn ở Tokyo, ông Obama cũng kêu gọi tiến hành các biện pháp ngoại giao, thay vì doạ dẫm và ép buộc, để giải quyết những cuộc tranh chấp hàng hải trong khu vực.
Trong khi Tokyo tin rằng, những phát biểu của ông Obama vừa rồi mang ý nghĩa lớn thì ở Trung Quốc, rất ít người xem đó là một sự thay đổi trong lâp trường của Mỹ đối với cuộc tranh chấp ở biển Hoa Đông.
Nhật Bản là chặng dừng chân đầu tiên trong chuyến công du 4 nước Châu Á lần này của Tổng thống Obama. Chuyến thăm này ngoài việc tái bảo đảm về cam kết an ninh của Mỹ với các đồng minh còn nhằm mục đích phát triển các mối quan hệ kinh tế. Sau Nhật Bản, ông Obama sẽ đến thăm Malaysia, Philippines và Hàn Quốc.
Vân Linh -
(tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc