Đất nước Iraq đang oằn mình dưới tác động dồn dập của tình trạng khủng hoảng chính trị, xã hội và kinh tế. Mười năm sau khi Mỹ tấn công và chiếm đóng Iraq, những căng thẳng giữa 3 sắc tộc chính - Shiite, Sunni và Kurd - đã nghiêm trọng đến mức có thể nổ ra nội chiến. "Chẳng có sự tin tưởng nào giữa các quan chức cầm quyền cả" - một giới chức chính trị giấu tên, cho biết.
Tại Iraq, cuộc khủng hoảng đã trở nên trầm trọng từ cuối năm 2011 trước sự điềm nhiên của cộng đồng quốc tế do đang bị cuốn hút bởi cuộc chiến tại Syria, "mùa xuân Arập" và cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Mỹ và Anh cố che đậy các bằng chứng rằng sự tấn công và chiếm đóng Iraq đã cho ra đời một trong những chính phủ "loạn" nhất thế giới. Bạo loạn và mất ổn định đã kéo dài quá lâu đến mức cả người dân Iraq và người nước ngoài đều vô cảm trước các dấu hiệu cho thấy rằng dù đã tồi tệ nhưng tình trạng có thể còn thê thảm hơn nữa.
Tổng cộng các thất bại của những chính phủ kế tiếp nhau thời hậu Hussein đã đạt đến mức "khủng" xét theo phương tiện tài chính đã được trợ cấp. Nếu nhiều người dân Iraq đã ăn mừng sự sụp đổ của Saddam Hussein vào năm 2003, một phần bởi vì họ tin rằng những chính phủ tiếp theo sẽ giúp họ tìm lại được một cuộc sống bình thường sau nhiều năm chiến tranh và chịu chế tài quốc tế. Giờ đây họ buồn bã nhận ra rằng họ đã lầm, cho dù mỗi năm Iraq thu được gần 100 tỉ USD lợi tức từ dầu hỏa. Baghdad không hề có một tòa nhà dân sự mới nào, và đa số những kiến trúc mới xây đều như pháo đài hoặc là tiền đồn quân sự. Trên đường phố Bassorah, người ta thấy các bầy dê đang sục sạo tìm thức ăn giữa những lỗ cống và bãi rác.
Một cơn mưa tầm tã đổ xuống Baghdad suốt nhiều ngày. Hệ thống thoát nước mà các nhà thầu Iraq hay nước ngoài đã xây những năm gần đây tỏ ra không hiệu quả. "Từ năm 2003, gần 7 tỉ USD đã được đầu tư để nâng cấp hệ thống thoát nước cho Baghdad, thế nhưng hoặc là hệ thống không được xây dựng hoặc là nó được thiết kế quá tồi" - cố vấn Shirouk Abayachi ở Bộ Tài nguyên nước, cho biết.
Người dân Iraq mong đợi một sự cải thiện các điều kiện an ninh và một chính phủ hậu Saddam nhưng hy vọng của họ đã tiêu tan. Tuy những cảnh bạo lực đã giảm nhiều so với các vụ tàn sát vào năm 2006-2007 nhưng Baghdad và miền Trung Iraq vẫn là những địa điểm nguy hiểm nhất hành tinh xét về tầm mức các vụ oanh kích, ám sát và bắt cóc. Vấn đề đã vượt quá nạn bạo lực chính trị đang đầu độc cuộc sống người dân mà đây là sự chia rẽ xã hội đang đẩy nhiều người Iraq quay sang công lý bộ lạc thay vì cảnh sát và tòa án. "Nếu bạn gặp tai nạn giao thông, không cần biết bạn có lỗi hay không, điều quan trọng là bạn thuộc bộ tộc nào" - một phụ nữ cho biết.
Cảm giác bất an trước pháp luật này cũng lan sang cuộc sống chính trị. Nếu người ta ít lo sợ hơn so với thời Saddam, không phải vì các cơ quan an ninh ít tàn ác hay ít tham nhũng hơn mà chỉ vì ít hiệu quả hơn. Thủ tướng Nuri Al-Maliki cầm quyền từ năm 2006 cố duy trì sự độc lập với quân đội, cơ quan tình báo, chính phủ và ngân sách, đồng thời cũng muốn cho thuộc hạ có được phần lợi trong những hợp đồng.
Những quan chức thời “hậu Saddam Hussein” và Chính phủ Mỹ đã cay đắng rút ra bài học rằng, Iraq không thể bị cai trị bằng vũ lực. Thủ tướng Al-Maliki phải mất nhiều thời gian mới hiểu ra điều đó. Ảnh hưởng của các cộng đồng sắc tộc và tôn giáo rất đáng kể nên chính quyền rất khó áp đặt được uy quyền, ngoài ra còn có sự trung thành của mỗi người dân đối với một bộ tộc, một phe nhóm hay một dòng họ.
Khi rút khỏi Iraq, người Mỹ lo ngại sẽ để lại một khoảng trống về an ninh phía sau. Như thế tức là chưa hiểu rõ đời sống chính trị của Iraq. "Iraq thời hậu Saddam dựa trên sự nhất trí giữa 3 cộng đồng. Nhưng sự nhất trí chính trị này đã tan vỡ. Những tổn thất chưa phải là không thể sửa chữa, nhưng nếu thất bại, kết thúc của Iraq là sự chia rẽ sẽ khó tránh được" - một quan chức cho biết.
Nhiều người khác cho rằng, Thủ tướng Iraq đã làm trầm trọng thêm và khai thác những chia rẽ chính trị để được yên vị. Đứng đầu cộng đồng Shiite vốn chiếm 3/5 dân số, Thủ tướng nuôi dưỡng nỗi lo sợ của cộng đồng bằng cách gợi nhắc rằng sự cầm quyền của ông đang bị đe dọa bởi cộng đồng Sunni. Năm qua ông đã cố liên kết người Shiite với người Sunni bằng cách huy động quân đội và đe dọa sẽ xâm chiếm các lãnh thổ dưới quyền kiểm soát của người Kurd.
Người Sunni đã bị ê chề với việc Saddam bị lật đổ, sự hình thành một liên minh Shiite và Kurd và cuộc nội chiến sắc tộc. Nhưng cuộc khủng hoảng tại Syria là một cơ may đối với họ. Ở ngưỡng cửa thành lũy Anbar và Nineveh của họ, cuộc chiến của người Sunni Syria đã tiếp thêm sức mạnh cho họ. Họ cũng được tiếp sức bởi các quốc gia Sunni như Thổ Nhĩ Kỳ, Arập Xêút và Qatar vốn ủng hộ phe Sunni đối lập ở Iraq.
Quả thật từ cuối tháng 12/2012 người Sunni ở Iraq đã biểu tình ôn hòa chống lại mọi dạng phân biệt. Dường như Al-Maliki và các cố vấn đã nhận thức được tầm quan trọng của phong trào này và sự phản công của người Sunni ở Trung Đông. "Nếu phe nổi dậy ở Syria chiến thắng, sẽ có nội chiến ở Liban, căng thẳng tại Jordan và bạo lực sắc tộc tại Iraq" - Al-Maliki đã cảnh báo trước.
Giáo sư Yahya Abbas cho biết: "Nếu bạn hỏi các sinh viên của tôi họ muốn gì, trong 95% trường hợp họ sẽ nói: "Muốn rời khỏi Iraq".
Ý kiến bạn đọc