Tổng thống Putin lập liên minh hậu Xô-viết

09:43, 25/12/2013
|

(VnMedia) - Tổng thống quyền lực của Nga – ông Vladimir Putin hôm qua (24/12) tuyên bố, những thủ tục cuối cùng đang được tích cực hoàn tất để chuẩn bị sẵn sàng cho việc chính thức thiết lập một liên minh hậu Xô-viết mới giữa Nga với Balarus, Kazakhstan và có thể là cả Ukraine vào năm 2015. Đây sẽ là một liên minh kinh tế vững chắc.
 

Ảnh minh họa

Tổng thống Putin (ngoài cùng bên phải) cùng với hai nhà lãnh đạo Belarus và Kazakhstan


Sau cuộc hội đàm với hai người đồng cấp – Tổng thống Kazakhstan Nursultan Nazarbayev và Nhà lãnh đạo Belarus Alexander Lukashenko, Tổng thống Putin đã cam kết rằng, cái gọi là Liên minh Kinh tế Á-Âu sẽ đem đến một nguồn lực tăng trưởng mới cho tất cả các thành viên tham gia.
 
Liên minh mới thời hậu Xô-viết sẽ thay thế cho Liên minh Thuế quan Á-Âu lỏng lẻo hơn mà Nga từng thiết lập với hai quốc gia cựu Xô-viết trong một nỗ lực nhằm dựng lên một khu vực thương mại tự do có thể trở thành đối thủ của Liên minh Châu Âu gồm 28 thành viên.
 
"Các đại diện của chính phủ 3 nước gồm Nga, Kazakhstan và Belarus ... đã phác thảo ra phần thể chế trong thỏa thuận Liên minh Kinh tế Á-Âu", ông chủ điện Kremlin đã thông báo như vậy trên đài truyền hình.
 
"Tài liệu đó sẽ xác định quy chế luật pháp quốc tế, các khung tổ chức, mục tiêu và cơ chế để liên minh mới chính thức có thể đi vào hoạt động từ ngày 1/1/2015", ông Putin cho hay.
 
Tổng thống đầy ảnh hưởng của cường quốc Nga – ông Putin đang nỗ lực và tích cực hướng tới mục tiêu thành lập một liên minh kinh tế thời hậu Xô-viết mà liên minh này vào một ngày nào đó có thể tiếp nhận sự tham gia của những nước như Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ. Đây được xem là một dự án chủ chốt của Tổng thống Putin trong nhiệm kỳ thứ ba ở điện Kremlin của ông này.

Nga ghi một bàn trước EU

 
Ông Putin được cho là đang giành những thành công ban đầu trong việc lôi kéo các nước từng ngả về phía Liên minh Châu Âu (EU) quay trở lại với Nga. Gần đây nhất, Nga đã ghi được một điểm đầy ngoạn mục trong cuộc tranh giành Ukraine với EU.
 
Hồi cuối tháng 11, Ukraine đã khiến Châu Âu “chết sững” khi bất ngờ quyết định tạm ngừng hoạt động chuẩn bị cho lễ ký kết các thoả thuận chính trị, thương mại mang tính lịch sử với Liên minh Châu Âu (EU) chỉ vài ngày trước khi sự kiện này chính thức diễn ra để giành ưu tiên cho mối quan hệ với Nga.
 
Theo sắc lệnh được chính phủ Ukaine đưa ra, nước này đã hoãn tiến trình trên vì lợi ích “an ninh quốc gia”. Thay vào đó, Kiev chọn con đường thiết lập quan hệ gắn bó hơn với Moscow. Kiev sẽ “làm mới lại cuộc đối thoại tích cực” với Nga cũng như với các thành viên của Liên minh Thuế quan do Moscow dẫn đầu và nhóm các nước thuộc Cộng đồng Các Quốc gia Độc lập (CIS), sắc lệnh của chính phủ Ukraine cho biết.
 
Việc Ukraine phủ phàng khước từ thoả thuận với EU đã gây ra một làn sóng biểu tình lớn nhất từ từ hồi Cách mạng Cam năm 2004 đến giờ và đẩy nước này rơi vào một cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng với hàng trăm nghìn người đòi giải tán chính phủ và tổ chức một cuộc bầu cử sớm.
 
Tuy nhiên, các cuộc biểu tình trên đã nhanh chóng mất động lực và phe đối lập Ukraine mất phương hướng sau khi Nga đưa ra cho Ukraine những thỏa thuận béo bở. Cụ thể, Moscow đã đồng ý cắt giảm 1/3 giá khí đốt bán cho Kiev, từ mức hơn 400USD/1.000 mét khối xuống còn 268,5 USD, đồng thời mua khoản nợ bằng trái phiếu euro trị giá 15 tỉ USD của Ukraine.
 
Thoả thuận kinh tế mà Kiev vừa ký với Moscow hôm 17/12 đã giúp Ukraine ngăn chặn được nguy cơ sụp đổ kinh tế và xã hội trước mắt. Đó là một “nhân tố ổn định cho chúng tôi”, Thủ tướng Ukraine Mykola Azarov hôm 18/12 đã thừa nhận như vậy.
 
Cả EU và Moscow đều cáo buộc nhau sử dụng những chiến thuật nhằm có được mối quan hệ kinh tế với Kiev. Trong khi sự thay đổi bất ngờ của Ukraine khiến Mỹ và phương Tây thất vọng não nề thì với giới phân tích, đây là một chiến thắng mới của chính quyền Tổng thống Putin trên chính trường ngoại giao.
 
Chiến thắng trên cho thấy sức ảnh hưởng ngày càng lớn của Nga trong khu vực cũng như trên thế giới. Ukraine là “đối tác phương đông” thứ hai trong 4 đối tác dự kiến ký thoả thuận với EU bất ngờ bỏ ngang tiến trình này. Trước đó, hồi tháng 9, Armenia cũng từng khiến giới lãnh đạo EU sốc khi đột ngột tuyên bố từ bỏ thoả thuận liên kết với liên minh này để gia nhập vào liên minh thuế quan của Nga.
 
Nga, Belarus và Kazakhstan hôm qua cũng nhất trí với nhau về “lộ trình” mở đường cho sự tham gia vào liên minh của Armenia – một quốc gia nhỏ bé từng trong khối Xô-viết ở Caucasus.
 
Tổng thống Putin cũng đã giảm giá khí đốt cho Armenia từ mức 270 USD xuống còn 189 USD/ 1.000 mét khối.
 
Theo Phó Thủ tướng thứ nhất của Nga – ông Igor Shuvalov, sẽ mất “khoảng nửa năm” để Armenia chính thức gia nhập vào liên minh thuế quan hiện nay.
 
Tổng thống Putin cho biết thêm, quốc gia Trung Á Kyrgyzstan cũng đang tiến hành các cuộc đàm phán ban đầu để gia nhập liên minh do Nga chủ trì và dẫn dắt.
 
Có thể nói, với sự trở lại cầm quyền của Tổng thống Putin, nước Nga đang ngày một giành được sức mạnh và ảnh hưởng trên trường quốc tế. Ông Putin liên tục “ghi điểm” trước Mỹ và Châu Âu, khiến vị thế và uy tín của ông này cũng như nước Nga không ngừng tăng lên trong năm nay.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc