Mỹ lỡ bước, Trung Quốc chớp thời cơ

11:54, 09/10/2013
|

(VnMedia) - Tận dụng cơ hội Tổng thống Barack Obama vắng mặt vì chính phủ Mỹ đóng cửa, Trung Quốc đã bước lên vũ đài chính trị ở Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) để kêu gọi thiết lập “một con đường tơ lụa” trên biển nối từ Trung Quốc đến Đông Nam Á.
 

Ảnh minh họa

 Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình


Tổng thống Barack Obama đã buộc phải hủy chuyến đi đến Châu Á để tham dự hội nghị APEC và cử Ngoại trưởng John Kerry đi thay ông do tình hình khủng hoảng ngân sách ở nước Mỹ. Đây được xem là cơ hội cho Trung Quốc.
 
"Trung Quốc không thể phát triển trong thế biệt lập với Châu Á-Thái Bình Dương và Châu Á-Thái Bình Dương cũng không thể thịnh vượng nếu không có Trung Quốc”, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã phát biểu như vậy tại hội nghị APEC. Nhà lãnh đạo Trung Quốc đã phát đi thông điệp hàm ý rằng, các nước trong khu vực có thể cần sự hợp tác của Trung Quốc hơn là sự ủng hộ của Mỹ.
 
Bắc Kinh cũng hy vọng, mối quan hệ hợp tác được tăng cường giữa các nước trong việc xây dựng “con đường tơ lụa” trên biển mà nước này đề xuất sẽ giúp làm dịu nhẹ đi những ảnh hưởng tiêu cực gây ra từ cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải giữa Trung Quốc với 4 nước láng giềng ở Biển Đông.
 
Chủ tịch Tập Cận Bình đã ký một loạt hợp đồng có trị giá lên tới 100 tỉ USD trong chuyến công du gần đây đến các nước Trung Á và Đông Nam Á. Điều này đã cho thấy, Trung Quốc đang nỗ lực hết sức để ve vãn các thị trường Châu Á. Giới phân tích tin rằng, sẽ có thêm nhiều hợp đồng “khủng” nữa được ký kết khi Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường có chuyến thăm đến 4 quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam và Thái Lan.
 
Việc Trung Quốc tăng cường tập trung vào các thị trường Châu Á cũng là tín hiệu lạc quan cho chuyến thăm sắp tới của Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh đến Bắc Kinh. Ấn Độ và Trung Quốc được cho là sẽ ký kết với nhau một một số thỏa thuận lớn, trong đó liên quan đến cả những vấn đề khó khăn như việc tiếp cận thị trường.
 
"Bắc Kinh cơ bản đã nói rằng, nước này sẽ đầu tư các dự án lớn trong khu vực. Đây là tín hiệu ngầm nhằm loại các công ty Mỹ ra khỏi khu vực Châu Á. Động thái này sẽ tạo lợi thế chiến lược cho Trung Quốc đồng thời giúp tạo thêm nhiều nhu cầu cho các nhà máy của quốc gia Châu Á này”, một chủ ngân hàng Mỹ đã nói như vậy.
 
Trung Quốc đang muốn khai thác hơn nữa các thị trường Châu Á để phục vụ cho nhu cầu xuất khẩu của họ trong bối cảnh thị trường Châu Âu và Mỹ đang bị thu hẹp dần.
 
Obama lo Mỹ “thất thế” ở Châu Á
 
Tổng thống Obama hôm qua (8/10) cũng đã thừa nhận rằng, Trung Quốc có thể tận dụng cơ hội ông vắng mắt trong các hội nghị thượng đỉnh ở Châu Á diễn ra tuần này để giành lợi thế trong khu vực. Ông chủ Nhà Trắng cảnh báo, việc chính phủ phải đóng cửa vì cuộc tranh cãi liên quan đến ngân sách đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Mỹ ở nước ngoài.
 
Tổng thống Obama tuần trước đã phải ra quyết định hoãn chuyến đi đến Indonesia và Brunei để tham dự các hội nghị mà ông rất coi trọng do tình trạng đóng cửa của chính phủ Mỹ. Trước đó, ông Obama và chính quyền Mỹ đã chuẩn bị trong nhiều tuần cho chuyến đi đến Châu Á tham dự hai hội nghị quan trọng của khu vực. Mỹ muốn thông qua việc tham dự các hội nghị này để củng cố thêm cho cam kết về việc Mỹ vẫn và luôn là một cường quốc Thái Bình Dương. Tuy nhiên, Washington đã bỏ lỡ cơ hội rất quý này.
 
Tại cuộc họp báo ngày hôm qua, ông Obama cho biết, đáng ra ông đã có thể thực hiện chuyến công du đến Châu Á để thúc đẩy một thỏa thuận thương mại trong khu vực và tạo ra thế đối trọng với Trung Quốc.
 
Ông Obama từng hy vọng sẽ đẩy nhanh tiến trình đàm phán về thỏa thuận thương mại Đối tác Xuyên Thái Bình Dương trong chuyến công du Châu Á đợt này. Các cuộc đàm phán này liên quan đến 12 quốc gia và mục đích là tạo lập một liên minh thương mại tự do kéo dài từ Việt Nam đến Chi lê và Nhật Bản.
 
Mỹ hôm qua bày tỏ hy vọng thỏa thuận trên sẽ được ký kết vào cuối năm nay bất chấp sự phản đối của một số nước và sự vắng mặt của Tổng thống Obama trong hội nghị thượng đỉnh khu vực.
 
Việc ông Obama hủy bỏ chuyến công du đến Châu Á, trong đó có cả hai chặng dừng chân ở Malaysia và Philippines, đã làm dấy lên những hoài nghi về chiến lược chuyển hướng trọng tâm vào Châu Á của Mỹ. Chính quyền Obama trong thời gian qua đã nỗ lực thực hiện cái mà họ gọi là chiến lược quay trở về Châu Á với mục đích chính là nhằm tăng cường ảnh hưởng kinh tế và quân sự của Mỹ trong khu vực trước sự nổi lên ngày một nhanh chóng của Trung Quốc. Trong bối cảnh Trung Quốc đang có tranh chấp lãnh thổ quyết liệt với một loạt các nước láng giềng, chiến lược của Mỹ được một số nước Châu Á hoan nghênh.
 
Tuy nhiên, với sự vắng mặt của Tổng thống Obama tại hai hội nghị quan trọng của Châu Á tuần này, nhiều nước không khỏi có những hoài nghi về chính sách của Mỹ. Đặc biệt, các nước đồng minh thân thiết nhất của Mỹ trong khu vực như Philippines và Nhật Bản không khỏi cảm thấy có chút hoang mang, lo lắng.


Vân Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc