Nga bác bỏ tin bán Su-35 cho Trung Quốc?

08:14, 26/03/2013
|

(VnMedia) - Trong khi báo chí Trung Quốc hoan hỉ đưa tin về hợp đồng vũ khí “khủng” mà nước này ký kết được với Nga trong chuyến thăm của ông Tập Cận Bình mới đây thì hôm qua (25/3) đã có nguồn tin lên tiếng bác bỏ thông tin này.

 

Ảnh minh họa


Trước đó, báo chí rộ lên tin Bắc Kinh đã ký hợp đồng mua 24 chiếc máy bay chiến đấu đa năng Su-35 và 4 chiếc tàu ngầm lớp Lada (tàu ngầm lớp Amur) của Moscow. Hợp đồng này trị giá lên tới hơn 2 tỉ USD. Thông tin này đã khiến nhiều người ngỡ ngàng bởi trước đó, Nga vẫn tỏ ra chần chừ không muốn bán một trong những chiến đấu cơ thiện chiến nhất và hiện đại nhất của nước này cho Trung Quốc vì e ngại việc Trung Quốc sao chép công nghệ vũ khí tối tân của họ.

 

Sau những giây phút ngỡ ngàng, người ta cũng bắt đầu tin rằng, Nga và Trung Quốc thực sự đã ký hợp đồng vũ khí “khủng” trên do hai nước hiện giờ đang khao khát thắt chặt quan hệ với nhau để làm đối trọng với Mỹ.

 

Tuy nhiên, trong một diễn biến đầy bất ngờ, một chuyên gia quân sự của Nga mới đây đã lên tiếng khẳng định, Moscow phủ nhận hoàn toàn thông tin về hợp đồng vũ khí với Trung Quốc. “Điện Kremlin chính thức phủ nhận thậm chí cả thông tin về việc thảo luận vấn đề mua bán vũ khí trong chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình”, ông Vasiliy Kashin – một chuyên gia về quân sự Trung Quốc thuộc Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ (CAST) ở thủ đô Moscow cho biết.

 

“Trong quan hệ Nga-Trung, những hợp đồng mua bán vũ khí cụ thể gần như không bao giờ được thảo luận bởi những quan chức hàng đầu. Các nhà lãnh đạo chỉ thảo luận về những vấn đề chung”, ông Kashin nói thêm.

 

Một nguồn tin khác từ ngành công nghiệp quốc phòng Nga cũng khẳng định, hiện tại, Moscow vẫn rất thận trọng trong việc xúc tiến thực hiện Biên bản ghi nhớ được ký hồi tháng 12 năm ngoái về việc cung cấp chiến đấu cơ đa năng Su-35 và tàu ngầm lớp Lada cho Trung Quốc.

 

Theo phía Nga giải thích, Trung Quốc đã cố tình vi phạm các thỏa thuận được đưa ra trong Luật Sở hữu Trí tuệ (IPR) khi sao chép công nghệ từ chiến đấu cơ Su-27 của Nga để chế tạo J-11B của họ.

 

Trong năm 1995, Trung Quốc đã ký một hợp đồng với Nga để chế tạo 200 chiếc Su-27SK hay còn gọi là J-11A với trị giá 2,5 tỉ USD. Năm 2006, Nga đã hủy hợp đồng này sau khi phát hiện Trung Quốc sao chép công nghệ của mình để bí mật sản xuất một phiên bản tự chế có tên là J-11B.


Nga có sự nghi ngờ lớn rằng, Trung Quốc sẽ tìm cách bắt chước công nghệ tối tân trong phi cơ chiến đấu Su-35 và tàu ngầm lớp Lada của mình để chế tạo những phiên bản riêng của họ. Theo nhiều nhà phân tích, đây là lý do chính ngăn cản Nga bán vũ khí tối tân cho Trung Quốc.

 

Tuy nhiên, không phải tất cả các nhà phân tích đều đồng ý với quan điểm trên. Ông Gary Li - một nhà phân tích cấp cao thuộc IHS Fairplay, cho rằng, Trung Quốc đang đạt được nhiều bước tiến trong quá trình nghiên cứu, phát triển vũ khí.

 

“Trung Quốc không còn tìm cách sao chép trực tiếp tất cả mọi thứ mà họ mua được mà chỉ bắt chước một số phần để đưa vào thiết kế riêng của họ”, ông Li nói.

 

Cũng có những lo ngại về việc Trung Quốc muốn tiếp cận với động cơ Saturn AL-117S trong Su-35 của Nga. Đây là loại động cơ được trang bị cho máy bay chiến đấu T-50 – nguyên mẫu của phi cơ chiến đấu tàng hình tối tân thế hệ thứ 5 Sukhoi PAK FA.

 

Tuy nhiên, ông Kashin cho rằng, nguy cơ từ việc bán động cơ của Nga cho Trung Quốc không nhiều. “Một động cơ không thể bị bắt chước chỉ bằng cách mua một bản mẫu”, ông Kashin nói.

 

Trong khi đó, ông Li cho biết, ông có thể hình dung ra việc các kỹ sư hàng không của Trung Quốc nghiên cứu động cơ của máy bay hay các bộ phận quan trọng trong chiếc máy bay Su-35 và tàu ngầm Amur. Mặc dù vậy, sẽ phải mất hơn một thập kỷ nữa trước khi Trung Quốc có thể ngừng việc đặt hàng động cơ từ bên ngoài để thay thế cho những động cơ bị mòn của họ như đang làm với J-11 và J-10.

 

“Sẽ phải mất vài năm để họ có thể tự chế tạo bộ phận thay thế cho phiên bản nội địa của họ”, ông Li nói thêm.

 

Sở dĩ ông Kashin có lý do để tin rằng, việc Trung Quốc cố gắng bắt chước công nghệ từ Su-35 như họ đã làm với Su-27 giờ đây trở nên khó khăn hơn rất nhiều là do “lần này, những người anh em Ukraine của chúng ta không thể giúp họ bằng cách bán cho Trung Quốc tất cả các công nghệ mà họ thiếu bằng rất nhiều đồng đô la Mỹ. Tôi cho rằng, tình hình với tàu ngầm Amur cũng tương tự như vậy”.

 

Ukraine bị cáo buộc đã bán những công nghệ quốc phòng của Liên Xô trước đây nhưng nước này giờ đây không còn được tiếp cận với những thông tin liên quan đến các hệ thống vũ khí mới hơn của Nga như máy bay chiến đấu Su-35 và tàu ngầm Amur.

 

“Tàu Amur không phải là một chiếc tàu ngầm chiến lược và bởi vì các lợi ích của Nga ở vùng Viễn Đông chưa đến mức tham vọng nên họ có thể bán tàu ngầm Amur cho Trung Quốc. Nhưng làm sao mà Trung Quốc có thể đẩy lùi được chiến lược hướng trọng tâm vào Châu Á của Mỹ”, ông Li tự hỏi.

Hiện tại, thông tin về việc Kremlin phủ nhận  ký hợp đồng vũ khí "khủng" với Trung Quốc chưa được kiểm chứng. Nhưng nếu đó là thông tin chính xác thì có vẻ như, Nga và Trung Quốc vẫn chưa gạt bỏ được sự nghi kỵ bất chấp việc hai nước đang rất muốn thắt chặt quan hệ hợp tác để đối phó với địch thủ chung là Mỹ.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc