Trung Quốc củng cố hợp tác chiến lược với Nga

18:47, 25/03/2013
|

(VnMedia) - Tân Chủ tịch Trung Quốc – ông Tập Cận Bình hôm qua (24/3) đã khẳng định, Trung Quốc và Nga sẽ tiếp tục củng cố và phát triển mối quan hệ chiến lược về quân sự và chính trị, trong đó có mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa lực lượng vũ trang hai nước.

Ảnh minh họa
Ông Tập Cận Bình

Ông Tập Cận Bình vừa có chuyến thăm chính thức kéo dài 3 ngày đến Nga. Đây là chặng dừng chân đầu tiên trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông này trên cương vị là Chủ tịch nước Trung Quốc. Trong chương trình nghị sự của mình, ông Tập Cận Bình hôm qua (23/3) đã có cuộc gặp với giới lãnh đạo quân sự Nga tại Trung tâm Chỉ huy Chiến dịch của Lực lượng Vũ trang Nga.
 
Ông Tập Cận Bình là Nguyên thủ nước ngoài đầu tiên từ trước đến nay được phép đi vào trong khu vực được coi là “trái tim” của lực lượng quân đội Nga.
 
“Chuyến thăm của tôi đến Bộ Quốc phòng Nga là nhằm để khẳng định mối quan hệ chiến lược quân sự, chính trị giữa hai nước sẽ được củng cố như mối quan hệ hợp tác giữa Lực lượng Vũ trang Nga và Trung Quốc”, tân Chủ tịch Tập Cận Bình đã nói như vậy với Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu.
 
Ông Shoigu hôm qua cũng đã có các cuộc hội đàm với người đồng cấp Trung Quốc Chang Wanquan.
 
Cho tới nay, phần lớn mối quan hệ thân thiết ràng buộc giữa Nga và Trung Quốc được thiết lập và củng cố trong nghị trường của Liên Hợp Quốc. Đây là nơi Nga, Trung – hai nước thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an, từ năm 2005 đã thường xuyên thể  hiện một lập trường chung, thống nhất chống lại phương Tây và các đồng minh của họ.
 
Nga và Trung Quốc đã đứng bên cạnh nhau trong cuộc xung đột ở Libya năm 2011 và giờ đây là cả cuộc nội chiến đẫm máu ở Syria - đồng minh của Moscow. Ngoài ra, cả Moscow và Bắc Kinh đều phản đối kế hoạch phát triển hệ thống lá chắn tên lửa của Mỹ vượt ra khỏi phạm vi biên giới nước này. Đây hiện đang trở thành vấn đề cấp bách đối với Bắc Kinh sau khi Washington hồi tuần trước thông báo sẽ triển khai một dàn tên lửa đánh chặn ở Alaska thay vì Ba Lan như trước đây.
 
Từ năm 2005 đến nay, Nga và Trung Quốc đã tổ chức một số cuộc tập trận chung trong khuôn khổ của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải. Tổ chức này còn có các thành viên Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan.
 
Cũng từ những năm 1990, Trung Quốc đã trở thành một trong những nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất của Nga với đỉnh cao là năm 2005 khi tổng giá trị hợp đồng mua vũ khí của Trung Quốc ở thị trường Nga lên tới gần 4 tỉ USD. Sau đó, hoạt động này đã có thời điểm chững lại, giảm xuống còn 800 triệu USD năm 2009 nhưng lại tăng bật lên 2,1 tỉ USD hồi năm ngoái.

Việc ông Tập Cận Bình chọn Moscow là điểm đến đầu tiên trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên trên cương vị mới đã cho thấy tân Chủ tịch Trung Quốc coi trọng Nga như thế nào. Chuyến thăm này được giới phân tích đánh giá là có nhiều ý nghĩa ẩn bên trong ngoài việc đơn thuần phát triển mối quan hệ kinh tế giữa hai nước.

Các nhà phân tích tin rằng, tân Chủ tịch Trung Quốc muốn dùng chuyến thăm sắp tới để “ve vãn”, lôi kéo Nga về phía mình nhằm làm đối trọng với Mỹ. Bắc Kinh được cho là đang bị Mỹ dùng chiến lược chuyển hướng trọng tâm về khu vực Châu Á để khép chặt vòng vây xung quanh nước này. Vì thế, Trung Quốc đang tìm cách đáp trả hành động của Mỹ.

 

Bằng cách lựa chọn Nga, tân Chủ tịch Trung Quốc muốn thể hiện với thế giới mối quan hệ gắn bó chặt chẽ giữa Trung Quốc với Nga. Thông qua đó, Nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc cũng muốn cho Mỹ thấy, sức mạnh của Trung Quốc kết hợp với một cường quốc lớn như Nga sẽ khó đối phó như thế nào.

 

Nga và Trung Quốc không chỉ chia sẻ khá nhiều điểm chung trên mặt trận ngoại giao quốc tế mà còn có một địch thủ chung là Mỹ. Cả Nga và Mỹ đều đối đầu với Mỹ về vấn đề lá chắn tên lửa, nhân quyền... Ngoài ra, mỗi nước đều có những mâu thuẫn riêng với cường quốc số 1 thế giới. Nếu như Nga giành giật ảnh hưởng với Mỹ ở khu vực Đông Âu, Trung Đông thì Trung Quốc giành giật quyền thống trị với Mỹ ở khu vực Châu Á, Châu Phi. Trung Quốc và Mỹ còn mâu thuẫn với nhau về vấn đề kinh tế, Đài Loan.....


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc