Hàn Quốc: Khó khăn bủa vây nữ Tổng thống

14:05, 11/04/2013
|

Mỗi vị lãnh đạo mới lên nắm quyền đều có một khoảng thời gian êm dịu ban đầu được ví von là “tuần trăng mật”. Với bà Park Geun-hye, tuần trăng mật đó đã chấm dứt ngay cả khi nó chưa bắt đầu. Các nhà quan sát chính trị ở Hàn Quốc ghi nhận một thực tế rằng nữ Tổng thống đầu tiên của xứ sở kim chi đang bị bủa vây trong vô vàn khó khăn ngay trong tháng đầu tiên nắm quyền. Bà liên tục vấp phải sự phản đối của các đảng phái đối lập đối với các đề xuất chính sách mới và trong đề cử một số vị trí cấp cao trong nội các. những khó khăn này đang khiến cho bà Park bị chi phối, mất tập trung vào 2 vấn đề lớn nhất là khôi phục nền kinh tế và đối phó với CHDCND Triều Tiên.

Ngày 25/3 là tròn một tháng bà Park Geun-hye nhậm chức Tổng thống Hàn Quốc, trở thành nữ Tổng thống đầu tiên và là hậu duệ đầu tiên nối nghiệp cha lãnh đạo đất nước. Thường thì tháng đầu tiên luôn là thời gian dễ chịu nhất của một nhiệm kỳ tổng thống Hàn Quốc. Thế nhưng sau một tháng, bà Park vẫn chưa thể thành lập được nội các chính phủ mới. Có đến 6 đề cử nhân sự của bà đã bị các đảng phái đối lập bác bỏ vì nhiều lý do, và không ai trong số họ bị oan uổng cả.

Người mới nhất không được phê chuẩn là Han Man-soo, buộc phải rút khỏi danh sách đề cử chức Chủ tịch Cơ quan chống độc quyền hôm 25/3 vì chính ông ta bị cáo buộc đã tuồn hàng triệu USD ra nước ngoài nhằm né tránh việc đóng thuế thu nhập cá nhân trong nước.

Trước ông Han, các ứng viên đề cử bị gạt bỏ đều có dính líu bê bối, người thì dính vào chuyện gây ảnh hưởng chạy chức chạy quyền, người thì ăn hối lộ, còn người nữa thì dính phi vụ buôn bán vũ khí lậu… Đặc biệt nổi cộm nhất là ứng viên chức danh Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Jeong H. Kim, người Mỹ gốc Triều Tiên, từng làm lãnh đạo công ty Bell Labs ở Mỹ. Ông Kim rút lui khỏi vị trí được đề cử vào đầu tháng 3 vừa qua vì dư luận đã biết đến những vụ “đấu đá” bên trong Bộ Khoa học và Công nghệ.

Tuy nhiên, những người quan sát kỹ sự kiện thì không tin là thế, mà cho rằng ông Kim thoái lui là do vụ việc lùm xùm quanh cáo buộc ông này từng làm việc cho Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) trong 4 năm, từ năm 2007 đến 2011, với tư cách là thành viên hội đồng cố vấn bán thời gian.

Sự trì hoãn trong tiến trình thành lập nội các được bà Park cho là nguyên nhân làm chậm trễ nhiều kế hoạch kinh tế xã hội cũng như những quyết sách quan trọng khác của bà. Và trong suốt một tháng qua, bà Park chủ yếu dành thời gian để đàm phán, thương lượng với các đảng phái đối lập về kế hoạch đầy tham vọng là tái cơ cấu bộ máy chính quyền theo hướng tập trung mạnh vào khoa học và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tiến trình đàm phán đó đã đi đến kết quả đạt được thỏa thuận vào hạ tuần tháng 3.

Những lời chỉ trích đã bắt đầu vang lên từ nhiều phía đối với việc chậm thành lập nội các của bà Park cũng như việc chậm triển khai các chính sách cụ thể nhằm sớm chấn hưng nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng chung của kinh tế toàn cầu.

Lee Cheol-hee, một chuyên gia chính trị hàng đầu tại Viện Chiến lược chính trị Dumon nhận xét: "Một hai sự cố thì còn có thể chấp nhận được, nhưng có tới 6 đề cử bị bác bỏ thì phải xem lại phong cách lãnh đạo của bà Tổng thống. Có vẻ như bà ấy chỉ nghĩ đơn giản rằng bà chỉ cần đưa ra một danh sách ứng viên mà bà ấy thích, không cần nghĩ xem những thành tích và lý lịch đạo đức của họ có phù hợp với công việc bà phân công hay không".

Phát ngôn viên Lee Mi-yeon biện hộ thay cho bà Tổng thống rằng những ứng viên được đề cử đều là những người mới và có năng lực khác nhau. Nhưng họ bị bác bỏ vì phe đối lập cố tình gây khó khăn cho bà Tổng thống. "Tổng thống chọn người dựa trên kiến thức chuyên môn và năng lực của cá nhân họ. Họ đều là những người bà Park quen biết thông qua nhiều hoạt động khác nhau". Ông Lee cho rằng, đa số các trường hợp ứng viên bị bác bỏ đều liên quan đến lý lịch, thành tích của bản thân người đó hơn là về phong cách lãnh đạo, cách chọn dùng người của bà Park.

Ngoài ra, người ta cũng đánh giá không tốt về năng lực lãnh đạo của bà Park khi cho rằng đã một tháng sau khi nhậm chức mà bà Park vẫn chưa đưa ra kế hoạch cụ thể để xử lý các vấn đề cấp bách của đất nước, trong đó quan trọng nhất là chính sách đối với CHDCND Triều Tiên và các vấn đề về kinh tế. Người ta nóng lòng muốn biết bà sẽ xử trí thế nào đối với sự lo lắng của dân chúng về trình trạng công ăn việc làm bấp bênh khiến cho đời sống khó khăn, tình trạng nợ nần trong dân chúng và khoảng cách thu nhập quá xa giữa người thu nhập thấp và thành phần giàu có, thu nhập cao trong xã hội.

Thực tế, bà Park cũng đã cố gắng thực hiện lời hứa của mình, như thành lập một quỹ "cứu nợ" trị giá 1,35 tỉ USD nhằm hỗ trợ cho khoảng nửa triệu người Hàn Quốc đang lâm nợ mất khả năng chi trả. Tuy nhiên, mức tiền quỹ này vẫn còn quá nhỏ bé so với những gì bà đã hứa lúc tranh cử.

Lý giải về những khó khăn của Tổng thống Park, có ý kiến cho rằng nó xuất phát từ ngay chính việc bà là người phụ nữ đầu tiên làm Tổng thống trong một đất nước mà hệ thống xã hội và chính trị còn đang phân hóa giữa các giá trị cũ và mới, giữa quan điểm bảo thủ và dân chủ, hiện đại. Mặt khác, bà Park cũng còn mang trên vai gánh nặng hành trang lịch sử vì là con gái lớn của một “danh gia vọng tộc” bậc nhất Hàn Quốc.


Báo Điện tử VnMedia

Ý kiến bạn đọc