Vì sao Trung Quốc "thèm khát" Su-35 của Nga?

14:57, 26/03/2013
|

(VnMedia) - Mấy ngày gần đây, nhiều nguồn tin trái chiều từ cả Nga và Trung Quốc đã được đưa ra xung quanh việc Bắc Kinh đạt được một hợp đồng mua 24 chiến đấu cơ Su-35 của Nga. Hợp đồng trị giá lên tới hơn 2 tỉ USD này bao gồm cả 4 chiếc tàu ngầm lớp Lada.
 
Nếu thông tin trên là đúng thì đây chính là hợp đồng vũ khí lớn nhất mà Trung Quốc ký với Nga trong một thập kỷ qua.

Trước đó, hôm qua (25/3), một số nguồn tin cho biết, Nga và Trung Quốc đã ký kết được hợp đồng vũ khí "khủng" trên trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Tân Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình, trong một nỗ lực nhằm tăng cường hợp tác quốc phòng giữa hai bên.

Ngay sau khi thông tin trên được đưa ra, một nguồn tin trái chiều dẫn lời một chuyên gia quân sự Nga khẳng định, Moscow phủ nhận hoàn toàn thông tin về việc ký kết hợp đồng vũ khí với Trung Quốc. Ông Vasiliy Kashin – một chuyên gia về quân sự Trung Quốc thuộc Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ (CAST) ở thủ đô Moscow, còn bác bỏ cả việc thảo luận về vấn đề mua bán vũ khí giữa hai bên trong chuyến công du của Tân Chủ tịch Tập Cận Bình trong chuyến công du tới Nga lần này. 

 Ảnh minh họa

 Chiến đấu cơ Su-35


Hiện chính phủ Nga chưa chính thức lên tiếng thừa nhận hay bác bỏ việc ký kết hợp đồng vũ khí với Trung Quốc.

Tuy nhiên, những bình luận của chuyên gia quân sự Kashin có thể có logic  bởi Nga từ lâu vẫn tỏ ra chưa sẵn sàng muốn bán một trong những chiến đấu cơ thiện chiến nhất và hiện đại nhất của nước này cho Trung Quốc vì e ngại việc Trung Quốc sao chép công nghệ vũ khí tối tân của họ.
 
Trước đó, Trung Quốc đã từng một lần làm Nga “phật ý” vì cố tình vi phạm các thỏa thuận được đưa ra trong Luật Sở hữu Trí tuệ (IPR) khi sao chép công nghệ từ chiến đấu cơ Su-27 của Nga để chế tạo J-11B của họ. 

Trong năm 1995, Trung Quốc đã ký một hợp đồng với Nga để chế tạo 200 chiếc Su-27SK hay còn gọi là J-11A với trị giá 2,5 tỉ USD. Nhưng đến năm 2006, Nga đã hủy hợp đồng này sau khi phát hiện Trung Quốc sao chép công nghệ của mình để bí mật sản xuất một phiên bản tự chế có tên là J-11B. Theo nhiều nhà phân tích, đây là lý do chính ngăn cản Nga bán vũ khí tối tân cho Trung Quốc.

Sức mạnh của chiến đấu cơ Su-35

Chiến đấu cơ Su-35 từ lâu đã là loại vũ khí mà quân đội Trung Quốc đang săn đón. Vậy vì sao Trung Quốc lại "thèm khát" loại chiến đấu cơ hiện đại này đến như vậy?

Các chuyên gia đánh giá rằng, sở dĩ, Trung Quốc muốn có được loại vũ khí tối tân này của Nga là bởi vì những chiếc tiêm kích Su-35 trước mắt sẽ giúp Trung Quốc giảm áp lực cho hệ thống phòng không của nước này trước khi những chiếc chiến đấu cơ tàng hình tự chế đầu tiên của Trung Quốc có thể cất cánh được.

Tuy nhiên, cũng có một lý giải khác, đó là việc nước này “thèm khát” công nghệ động cơ tuốc bin phản lực cánh quạt đẩy Saturn 117S (hay còn gọi là AL-41F1A) trang bị cho Su-35. Với việc có trong tay loại động cơ này, Trung Quốc sẽ sao chép và trang bị cho tiêm kích tàng hình J-20 đang thử nghiệm của mình.

 Ảnh minh họa

 Động cơ tuốc bin phản lực cánh quạt đẩy Saturn 117S (hay còn gọi là AL-41F1A) trang bị cho Su-35.


Vấn đề động cơ vẫn là vấn đề gây đau đầu của công nghiệp hàng không Trung Quốc. Trong suốt nhiều năm, nước này vẫn không thể chế tạo động cơ tiên tiến trang bị cho tiêm kích tối tân. Hiện nay, nhiều mẫu máy bay chiến đấu Trung Quốc vẫn phải sử dụng động cơ Nga, trong đó có cả tiêm kích J-20.

Ngoài ra, Su-35 còn là chiến đấu cơ có sức mạnh và những tính năng ưu việt, không chỉ Trung Quốc mà còn nhiều quốc gia khác muốn được sở hữu.

Sukhoi Su-35S là máy bay tiêm kích hạng nặng, tầm xa, đa năng có khả năng chiếm ưu thế trên không và yểm hộ hỏa lực mặt đất. Bản thân chiến đấu cơ thế hệ 4++ này có dải công tác rất rộng, bao gồm cả khả năng độc lập tác chiến. Tính năng chiến đấu của Su-35 có thể tương đương với nhiều dòng máy bay thế hệ 5. Nó được ca ngợi là “máy bay tiêm kích thế hệ 4++ sử dụng công nghệ thế hệ thứ 5”.
 
Máy bay chiến đấu ưu việt Su-35 hoạt động bằng hai động cơ phản lực 117S có véc-tơ điều khiển cung cấp lực đẩy. Su-35 sở hữu khả năng tấn công hiệu quả vượt trội hơn so với rất nhiều loại chiến đấu cơ tối tân khác cùng loại của phương Tây khi có thể tấn công cùng lúc nhiều mục tiêu trên không bằng việc sử dụng cả các tên lửa và hệ thống vũ khí có điều khiển và không điều khiển. Cụ thể, máy bay tiêm kích Su-35 thế hệ 4++ có thể cùng một lúc theo dõi 30 mục tiêu, phát hiện mục tiêu ở cách xa 400km và tấn công đồng thời 8 mục tiêu trên không, hoặc cùng một lúc theo dõi 4 mục tiêu và tấn công 2 mục tiêu trên mặt đất.
 
Máy bay chiến đấu Su-35 được trang bị một khẩu pháo 30mm với 150 viên đạn, và có thể mang tới 8 tấn vũ khí trên 12 giá treo bên ngoài. Loại máy bay chiến đấu tối tân này có thể bay 6.000 giờ với thời gian sử dụng khoảng 30 năm.

Tiêm kích Su-35 có thế đạt tốc độ tối đa đạt 2,5 nghìn km/h và có tầm bay lên đến 3,4 nghìn km. Bán kính tác chiến của máy bay tiêm kích này đạt 1,6 nghìn km. 
 
Su-35 cất cánh lần đầu tiên vào ngày 19/2/2008 và bắt đầu được sản xuất hàng loạt từ ngày 3/5/2011.


Việt Nguyễn - (Tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc