(VnMedia) - Theo một báo cáo tình báo của Mỹ vừa được tiết lộ, Triều Tiên đã đạt được bước tiến dài trong chương trình hạt nhân đến mức nước này có thể đưa đầu đạn hạt nhân lên tên lửa đạn đạo của họ. Đây là thông tin thực sự gây chấn động trong bối cảnh Bình Nhưỡng đang “tung” ra một loạt những lời đe dọa đáng sợ liên quan đến tấn công hạt nhân.
Tên lửa Triều Tiên trong một lần phóng thử không được xác định rõ thời gian. |
Bản phân tích tình báo mới của Mỹ được tiết lộ ngày hôm qua (11/4) tại một phiên điều trần trong Quốc hội. Trong bản báo cáo này, giới tình báo của Lầu Năm Góc đã cho biết, họ “có niềm tin nhất định” vào việc Triều Tiên đã có thể đưa đầu đạn hạt nhân lên tên lửa đạn đạo. Tuy nhiên, vũ khí hạt nhân của Triều Tiên chưa đáng tin cậy.
Trước Quốc hội Mỹ, Thượng nghị sĩ Doug Lamborn, đã đọc to những gì mà ông tuyên bố là được rút ra từ một tài liệu mật của Cơ quan Tình báo Quốc phòng. Tài liệu này đã được cung cấp cho một số thành viên Quốc hội.
Kết luật gây sốc trong bản báo cáo của Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ sau đó đã được xác nhận bởi một cố vấn cấp cao giấu tên của Quốc hội. Ông này cho biết, Lầu Năm Góc không chính thức công bố nội dung của bản báo cáo được đưa ra từ hồi tháng 3 này.
Mặc dù tiết lộ Triều Tiên đã có thể đưa đầu đạn hạt nhân lên tên lửa, bản báo cáo của tình báo Mỹ đã không cung cấp bất kỳ thông tin nào liên quan đến tầm bắn của những tên lửa có gắn đầu đạn hạt nhân của Bình Nhưỡng. Phần lớn kho vũ khí tên lửa của Triều Tiên có thể vươn tới toàn bộ lãnh thổ Hàn Quốc và Nhật Bản nhưng Nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong Un mới đây đã lớn tiếng tuyên bố sẽ bắn tên lửa tới tận lục địa Mỹ.
Thông tin về việc Bình Nhưỡng đã có trong tay tên lửa mang đầu đạn hạt nhân đã khiến Tướng Martin Dempsey – Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, hoàn toàn choáng váng. Ông này cho biết, ông chưa từng nhìn thấy bản báo cáo đó và từ chối các câu hỏi xoay quanh nó.
Tại phiên điều trần của Ủy ban Vũ trang Thượng viện, ông Lamborn đã hỏi ông Dempsey rằng liệu ông ấy có đồng ý với nội dung của bản báo cáo trên hay không. Ông Dempsey đã trả lời: “Bạn nói rằng, nó không được công bố một cách công khai, vì vậy, tôi chọn cách không bình luận gì về nó”.
Tuy nhiên, đánh giá của Cơ quan Tình báo Quốc phòng khá phù hợp với những gì mà Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ phát biểu hôm 10/4. Khi được hỏi tại một cuộc họp báo của Lầu Năm Góc rằng liệu Bình Nhưỡng đã có khả năng đưa đầu đạn hạt nhân lên một tên lửa đạn đạo có tầm bắn tới Nhật Bản hoặc xa hơn hay không, ông Dempsey đã trả lời, mức độ tiến bộ trong hoạt động chế tạo đầu đạn hạt nhân đủ nhỏ để đưa lên đầu tên lửa hoàn toàn là một thông tin bí mật. Tuy nhiên, ông Dempsey không loại trừ khả năng Triều Tiên đã đạt được công nghệ này.
"Họ đã thực hiện ba vụ thử hạt nhân. Họ cũng thực hiện thành công nhiều vụ phóng thử tên lửa đạn đạo. Và trong khi chúng ta chưa có bằng chứng chứng minh điều ngược lại thì chúng ta phải tính đến trường hợp xấu nhất. Đó là lý do tại sao chúng ta phải ở tư thế sẵn sàng như hiện tại”, ông Dempsey đã phát biểu như vậy. Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ rõ ràng đang ám chỉ đến các hoạt động tăng cường năng lực phòng thủ tên lửa của Mỹ ở Thái Bình Dương trong thời gian gần đây.
Liệu tên lửa hạt nhân Triều Tiên có thể chạm đến Mỹ?
Cũng tại phiên điều trần ở Quốc hội, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã được hỏi về khả năng của tên lửa Triều Tiên. Khi được hỏi, liệu Bình Nhưỡng đã có khả năng tấn công vào lục địa Mỹ bằng vũ khí hạt nhân hay chưa, Bộ trưởng Hagel đã trả lời là chưa.
"Tuy nhiên, liệu điều đó có phải có nghĩa là họ sẽ không có được vũ khí như thế, không thể có nó hoặc là sẽ không phát triển nó. Không, hoàn toàn không phải như vậy. Đó là lý do tại sao tình hình hiện nay lại nguy hiểm như vậy", ông Hagel cho biết.
Kể từ đầu tháng 3, Hải quân Mỹ đã điều hai tàu chiến hiện đại được trang bị lá chắn tên lửa đến sát bờ biển của bán đảo Triều Tiên như môt phần trong nỗ lực bảo vệ lãnh thổ Guam của họ trước một cuộc tấn công tên lửa có thể xảy ra từ phía Bình Nhưỡng. Lầu Năm Góc cũng thông báo kế hoạch lắp đặt thêm một hệ thống phòng thủ tên lửa mặt đất hiện đại hơn ở Guam cùng với kế hoạch dàn 14 tên lửa đánh chặn ở Alaska được thông qua trước đó.
Ngày hôm qua (11/4), Lầu Năm Góc tiếp tục thông báo triển khai thêm một hệ thống radar tối tân trên biển để phát hiện tên lửa Triều Tiên.
Tất cả những hoạt động trên được Mỹ tuyên bố là nhằm để bảo vệ chính họ và các nước đồng minh Hàn Quốc, Nhật Bản trước những cuộc tấn công từ phía Triều Tiên.
Phát biểu từ Văn phòng Bầu dục, Tổng thống Barack Obama hôm qua tuyên bố, ông muốn nhìn thấy căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên được giải quyết thông qua các con đường ngoại giao. Tuy nhiên, ông chủ Nhà Trắng cũng nhấn mạnh: “Mỹ sẽ thực hiện tất cả các bước đi cần thiết để bảo vệ người dân”.
Theo Nhà lãnh đạo Mỹ, “bây giờ là lúc Triều Tiên cần phải chấm dứt cách tiếp cận hiếu chiến mà họ đã áp dụng lâu nay và cố gắng hạ nhiệt tình hình”.
Kiệt Linh -
(tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc