(VnMedia) - Một loạt tiếng nổ dữ dội đã làm rung chuyển thủ đô Damascus – thành trì chính của Tổng thống Bashar al-Assad. Dường như, quyền lực của ông Assad đang bị thách thức nghiêm trọng.
Bạo lực leo thang ở thủ đô
Ngày hôm qua (28/11) đánh dấu tình trạng bạo lực leo thang nghiêm trọng ở thủ đô Damascus – nơi vốn được xem là biểu tượng quyền lực của Tổng thống Assad.
Một loạt vụ nổ đã xảy ra ở thủ đô Damascus và tỉnh phía nam Daraa, khiến ít nhất 58 người thiệt mạng và hơn 150 người bị thương.
Ngày thứ Tư bắt đầu bằng 4 vụ nổ liên tiếp ở các khu vực khác nhau thuộc ngoại ô Jaramana thủ đô Damascus, làm ít nhất 56 người thiệt mạng. Các vụ nổ này gây ra bởi hai chiếc xe hơi chất đầy chất nổ và hai thiết bị nổ. Hiện trường mà các vụ nổ này để lại thật sự vô cùng thảm khốc.
"Hãy nhìn đống đổ nát khổng lồ này và cảnh tượng kinh hoàng. Chúng tôi đã phải thu thập một loạt thi thể và những cánh tay bị đứt rời của các thi thể để trao lại cho Hội chữ Thập đỏ”, một nhân chứng có tên là Abdul-Baset Ramadan cho biết tại hiện trường các vụ nổ.
"Đây có phải là tự do mà họ muốn. Những đứa trẻ và dân thường có tội gì?”, ông Ramadan hỏi.
Jaramana, một khu vực ngoại ô với phần lớn số dân theo đạo Cơ đốc giáo và đạo Druze, đã phải chứng kiến một loạt vụ nổ trong suốt nhiều tháng qua. Điều này đã bộc lộ rõ mâu thuẫn sắc tộc sâu sắc ở đất nước Syria – nơi chìm trong cuộc khủng hoảng đẫm máu suốt hơn 20 tháng qua.
Chỉ vài giờ sau khi xảy ra các vụ nổ kinh hoàng trên ở Jaramana, một chiếc xe hơi chứa đầy chất nổ cũng đã phát nổ ở thành phố Busra ở ngoại ô tỉnh Daraa, làm 2 người thiệt mạng và nhiều người khác bị thương.
Cũng trong ngày hôm qua, đài truyền hình Syria đưa tin, 8 “kẻ khủng bố” đã thiệt mạng trong một vụ nổ bom xe hơi ở khu vực ngoại ô Hajjira, thủ đô Damascus.
Quân chính phủ Syria cũng đã phá vỡ được một âm mưu đánh bom khác ở Qudsaia, quận al-Wurud – khu vực ngoại ô thủ đô Damascus với phần lớn người dân thuộc giáo phái Alawite sinh sống. Tổng thống Assad và đa số giới lãnh đạo cầm quyền Syria là thuộc giáo phái thiểu số Alawite.
Loạt vụ nổ bom trên xảy ra sau khi quân đội Syria thắt chặt vòng vây xung quanh phe nổi dậy ở Daraya, ngoại ô thủ đô Damascus. Quân đội đã giết chết và làm bị thương nhiều chiến binh ở đây.
Quân chính phủ cho biết, họ cũng đang chiến đấu với hàng ngàn chiến binh al-Qaida ở nhiều khu vực khác trên khắp cả nước.
Trước đó cùng ngày, nhật báo thân chính phủ al-Watan đưa tin, quân đội Syria đang đạt được bước tiến ở các chiến trường ở ngoại ô thủ đô Damascus, vườn quả Kafar Souseh và Daraya. Đây là những nơi chứng kiến các cuộc giao tranh dữ dội trong nhiều ngày qua giữa quân chính phủ và phe nổi dậy.
Tờ al-Watan ước tính, quân đội đã hoàn thành cuộc chiến chống phe nổi dậy ở Daraya trong vòng 48 giờ đồng hồ. Quân của Tổng thống Assad cũng đã thành công trong việc cắt đứt đường cung cấp hậu cần cho các chiến binh nổi dậy ở tỉnh tây bắc Idlib – một điểm nóng khác nằm trên đường biên giới giữa Syria với Thổ Nhĩ Kỳ.
Nga tuyên bố không can thiệp vào Syria
Trong khi diễn biến tình hình Syria mỗi lúc một nghiêm trọng thì Ngoại trưởng Nga hôm qua tuyên bố, dù thế nào Nga cũng sẽ không can thiệp vào cuộc xung đột vũ trang ở đất nước Trung Đông này.
"Chắc chắn, việc Moscow can thiệp vào cuộc xung đột Syria sẽ không bao giờ được bàn đến", ông Sergei Lavrov cho biết trong một bài viết được đăng tải trên website của Bộ Ngoại giao Nga. Ông này cũng nói thêm rằng, sự hợp tác kỹ thuật-quân sự giữa Nga và Syria là có lợi cho việc duy trì hoà bình ở Trung Đông.
"Mối quan hệ hợp tác đó chưa bao giờ là nhằm để hậu thuẫn cho bất kỳ lực lượng nào bên trong chính trường Syria”, Ngoại trưởng Nga cho biết.
Nhà ngoại giao Lavrov tái khẳng định, Moscow phản đối kịch liệt mọi sự can thiệp từ bên ngoài, đặc biệt là vũ lực, vào các vấn đề nội bộ của Syria. "Chúng tôi sẽ làm tất cả mọi việc để có thể ngăn chặn đổ máu, đưa các bên đến bàn đàm phán để họ có thể ngồi lại với nhau cùng quyết định hình mẫu chính trị tương lai cho đất nước”, ông Lavrov nói.
Ngoại trưởng Lavrov cũng cho biết, Nga đang làm việc với cả chính phủ chính thức lẫn phe đối lập ở Syria để đạt được các mục tiêu trên.
Ngoài ra, theo lời ông Lavrov, Moscow cũng thuyết phục những nước có ảnh hưởng quyết định đối với các bên trong cuộc khủng hoảng ở Syria nên nỗ lực hết sức để thực hiện thoả thuận ở Geneva, thống nhất các phe nhóm đối lập và ngồi vào bàn đàm phán với chính phủ của Tổng thống Assad để thảo luận về giai đoạn chuyển tiếp.
Theo tuyên bố Geneva được các cường quốc thế giới nhất trí hồi tháng 6, một chính phủ chuyển tiếp sẽ được thành lập ở Syria dựa trên thoả thuận chung giữa chính phủ và phe nổi dậy.
Cuộc khủng hoảng ở đất nước Syria đã kéo dài hơn 20 tháng qua. Theo ước tính của Liên Hợp Quốc, đã có khoảng 40.000 người thiệt mạng trong những cuộc giao tranh ác liệt giữa quân chính phủ và phe nổi dậy Syria.
Nga và phương Tây, đặc biệt là Mỹ, thường xuyên cáo buộc lẫn nhau về vai trò của họ trong cuộc xung đột ở Syria. Mỹ kêu gọi lật đổ ông Assad và chỉ trích Nga cung cấp vũ khí cho Damascus để giúp chính quyền của ông này đàn áp người dân. Đáp lại, Nga chỉ trích mạnh mẽ vai trò “ngầm” của Mỹ trong việc hậu thuẫn cho phe nổi dậy Syria, nói rằng Washington đang can thiệp vào công việc nội bộ của đất nước Trung Đông.
Kiệt Linh -
(theo THX, AP, Reuters)
Ý kiến bạn đọc