Ứng viên sáng giá chức danh Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ

13:12, 27/03/2013
|

Sau thất bại tại cuộc bầu chọn Ngoại trưởng, nhiều người tưởng bà cựu Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Susan Rice tiêu tan sự nghiệp, nhưng không, bà đang trở lại một cách ngoạn mục: ứng viên hàng đầu một trong những chức danh quan trọng nhất trong bộ sậu an ninh của Tổng thống Barack Obama, Cố vấn An ninh quốc gia, thay thế ông Thomas E. Donilon.

Việc được đưa vào danh sách ứng viên sáng giá nhất cho chức Cố vấn an ninh quốc gia là một bước ngoặt lớn theo chiều hướng tích cực đối với bà Susan Rice. Việc thất bại trong cuộc bầu chọn ngoại trưởng hồi tháng 12/2012 chính là hậu quả của những lần lên truyền hình trước đó với những phát ngôn thiếu chuẩn xác về vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2012 ở Benghazi khiến 4 người Mỹ thiệt mạng, trong đó có Đại sứ Christopher Stevens. Một trận "bão" chỉ trích từ phía đảng Cộng hòa kèm sau đó là sự phản đối quyết liệt của các nghị sĩ Cộng hòa trong Quốc hội đã buộc bà Rice phải tự rút lui.

Kể từ đó, bà Rice cố tìm cách vượt qua thất bại, xem đó như một "sự cố" nhỏ. Đội ngũ cố vấn, chuyên viên giúp việc cho bà đã tổ chức một bức màn "bảo vệ" an toàn nhằm ngăn chặn mọi sự cố nhỏ khác có thể rình rập bất cứ lúc nào.

Tháng 2/2013, Susan Rice đánh dấu sự trở lại sân khấu chính trị quốc gia bằng việc xuất hiện trên chương trình Daily Show của Trung tâm hài quốc gia của nghệ sĩ Jon Stewart để châm biếm những lời chỉ trích dành cho bà trước đây. Tuy không còn được các phương tiện truyền thông đại chúng quan tâm đến, nhưng vị trí của bà Rice trong bộ sậu chính quyền của Tổng thống Obama thì vẫn còn, thậm chí là rất vững chắc.

Các nghị sĩ đảng Dân chủ cho rằng, vụ việc Benghazi giờ đây hầu như đã lắng xuống và không còn mấy ai quan tâm nhắc tới nữa. "Theo chiều hướng chung của sự kiện, vụ Benghazi không làm suy yếu bà ấy chút nào. Tôi nghĩ Tổng thống có lòng tin ở bà ấy" - nhận xét của Eliot Engel, nghị sĩ đảng Dân chủ bang New York.

Năm nay mới 48 tuổi, bà Rice được cho rằng vẫn còn nhiều khả năng tiếp tục làm việc bên cạnh Tổng thống Obama. Các đồng nghiệp của bà ở Liên Hiệp Quốc còn đoan chắc rằng, bà Rice không sớm thì muộn cũng sẽ làm Cố vấn An ninh quốc gia cho Tổng thống Obama. Điều đó có thể xảy ra vào tháng 7 tới đây, khi ông Donilon nghỉ hưu, và cũng là dịp nước Mỹ đảm nhận vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an LHQ.

Hiện tại, tuy không làm việc ồn ào, nhưng bà Rice vẫn đang đóng vai trò chính trong nỗ lực đàm phán 2 nghị quyết nhằm tăng cường các biện pháp trừng phạt CHDCND Triều Tiên tại Hội đồng Bảo an LHQ. Một số đồng nghiệp tại LHQ đều nhìn nhận vụ việc Benghazi là một thất bại để lại "vết sẹo" trong sự nghiệp của bà Rice, nhưng "bà ấy vẫn ngẩng cao đầu và đi tới". Là người đảm nhiệm chức Đại sứ Mỹ tại LHQ lâu nhất kể từ thời Cabot Lodge Jr, Rice vẫn được nhiều đồng nghiệp nể nang bởi tính cách mạnh mẽ và quyết đoán của bà trong nhiều vấn đề lớn, quan trọng liên quan đến lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ.

Giới phân tích cho rằng, khi bước vào vị trí Cố vấn An ninh quốc gia, bà Rice sẽ có dịp vận dụng những kinh nghiệm công tác, kể cả những bài học từ giai đoạn công tác trước đây trong chính quyền Bill Clinton và cả trong nhiệm kỳ I của ông Obama. Thời Tổng thống Clinton, Susan Rice từng làm việc trong Hội đồng An ninh quốc gia giai đoạn 1993-1997, trong đó có công việc liên quan đến việc gìn giữ hòa bình và các sự vụ châu Phi. Đặc biệt là giai đoạn đó, bà Rice đã chứng kiến việc nước Mỹ thất bại như thế nào trong vụ diệt chủng ở Rwanda năm 1994. Bà Rice đã nói một câu khá nổi tiếng kể từ sau vụ việc đó: "Tôi thề với lòng là nếu tôi mà gặp lại vụ việc tương tự, tôi sẽ nhảy vào hành động ngay, kể cả nhảy vào lửa nếu cần".

Tuy nhiên, một số nghị sĩ đảng Cộng hòa trước đây từng chỉ trích và phản đối việc chọn bà làm ngoại trưởng thì cho rằng vết ố từ vụ việc Benghazi sẽ còn mãi. Hơn nữa, các chính khách phản đối bà vẫn quan tâm đến những lời phát ngôn ngoại giao đôi khi quá đà của bà cựu Đại sứ Mỹ tại LHQ, cũng như việc bà có thái độ ủng hộ đối với một số chính khách gây tranh cãi ở châu Phi, như Tổng thống Rwanda Paul Kagame - bị lên án vì dính líu đến bạo lực đẫm máu ở nước láng giềng Congo; hay như cựu lãnh đạo khét tiếng của Uganda, Idi Amin. Việc một chính khách làm công tác đối ngoại của Mỹ tỏ ra thân thiện và có những nhận xét có phần tốt đẹp đối với 2 nhân vật này là điều hiếm có, vì những phát ngôn của bà Rice thể hiện một phần quan điểm và đường lối đối ngoại của nước Mỹ.

Sau vụ việc rò rỉ thông tin liên quan đến việc bà Rice phản đối LHQ trừng phạt Rwanda cùng hàng loạt vụ rò rỉ thông tin trong các cuộc trao đổi, nói chuyện kín tại LHQ, nước Mỹ đã than phiền với nước Pháp về các nghi ngờ rò rỉ thông tin, đồng thời khuyến cáo rằng một số quan chức và chuyên gia của Pháp sẽ không được phép tiếp cận và nói chuyện với bà Rice nữa. Và sau khi thông tin về việc bà Rice ủng hộ LHQ đưa quân gìn giữ hòa bình đến Mali bị rò rỉ trên các phương tiện truyền thông đại chúng, Văn phòng của bà tại LHQ ra thông báo sẽ hạn chế tối đa thành phần tham dự các cuộc họp kín của bà.

Erin Pelton, phát ngôn viên của bà Rice cho báo chí biết: "Dưới thời Đại sứ Rice, nước Mỹ đàm phán riêng và đầy tin cậy với các đồng nghiệp tại Hội đồng Bảo an. Chúng tôi không rò rỉ nội dung các cuộc nói chuyện mang tính chất nhạy cảm bởi vì chúng tôi không muốn làm hỏng tính hiệu quả của các cuộc đàm phán".


Báo Điện tử VnMedia

Ý kiến bạn đọc